Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 23 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuẩn bị tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn: Đường, điện đã sẵn sàng

Cập nhật: 09:17 ngày 25/05/2017
(BGĐT) - Năm nay, dù sản lượng vải thiều và một số loại cây ăn quả khác giảm đáng kể nhưng UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và các ngành liên quan vẫn chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giúp người dân tiêu thụ thuận lợi. Hiện hầu hết các công trình đã hoàn tất, góp phần nâng cao giá trị nông sản cho người dân. 

{keywords}

Tuyến đường huyện nối các xã Nghĩa Hồ, Thanh Hải, Biên Sơn (Lục Ngạn) được cứng hóa.

Cùng cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lục Ngạn kiểm tra tiến độ dự án nâng cấp tuyến đường huyện nối các xã Nghĩa Hồ, Thanh Hải, Biên Sơn, chúng tôi cảm nhận niềm vui của người dân khi chứng kiến những mét đường cuối cùng được bê tông lấp kín. Công trình triển khai từ năm 2011 với chiều dài gần 10 km, tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư. Trước đây, đường xuống cấp nghiêm trọng với những hố sâu, đá hộc lởm chởm khó khăn cho lưu thông, nay mặt đường bê tông xi-măng phẳng lì, rộng 5,5 m phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của bà con. 

Anh Vi Văn Hiếu, thôn Khuôn Cầu, xã Biên Sơn phấn khởi cho biết, trước đây, mỗi khi đến thị trấn Chũ, người dân phải vượt hơn 20 km vòng qua xã Hồng Giang. Khổ nhất là vào vụ thu hoạch vải thiều, lợi dụng đường xấu, nhiều thương nhân ép giá gây thiệt hại cho các hộ dân… Tuyến đường được cứng hóa đã rút ngắn khoảng cách với trung tâm huyện xuống còn 7 km. 

Được biết, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện đang triển khai, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 19 dự án cải tạo, nâng cấp, cứng hóa đường giao thông tại các xã có diện tích cây ăn quả lớn như: Tân Mộc, Giáp Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Hộ Đáp, Hồng Giang, Phú Nhuận… Trong đó cơ bản hoàn thành 9 dự án chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư gần 22 tỷ đồng, sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại, tiêu thụ nông sản của người dân. 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện chia sẻ: “Dự án thực hiện đến đâu, người dân hiến đất, công trình đến đó, nhiệm vụ của Ban là tập trung lực lượng giám sát, yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, vật lực, máy móc, tận dụng thời gian thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Tất cả vì mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, giúp người dân lưu thông, tiêu thụ nông sản thuận lợi”. 

{keywords}

Lưới điện ở thị trấn Chũ thường xuyên được bảo dưỡng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh cứng hóa đường giao thông, trước mỗi vụ thu hoạch vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn ban hành kế hoạch vận động toàn huyện ra quân bảo trì, tu sửa đường giao thông nông thôn. Theo đó, ngày 28-5 tới, UBND huyện bố trí hơn 300 triệu đồng hỗ trợ 1 nghìn tầm cống giúp các xã bổ sung, tu sửa rãnh thoát nước trên các tuyến đường. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm bảo đảm vật liệu, người dân tham gia ngày công san lấp ổ gà, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cối, bụi rậm phục vụ tốt nhất nhu cầu lưu thông, vận chuyển hoa quả, nông sản.

Không chỉ đường thông, hè thoáng, hạ tầng lưới điện cũng được quan tâm đầu tư, bảo đảm năng lực, chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, ngành điện đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng mới 12 km đường dây trung áp, 21 km đường dây hạ áp; 22 trạm biến áp. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bắc Giang triển khai các dự án chống quá tải, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thay thế đường dây, cột bê tông không bảo đảm chất lượng... với tổng kinh phí khoảng 190 tỷ đồng. Nhờ đó, chất lượng cung cấp điện trên địa bàn nâng lên, giảm thất thoát điện năng. 

Ông Nguyễn Bắc Tiến, Phó Giám đốc Điện lực Lục Ngạn khẳng định, song song với việc tập trung sửa chữa, nâng cấp lưới điện trung, hạ áp, Điện lực huyện còn xây dựng kế hoạch kiểm tra, cùng các cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp trên địa bàn phối hợp vệ sinh công nghiệp, bảo dưỡng các máy biến áp trước khi đóng điện, vận hành. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận tăng cường nhân lực ứng trực 24/24 giờ, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra, bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, giá trị cao.

Nguyễn Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...