Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cựu chiến binh Giáp Văn Kỷ: Nhân chứng ba chiến dịch lịch sử

Cập nhật: 09:27 ngày 11/04/2017
(BGĐT) - Ông Giáp Văn Kỷ (SN 1929) ở thôn Phố Chợ, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) từng tham gia ba chiến dịch lịch sử của dân tộc. Với ông, hạnh phúc là được chiến đấu và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
{keywords}

Ông Giáp Văn Kỷ (bên phải) kể về những năm tháng tham gia kháng chiến.

Du kích Ba Hòn giỏi giang

Năm nay, ông Giáp Văn Kỷ bước sang tuổi 88, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương từ thời xông pha bom đạn khiến ông đau nhức, đi lại khó khăn. Đón khách trong nếp nhà đơn sơ, tài sản quý giá nhất với ông là tấm Huân chương Chiến công hạng Nhất và một vài bức ảnh cùng đồng đội đã phai màu theo thời gian. 

Vừa lau lớp bụi bám vào tấm ảnh chụp cùng cựu du kích Ba Hòn (thuộc xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn), ông bồi hồi kể lại: “Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chính quyền của ta còn non trẻ, thực dân Pháp cấu kết với tay sai ra sức phá hoại thành quả cách mạng. Lúc đó, không ai bảo ai, lớp thanh niên chúng tôi đều tình nguyện gia nhập đội du kích Ba Hòn. Khi ấy, tôi tròn 17 tuổi”. 

Ngày qua ngày, ông cùng đồng đội học tập, tiếp thu lý tưởng cách mạng của Đảng để tuyên truyền cho bà con nhân dân, ngoài ra còn luyện võ thuật, tham gia xây dựng căn cứ, làng kháng chiến. Biết lực lượng mỏng, vũ khí chỉ là súng kíp, mã tấu nên đội quân của ông ra sức phối hợp cùng các nhánh quân khác nắm tình hình, sẵn sàng đánh địch. 

Không ngại gian khổ, hy sinh, từ năm 1945 đến 1950, ông Kỷ cùng đồng đội chiến đấu 53 trận, diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, cảm hóa hàng chục tên phỉ trở về làm ăn lương thiện, thu hàng trăm khẩu súng và nhiều phương tiện, thiết bị quân sự; chặn đứng ý đồ đánh chiếm Cấm Sơn để làm bàn đạp tấn công ra các vùng khác của kẻ thù. Ngày ấy mọi thứ đều thiếu thốn, tranh thủ thời gian, ông đào củ mài, tìm rau rừng, chăm lo bữa ăn cho đồng đội. 

Ông chậm rãi đọc những câu thơ trong bài “Lên Cấm Sơn” của nhà thơ Thôi Hữu để tôi hình dung rõ hơn hoàn cảnh bấy giờ: “Có khi gạo hết tiền vơi/ Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng/ Có đêm gió bấc lạnh lùng/ Áo quần rách nát lá dùng che thân”... Năm 1949, được kết nạp vào Đảng, ông càng thêm hăng say lao động, chiến đấu, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, đi bất cứ nơi đâu. 

Sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ

{keywords}

Những năm đầu kháng chiến, thực dân Pháp cấu kết với tay sai ra sức phá hoại thành quả cách mạng. Lúc đó, không ai bảo ai, lớp thanh niên chúng tôi đều tình nguyện gia nhập Đội du kích Ba Hòn". 


Cựu chiến binh Giáp Văn Kỷ

Trên tường nhà, cựu chiến binh Giáp Văn Kỷ treo trang trọng Kỷ niệm chương tham gia ba chiến dịch lịch sử Việt Nam. Đó là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Giữa tháng 4 lịch sử này, ông xúc động nhớ về những ngày chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 6 (Quân khu 7). 

Phát huy truyền thống “Kiên cường bám trụ, lẫy lừng chiến công”, ông chỉ huy Tiểu đoàn 2 phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt một tiểu đoàn biệt động của địch tại ngã ba Cổng Xanh, Tân Uyên, Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương), diệt 120 tên địch, bắn rơi một máy bay trực thăng, thu nhiều súng. Các hướng tiến công của Trung đoàn đã chọc thủng tuyến phòng thủ quan trọng bậc nhất của địch ở phía Đông Bắc Sài Gòn, giúp vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng. 

Tham gia những cuộc họp với cấp trên, ông đề xuất nhiều sáng kiến đánh chiếm Sân bay Biên Hòa. Theo đó, khi bộ đội đặc công hoàn thành trinh sát địa bàn, thọc sâu trong lòng địch nhằm mở cửa cho các lực lượng khác tiến công, ông cùng đồng đội chiến đấu vòng ngoài, không để địch chạy thoát, đồng thời bắn hỏng các máy bay bay tầm thấp. Không chỉ sân bay, nhiều cơ quan đầu não của địch ở TP Biên Hòa cũng bị quân ta phá hủy. 

Sau này, ông tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Trở về đời thường (năm 1977), ông phụ trách công tác thương binh- xã hội của xã. 7 năm làm lĩnh vực này, ông luôn tìm hiểu, nắm chắc các văn bản hướng dẫn, quy định của cấp trên để giúp các thương, bệnh binh hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ chính sách. 

Được tín nhiệm, ông có 11 năm công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Lục Ngạn. Với chiếc xe đạp cũ, ông cần mẫn đi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, hướng dẫn hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu. Là nhân chứng lịch sử, ông Giáp Văn Kỷ còn tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ học sinh trong huyện.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...