Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hố ủ phân compost - Xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi

Cập nhật: 22:29 ngày 13/11/2017
(BGĐT) - Do nhu cầu mở rộng sản xuất, tăng đàn vật nuôi của nhiều hộ dân hiện nay dẫn đến quá tải hầm khí sinh học. Để giải quyết vấn đề này, dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng hố ủ phân compost, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Men theo con đường mòn thôn Hà Tú, xã Chu Điện (Lục Nam), chúng tôi tới ngôi nhà cấp 4 và khu chăn nuôi của gia đình ông Dương Hồng Khuê. Với diện tích chuồng trại khoảng 200 m2, mỗi năm gia đình ông Khuê nuôi 10 con lợn nái, gần 100 con lợn thịt. Trước đây, ông Khuê có lắp đặt hầm biogas composite, thể tích 10 m3 để xử lý chất thải. Tuy nhiên, do lượng phân thải ra nhiều nên hiện tượng quá tải xảy ra thường xuyên. “Nhận được thông tin hỗ trợ xây dựng hố ủ phân, gia đình tôi đã đăng ký xây hố ủ sức chứa 20m3 của dự án LCASP. Lượng chất thải từ chuồng nuôi được ủ men vi sinh giúp giảm thiểu ô nhiễm, không có mùi hôi khó chịu. Hơn thế, gia đình còn có nguồn phân vi sinh tốt cho cây trồng, giảm tải cho hầm biogas cỡ nhỏ”, ông Khuê chia sẻ.

{keywords}

Ông Dương Hồng Khuê, thôn Hà Tú, xã Chu Điện (Lục Nam) pha men ủ tưới cho hố ủ phân compost.

Theo ông Khuê, phương pháp ủ phân compost trên hố ủ rất đơn giản. Lượng phân được phối trộn theo tỉ lệ 1 tấn phân chuồng; men ủ vi sinh 20 gói; đường hoặc nước rỉ mật 10kg và chất độn là các loại cây phân xanh, rơm, rạ, trấu, mùn cưa,…cùng cám ngô hoặc cám gạo. Các lớp nguyên liệu ủ lần lượt là lớp chất độn dày 15- 20cm, rộng 1,5 - 2m, sau đó rải phân chuồng, lớp cám ngô hoặc cám gạo, hòa men ủ và rỉ mật tưới đều lên trên mặt; tiếp tục rải các lớp tiếp theo đến khi hết nguyên liệu.

Nhờ được cán bộ dự án LCASP hướng dẫn nên gia đình ông Khuê thực hiện đúng kỹ thuật, thời gian ủ phân chuồng được rút ngắn. Để quá trình ủ phân nhanh và hiệu quả, ông Khuê nuôi giun quế ngay trong khu vực hố ủ. Số giun quế nuôi được ông cho gà và cá ăn, tiết giảm chi phí chăn nuôi. Mỗi năm gia đình thu gần 2 tấn cá, trị giá hơn 100 triệu đồng.

{keywords}

Bãi cỏ voi nhà ông Dương Hồng Khuê, thôn Hà Tú, xã Chu Điện (Lục Nam) phát triển tốt nhờ bón phân hữu cơ từ hố ủ compost.

Không chỉ gia đình ông Khuê, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi từ dự án LCASP trong việc hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật xây hố ủ phân compost. Riêng năm 2017, dự án đã hỗ trợ bà con ở 8 huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Ngạn và Lục Nam xây 15 hố ủ phân hữu cơ; đồng thời tổ chức 30 lớp tập huấn cho nông dân về sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi để ủ phân compost. 

Các hộ tham gia được dự án LCASP hỗ trợ 100% chi phí công xây dựng, nguyên vật liệu và các thiết bị đi kèm như: Máy cắt cỏ, cuốc, xẻng, xe rùa, bạt che… Tổng kinh phí hỗ trợ mỗi hố ủ 20m3 hơn 21 triệu đồng. Qua đó, giúp các hộ chăn nuôi khắc phục ô nhiễm môi trường, có thêm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng./.

Văn Vĩnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...