Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Xưa và nay
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đặc sắc tín ngưỡng thờ Hà Bá thủy quan ở đình Trung Lập

Cập nhật: 07:00 ngày 11/03/2018
(BGĐT) - Tín ngưỡng thờ Thành hoàng trong các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh hình thái tín ngưỡng thờ nhân thần- những người có công với dân, với nước, có hình thái tín ngưỡng thờ nhiên thần như thần cây, thần nước, thần sông... Tục thờ Hà Bá thuỷ quan là một loại hình tín ngưỡng thờ thần sông nước được tôn thờ từ cổ xưa ở xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
{keywords}

Đình Trung Lập. 

Hà Bá thuỷ quan là vị thần cai quản vùng sông nước trong tín ngưỡng của người Việt giống như Thổ Công, một vị thần cai quản đất đai. Vì vậy, dân gian có câu "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Ở Bắc Giang, tín ngưỡng thờ Hà Bá thuỷ quan còn ít người biết tới. Đình Trung Lập, xã Thái Đào trở nên độc đáo trong hệ thống di tích ở Bắc Giang có lẽ cũng vì giá trị tín ngưỡng của người được thờ này. 

Di tích đình Trung Lập (còn gọi đình Gốm) xưa thuộc xã Trung Lập, huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang. Xưa kia, thôn Vạc và thôn Gốm của xã Trung Lập là vùng trũng thấp có ngã ba, lưu vực của những dòng chảy đổ ra sông Lục Nam. Ngay phía trước cửa đình, trên cánh đồng làng còn dấu tích của dòng kênh giữa. Trong đời sống thường ngày, người dân mưu sinh đánh bắt tôm, cá trên sông nước nên việc tôn thờ Hà Bá thuỷ quan để che chở, bảo vệ cho dân cũng là điều dễ hiểu. Các triều đại phong kiến còn quan tâm ban tặng phong sắc cho các vị thần thờ ở đình. Cụ thể, ngày 15 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 6-1846, “sắc ban cho Hồng thí quảng tế Hà Bá thuỷ quan trung đẳng Thần. Thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân, vô cùng linh ứng…”. 

Đến các đời vua kế tiếp theo niên hiệu Tự Đức năm thứ 3-1850, Tự Đức năm thứ 33 -1870, niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2- 1887, niên hiệu Duy Tân thứ 3- 1909, Khải định thứ 9- 1924 đều có sắc phong ban tặng cho Hà Bá thuỷ quan ở đình Trung Lập.

{keywords}

Sắc phong cho Hà Bá thuỷ quan.

Căn cứ kết cấu kiến trúc và các tài liệu, hiện vật còn lưu giữ cho thấy đình Trung Lập được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Ngôi đình hiện nay có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm hai toà tiền đình và hậu cung. Kết cấu kiến trúc còn khá chắc chắn, từ hệ mái với các đầu đao cong mềm mại cho tới những bức chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc trong đình đều toát lên giá trị nghệ thuật truyền thống của người Việt. Toà tiền đình 3 gian, 2 chái tuy đã được tu sửa lại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ. Toà hậu cung 1 gian, 2 chái bốn mái đao còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc cổ của thời Lê Trung Hưng. 

Đình Trung Lập còn lưu giữ một số di vật, cổ vật có giá trị như thần tích sắc phong, bát hương gốm, kiệu song hành và các đồ thờ bằng gỗ có giá trị lịch sử, văn hoá và giá trị nghiên cứu khoa học. Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hằng năm tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo ở đình Trung Lập ngoài nghi thức rước kiệu Thánh còn có nghi thức rước nước liên quan tới tín ngưỡng người được thờ ở đình. Trong ngày sự lệ, dân làng cùng tập hợp đông đủ tại giếng Mắt (còn gọi là giếng bầu sữa Mẹ) lấy nước rước về đình để thờ. Với những giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu, đình Trung Lập được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...