Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục duy trì tốp đầu của tỉnh

Cập nhật: 09:25 ngày 06/02/2018
(BGĐT)-Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) huyện Lạng Giang luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh. Kết quả đó được ghi nhận qua con số 62/72 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8 trường đạt chuẩn mức độ 2. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao một cách bền vững.
{keywords}

Giờ lên lớp tại Trường THCS Yên Mỹ.

Quan tâm xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, huyện Lạng Giang đã thực hiện nhiều giải pháp, trước tiên là ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Năm 2017, UBND huyện đã bổ sung bàn ghế học sinh đạt chuẩn, thiết bị dạy học cho các trường trị giá hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt đã hỗ trợ đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng mới khu nhà ăn bán trú trường Tiểu học thị trấn Vôi và hơn 60 phòng học ở một số trường. UBND huyện cũng đầu tư cho toàn bộ các phòng học từ lớp 3 trở lên một ti vi cỡ lớn để phục vụ việc dạy và học.

Lạng Giang là một trong các địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp khá cao, trong đó ngành học mầm non đạt 85%, phổ thông đạt 96%. Hệ thống trường, lớp được duy trì ổn định, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập, từ đó giúp giáo viên, học sinh có điều kiện thuận lợi trong dạy và học, cập nhật thông tin, kiến thức và phương pháp giáo dục hiện đại.

Xác định đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng trong việc duy trì nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn, Phòng GD&ĐT huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn của ngành; tích cực chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá giáo viên.

Các nhà trường chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp quản lý, dạy và học; xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm của năm học để tập trung triển khai và thực hiện. Các cuộc vận động, phong trào thi đua: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Dạy tốt- Học tốt" tiếp tục được thực hiện trong toàn ngành; từng bước chuyển mục tiêu từ dạy kiến thức sang dạy phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực ở các bậc học: 100% trường mầm non tổ chức lớp ăn bán trú, 100% nhóm trẻ và lớp mẫu giáo được học chương trình giáo dục mầm non mới. Số học sinh tiểu học được đánh giá đạt về năng lực chiếm 98,8%. Học sinh THCS loại yếu kém chiếm hơn 6%.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2016-2017, Lạng Giang có 42 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 17 giải Ba và 22 giải Khuyến khích. Học kỳ I năm học 2017-2018, học sinh các trường THCS trong huyện tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với 5 sản phẩm và giành 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích.

Để có được chất lượng giáo dục mũi nhọn bền vững ở mỗi trường nói riêng và trong toàn huyện nói chung, các thầy cô tích cực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2016-2017, đội tuyển học sinh giỏi Hóa của huyện do cô Chu Thị Mai, giáo viên Trường THCS Tân Hưng phụ trách có 8/8 em tham dự cấp tỉnh đều đoạt giải. Cô bộc bạch: "Nhà trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, định hướng và tạo điều kiện về thời gian, đầu tư trang thiết bị thực hành, thí nghiệm. Sự quan tâm, động viên, khen thưởng kịp thời của ngành đã khích lệ đội tuyển nỗ lực phấn đấu, giành thành tích cao".

Không chỉ chú trọng học văn hóa, các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cũng được các nhà trường coi trọng. 100% các trường tiểu học, THCS trong huyện đều tổ chức được Ngày hội trải nghiệm tiếng Anh; Tết ấm tình thương; Tết cổ truyền; Hội chợ quê; ngày hội sáng tạo khoa học…

Theo ông Đặng Thiều Quang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, ngành đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ phòng tới các nhà trường tiếp tục được đổi mới; tăng cường phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Hoạt động kiểm tra được tích cực triển khai, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, nền nếp. Chỉ đạo mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng bền vững, thực chất. Những kết quả đạt được là động lực quan trọng để Lạng Giang tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong những năm tới.

Tuấn Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...