Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vận động lao động về nước đúng hạn: Kinh nghiệm từ Lạng Giang

Cập nhật: 10:31 ngày 11/09/2017
(BGĐT) - Là một trong ba huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động (theo Chương trình EPS) do có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhưng từ đầu năm đến nay, Lạng Giang (Bắc Giang) đã thực hiện hiệu quả các hình thức vận động, kêu gọi nhiều lao động vi phạm về nước.
{keywords}

Cán bộ LĐ-TB&XH xã Phi Mô (bên phải) tư vấn một số chính sách hỗ trợ việc làm sau khi về nước cho anh Lê Xuân Công, thôn Phi Mô.

“Mưa dầm thấm lâu”

Tháng 2-2017, huyện Lạng Giang có 93/232 lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, chiếm 40% nên huyện bị đưa vào danh sách các địa phương tạm dừng tuyển chọn. Ông Ngô Minh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Lúc này, chúng tôi xác định nhiệm vụ vận động lao động về nước thực sự quan trọng và cấp thiết. 

Để huy động sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, huyện yêu cầu 23 xã, thị trấn thành lập tổ vận động do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm tổ trưởng, lãnh đạo các ngành, đoàn thể là thành viên. Đồng thời, gắn công tác này vào tiêu chí đánh giá người đứng đầu địa phương”.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từng bước thay đổi nhận thức của lao động, tại các xã có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp như: Thái Đào, Phi Mô, Nghĩa Hưng, công tác tuyên truyền được đưa vào nội dung cuộc họp giao ban định kỳ giữa lãnh đạo xã với các ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn. 

Chị Ninh Thị Thủy, cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xã Phi Mô chia sẻ: “Được giao nhiệm vụ nên tôi liên tục cập nhật danh sách lao động đã quá hạn, sắp hết hạn. Ngoài gặp trực tiếp hoặc gọi điện vận động các gia đình có con em đang lao động ở Hàn Quốc chấp hành quy định pháp luật, tôi còn tham mưu với xã xây dựng các chương trình phát thanh, phát 2 buổi/tuần trên hệ thống truyền thanh xã”. Nhờ vậy, nhiều lao động đã về nước đúng hạn.

Vẫn cần giải pháp quyết liệt

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện được biết, đến nay, toàn huyện còn 18 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (giảm 75 người so với tháng 2-2017); từ nay đến cuối năm, có 16 người hết hạn hợp đồng. “Dù đã nỗ lực giảm tỷ lệ cư trú trái phép và đạt kết quả tích cực nhưng công tác vận động lao động về nước còn nhiều trở ngại. Một số xã, thị trấn chưa thực sự quyết liệt vào cuộc; còn có gia đình thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong việc nhắc nhở, động viên con em mình; chế tài xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe...”, ông Khải nói. 

Tìm hiểu thực tế tại một số xã còn nhiều lao động cư trú bất hợp pháp như Thái Đào (8 người), Phi Mô, Nghĩa Hưng, Đại Lâm (mỗi xã hai người), khi tổ vận động đến tuyên truyền, gia đình thường viện cớ người thân ở Hàn Quốc rất ít liên lạc về để thoái thác trách nhiệm. 

Hoặc như trường hợp bà Hoàng Thị Bài, thôn Ghép, xã Thái Đào có con gái là Tống Thị Thơm (SN 1990) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hơn 18 tháng. Mỗi lần tổ vận động đến tuyên truyền, xem truyền hình thấy lao động bị truy quét gắt gao, thậm chí gặp nguy hiểm khi chạy trốn, bà Bài đều gọi điện động viên con về nước. 

Tuy nhiên giống như nhiều người khác, lý do kiếm “kế sinh nhai” được con gái bà đưa ra để ở lại mà không lường hết được những rủi ro khi sống chui lủi, không được luật pháp bảo vệ. Về khách quan, một số chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở “xứ sở Kim Chi” đang tạo điều kiện cho lao động Việt Nam ở lại làm việc bất hợp pháp. Như trường hợp anh Lê Xuân Công (SN 1977), thôn Phi Mô, xã Phi Mô, hợp đồng hết hạn từ tháng 1-2016 nhưng đến tháng 5-2017 anh mới về nước do bị bắt trong một đợt truy quét của Hàn Quốc và bị trục xuất. Để cư trú bất hợp pháp, anh được chủ doanh nghiệp tuyển mới bảo lãnh thuê chỗ trọ, thông báo nghỉ làm nếu có lịch truy quét của cơ quan chức năng… Nhưng đổi lại, anh phải chấp nhận làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Hiện nhu cầu được sang Hàn Quốc làm việc của lao động trong huyện còn rất lớn. Trong khi, với nỗ lực vận động, Lạng Giang đã đi đầu khi kéo giảm số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chỉ còn 18 người (tỷ lệ này ở hai huyện Lục Nam và Yên Dũng vẫn còn ở mức cao). Vì thế, huyện đang đề nghị Cục Lao động ngoài nước xem xét, đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH và phía Hàn Quốc xóa bỏ lệnh tạm dừng tuyển chọn sang thị trường này với địa phương.

Thời gian tới, các xã, thị trấn tiếp tục tăng thời lượng, đa dạng hình thức tuyên truyền, tập trung phân tích lợi ích khi chấp hành quy định; yêu cầu gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng ký cam kết với chính quyền địa phương; bổ sung tiêu chí xét công nhận gia đình văn hóa đối với trường hợp có lao động đi xuất khẩu. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng mức ký quỹ chống trốn và xử phạt vi phạm hành chính vì hiện chưa đủ sức răn đe.

Đỗ Quyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...