Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Tiềm năng và cơ hội đầu tư
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác thế mạnh sau dồn điền, đổi thửa

Cập nhật: 16:00 ngày 16/03/2018
(BGĐT) - Phát huy kết quả đạt được trong dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. 
{keywords}

Người dân xã Hương Lạc khơi thông kênh mương, chỉnh trang đường nội đồng.

Canh tác thuận lợi

Nhận thấy lợi ích của DĐĐT, năm 2017, huyện Lạng Giang triển khai dồn đổi 680 ha đất canh tác ở 21 xã trên địa bàn. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, xã hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để chỉnh trang đồng ruộng như làm bờ vùng, bờ thửa và một phần công san gạt ruộng.

Thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm là một trong những thôn đi đầu trong vận động nhân dân DĐĐT. Thôn xây dựng phương án ruộng xấu đi với tốt, xa đi với gần để người dân bốc thăm, đồng thời thuê máy ủi san gạt bờ, chia ruộng trực tiếp trên thực địa. Bằng việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai các chính sách hỗ trợ ưu đãi nên năm vừa qua, thôn dồn đổi thành công hơn 40 ha đất canh tác.

Từ thành công đó, việc dồn đổi trong xã được nhân rộng. Đến nay, toàn xã đã dồn đổi được gần 300 ha, riêng năm 2017 là 124 ha. Theo ông Vũ Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã, quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Các nguồn huy động và phương án dồn đổi được bàn bạc công khai, dân chủ, khâu tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ giúp nhân dân nhận thức được trách nhiệm, vai trò của mình. Cùng đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ DĐĐT.

Ưu điểm lớn nhất của DĐĐT là khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất. Trước đây mỗi hộ có từ 7 đến 9 thửa thì nay còn từ 1 đến 3 thửa; bình quân mỗi thửa rộng hơn 600 m2. Bà Nguyễn Thị Minh, thôn Quyết Thắng, xã Xương Lâm phấn khởi: Trước đây, với hơn 4 mẫu ruộng nhà tôi có 26 thửa nhưng giờ chỉ còn 3 thửa gần nhau. Việc cấy cày không còn mất nhiều công sức vì nông dân đưa máy gặt, máy cày vào sản xuất nên thời gian gieo cấy, thu hoạch rút ngắn chỉ còn từ 4 đến 5 ngày.

Ngoài ra, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động nội lực từ nhân dân nên sau dồn đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được xây dựng theo quy hoạch tạo thuận lợi cho canh tác.

Quan tâm hỗ trợ sản xuất

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Thực tế DĐĐT không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân canh tác mà còn góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sau dồn đổi, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân chuyển đổi, đưa những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Toàn huyện đang duy trì 11 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 500 ha. Năm vừa qua, địa phương xây dựng ba cánh đồng mẫu quy mô gần 100 ha ở các xã Thái Đào, Xuân Hương, Nghĩa Hòa.

Nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, huyện còn quan tâm tạo điều kiện về vốn, giống, kỹ thuật canh tác. Điển hình như hỗ trợ 70 nghìn đồng/kg giống ngô nếp lai HN88, 108 nghìn đồng/sào rau an toàn, rau chế biến trên khu vực có diện tích từ 5 ha trở lên; 72 nghìn đồng/sào trồng cây thuốc lá khi có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài lúa hàng hóa, bà con luân canh nhiều cây trồng khác như: Khoai tây, ngô ngọt và rau chế biến. Do tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất thường cao hơn từ 15 đến 20% so với những khu vực sản xuất đại trà. Hầu hết diện tích sản xuất tập trung sản phẩm sau thu hoạch đều có liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra. Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng chia sẻ: Trên địa bàn hiện có 60 ha đất canh tác tập trung sau dồn đổi chủ yếu ở các thôn Dâu, De, Trằm, cây trồng chính là rau chế biến và ớt. Nhiều năm nay, UBND xã đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chế biến nông lâm sản của tỉnh Hải Dương và Lạng Sơn để bà con yên tâm sản xuất.

Năm 2018, để hoàn thành mục tiêu dồn đổi gần 700 ha đất canh tác, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, chỉ đạo phòng chức năng tổ chức thực hiện tốt các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, để người dân thấy được lợi ích rõ rệt từ DĐĐT.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...