Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

zzz-Nhộn nhịp mùa vải thiều-20199
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhìn lại vụ vải thiều 2017: Giá bán cao, tiếp cận thị trường mới

Cập nhật: 10:05 ngày 14/07/2017
(BGĐT) - Nhờ đổi mới công tác xúc tiến thương mại, chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, quan tâm nâng chất lượng quả vải nên Bắc Giang đã có vụ vải thiều thành công. Không những tiêu thụ thuận lợi mà sản phẩm còn lập kỷ lục về giá.
{keywords}

Đóng gói vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lập mức giá kỷ lục

Những ngày này, người dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong vải thiều. Hiện chỉ còn một số xã  của huyện Lục Ngạn gồm: Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý, Sơn Hải, Hộ Đáp, Biên Sơn... đang bước vào đợt hái vải cuối cùng. Kiểm lại số tiền bán vải, ông Hoàng Văn Pàn, thôn Khuôn Phải, xã Tân Sơn phấn khởi chia sẻ, năm nay dù sản lượng giảm hơn nhưng với khoảng 80 gốc vải, gia đình ông thu hơn 2 tấn, giá bán trung bình đạt từ 35-40 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 70 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 20 triệu đồng.

Thống kê của UBND xã Tân Sơn, sản lượng vải thiều toàn xã ước đạt khoảng 2,4 nghìn tấn. Do điều kiện thời tiết có sự khác biệt nên nông dân trong xã bước vào vụ thu hoạch muộn hơn những vùng khác. Biết tiếng vải muộn Tân Sơn, 10 thương nhân Trung Quốc trực tiếp đến mở điểm cân, thu mua.

Được biết, đến nay, tại Lục Ngạn đã có gần 50 nghìn tấn vải thiều được tiêu thụ, giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg, tổng giá trị đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang đạt kỷ lục: 75 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, doanh thu từ vải đạt gần 1 tỷ đồng.

Tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, vải thiều được tiêu thụ mạnh, giá từ 20 - 45 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 90 nghìn tấn vải được tiêu thụ, bằng 90% tổng sản lượng.

Ngoài đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, Mỹ và một số nước khác, năm nay, các doanh nghiệp đã chú trọng tìm kiếm, mở rộng quảng bá, xuất khẩu sang các thị trường mới. Điển hình Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội) xuất khẩu 500 kg sang thị trường Hà Lan, 2 tấn sang Thái Lan. Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) xuất khẩu thành công 2 tấn vải thiều Lục Ngạn đến thị trường Dubai...

Giữ vững diện tích, nâng cao chất lượng

{keywords}
Ngay khi kết thúc thu hoạch, gia đình tôi tập trung cắt, tỉa lá, cành; dọn dẹp vườn tược, bón phân bảo đảm dinh dưỡng cho cây vải. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy cây phải đủ dinh dưỡng phát triển lộc từ 2 đến 3 lần trong năm mới ra hoa, đậu quả tốt".

Ông Hoàng Văn Pàn, thôn Khuôn Phải, xã Tân Sơn (Lục Ngạn)

Để có được vụ vải thiều thành công, các cấp, ngành, địa phương, người dân trong tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, áp dụng quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) đổi mới, nâng cao hiệu quả. Năm nay, thay vì tổ chức hội nghị XTTM tại các địa phương, UBND tỉnh chỉ mở hai hội nghị lớn tại TP Bắc Giang và thị Bằng Tường (Trung Quốc), tổ chức tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội.

Thông tin diễn biến thị trường thường xuyên được cập nhật để người dân nắm được, khắc phục tình trạng ép giá. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, thông quan; các mặt hàng phụ trợ được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá... Nét mới trong vụ vải thiều năm nay là đã có 351 tổ hợp tác ở hầu hết các xã, thị trấn được thành lập và liên kết với các doanh nghiệp, điểm cân để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Tuy vậy, nhìn lại vụ vải thiều nhận thấy một số hạn chế như: Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, vẫn có khoảng cách chênh lệch về giá khá lớn giữa một số địa bàn, giữa thời điểm đầu vụ và cuối vụ; hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới giao thông chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông...

Từ thực tế trên, sẵn sàng chuẩn bị cho vụ vải thiều những năm tới, các cấp, ngành cần tích cực vào cuộc tuyên truyền, có giải pháp giữ vững diện tích hiện có, tập trung nâng cao chất lượng. Tích cực hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hình thành các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ...

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Để khắc phục tình trạng chất lượng, sản lượng vải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, UBND huyện sẽ cùng các doanh nghiệp, nhà khoa học phối hợp đưa một số giống mới vào thử nghiệm nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, đưa giống vải không hạt vào canh tác nhằm tăng giá trị. UBND huyện tiếp tục thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng dây chuyền hiện đại phục vụ sơ chế, bảo quản, bao gói sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu".

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...