Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Yên Thế: Quá hạn giải tỏa, lò vôi vẫn đỏ lửa

Cập nhật: 13:58 ngày 08/12/2022
(BGĐT) - Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, đến ngày 31/12/2019 phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò vôi thủ công trên địa bàn, chủ yếu là ở huyện Yên Thế. Nhưng đến nay, một số lò vôi thủ công vẫn đỏ lửa.

“Xã, huyện kiểm tra nhưng vẫn... thông cảm”!

Theo phản ánh của người dân, sáng 6/12, phóng viên có mặt tại tổ dân phố Vòng Huyện, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) thấy lò đốt vôi thủ công của gia đình ông Nguyễn Văn Giáp đang hoạt động. Một vài công nhân tập trung đưa đá vào lò đốt. 

Hỏi về việc địa phương đã có quy định cấm lò vôi thủ công hoạt động từ mấy năm nay, sao gia đình vẫn sản xuất, vợ chồng ông Giáp lý giải: “Gia đình làm vôi bao năm nay quen rồi, chủ yếu lấy công làm lãi và tạo việc làm cho một số người dân xung quanh. Chúng tôi đã chuyển đổi nghề nhưng chưa biết chọn làm gì cho phù hợp. Tuổi đời thì cao, không thể xin vào làm tại các doanh nghiệp, tiền không có nên túc tắc làm hết số nguyên liệu còn lại rồi cũng dừng. Hơn nữa, cán bộ xã, huyện đã về kiểm tra mãi rồi, họ thấy thế cũng thông cảm, tạo điều kiện nên chúng tôi mới làm được chứ” (?!).

{keywords}

Lò vôi thủ công ở tổ dân phố Vòng Huyện, thị trấn Bố Hạ vẫn hoạt động. Ảnh chụp ngày 6/12/2022.

Nói là hoạt động túc tắc, nhưng bên cạnh khu vực lò đốt vôi của hộ ông Giáp có cả đống xỉ than to như núi. Được biết, gia đình ông Giáp còn tận dụng xỉ đốt vôi làm cay vôi bán cho người dân trong vùng. Gia đình thuê một số công nhân địa phương làm cay ở bãi gần đó. Có thể thấy nếu không đốt lò vôi thường xuyên khó có đống xỉ lớn như vậy.

Nói về sự tồn tại lò vôi của hộ ông Giáp, ông Nguyễn Văn Cộng, Chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ thừa nhận do lỗi của chính quyền địa phương chưa quản lý, giám sát sát sao. Xã đã lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, gia đình cam kết không làm nữa nhưng sau đó lại tái phạm…

Không chỉ ở thị trấn Bố Hạ mà tại xã Hương Vỹ (Yên Thế), thời điểm này vẫn còn 2 lò vôi thủ công hoạt động, gồm 1 lò của hộ ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Đình, lò còn lại của hộ ông Nguyễn Văn Phú ở thôn Yên Bái. Được biết, UBND xã Hương Vỹ đã nhiều lần vận động, nhắc nhở, lập biên bản, thậm chí đề xuất ngành điện cắt điện sản xuất của các hộ này. Nhưng do làm vôi có lợi nhuận cao (1 kg vôi có giá cao hơn 1 kg xi măng) nên kể cả khi bị cắt điện, hai hộ trên lại mua máy phát điện về tiếp tục làm.

Lãnh đạo huyện nhận trách nhiệm

Nhắc đến sự tồn tại của 2 lò vôi trên địa bàn xã, ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Hương Vỹ bất lực: “Xã đã làm hết cách rồi, đã báo cáo, đề nghị huyện rất nhiều lần, giờ xử lý thế nào thuộc thẩm quyền của huyện chứ địa phương không thể cưỡng chế phá dỡ lò hay thu máy móc của họ được, vì lò và máy móc đều có giá trị rất lớn”.

{keywords}

Xỉ từ việc đốt vôi được hộ ông Nguyễn Văn Giáp tận dụng làm cay vôi để bán.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Trưởng Ban Chỉ đạo của huyện về xoá lò vôi thủ công thông tin: “Kế hoạch của tỉnh đề ra là đến hết 31/12/2019 phải giải toả xong các lò thủ công trên địa bàn huyện. Sau đó, do nhiều lý do, huyện không thể thực hiện đúng tiến độ và có đề nghị nên tỉnh tiếp tục gia hạn cho thêm 1 năm. Năm 2021 xảy ra dịch Covid-19, các lò vôi đều dừng hoạt động. Năm nay, huyện triển khai rất nhiều công trình, dự án, khối lượng công việc nhiều. Ngoài ra, do chế tài xử lý còn vướng mắc, cần phải tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan cho chặt chẽ, đúng luật... nên chưa tập trung cao độ cho việc giải toả các lò vôi”. Dù vậy, ông Tuyền nhận trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, xử lý chưa dứt điểm các lò vôi thủ công kể trên và cho biết sang đầu năm 2023 sẽ tập trung giải quyết các lò này.

"Xã đã làm hết các cách rồi, đã báo cáo, đề nghị huyện rất nhiều lần, giờ  xử lý thế nào thuộc thẩm quyền của huyện chứ địa phương không thể cưỡng chế phá dỡ lò hay thu máy móc của họ được, vì lò và máy móc đều có giá trị rất lớn" - ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Hương Vỹ

Được biết, trước khi thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xoá các lò vôi thủ công, tại Yên Thế có hàng chục lò vôi đỏ lửa. Theo rà soát, thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, đến hết 31/12/2019, toàn huyện còn 48 lò vôi hoạt động. Sau khi được tuyên truyền, vận động, dù gặp khó khăn, thiệt hại từ việc dừng sản xuất vôi song hầu hết các chủ lò đã ủng hộ, chấp hành chủ trương, quy định của tỉnh chuyển đổi sang nghề khác. Vì thế, khi thấy vẫn còn một số lò vôi hoạt động công khai trong thời gian dài, không ít người băn khoăn, đặt dấu hỏi. 

Cử tri địa phương đã nhiều lần ý kiến, bày tỏ bức xúc về sự tồn tại của các lò vôi trên. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng nhiều lần thông tin về vụ việc. Lãnh đạo UBND và cơ quan chuyên môn sở tại đã không ít lần hứa sẽ giải toả các lò nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Dư luận cho rằng chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện Yên Thế có dấu hiệu làm ngơ trước sự tồn tại của những lò vôi này.

Bài, ảnh: Thuỳ Ninh

Xóa lò vôi thủ công tại Yên Thế (Bắc Giang): Đầu tư công nghệ mới, đào tạo chuyển đổi nghề
(BGĐT) - Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 31-12-2019 là thời hạn cuối về việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở huyện Yên Thế song đến nay vẫn còn nhiều lò đang hoạt động. Để giải quyết vấn đề này cần đầu tư công nghệ mới, đào tạo nghề để chuyển đổi cho lao động làm nghề vôi.
Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Thế
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Thế đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (tỷ lệ 1/25.000).
Bắc Giang: Nguyên giám đốc, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và CCN huyện Yên Thế lĩnh án
(BGĐT)- Ngày 30 -12, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án đối với 2 bị cáo nguyên giám đốc và phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Thế.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...