Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nuôi con đặc sản đón Tết

Cập nhật: 13:56 ngày 19/01/2022
(BGĐT) - Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang mạnh dạn nuôi con đặc sản phục vụ Tết Nguyên đán. Những ngày cuối năm, khách đến trang trại, gia trại đặt hàng nhiều, một số sản phẩm trở nên khan hiếm.

Đầu ra thuận lợi, giá cao

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực chăn nuôi của gia đình, anh Trần Văn Mạnh, thôn Vá, xã An Bá (Sơn Động) dùng tay vỗ vào chậu đựng ngô vài tiếng, đàn gà trống lông mượt, đuôi cong vút, cựa dài từ khắp các ngả đồi chạy về. Anh Mạnh cho biết, tận dụng diện tích vườn đồi rộng, gần rừng tự nhiên nên vài năm gần đây anh chuyển sang nuôi gà trống thiến bán dịp Tết Nguyên đán. 

Hằng ngày, anh chỉ cho gà ăn ngô hạt, thóc hoặc cây chuối, rau trộn cám nên sau gần một năm nuôi mỗi con mới đạt từ 2,5-3 kg. Do được chăn thả tự nhiên, thịt gà săn chắc, giòn dai, ngọt đậm và được nhiều thương nhân từ tỉnh Quảng Ninh săn lùng. Hiện với 900 con gà trống thiến đang có, khách hàng đã đặt hết. Với giá bán từ 120-130 nghìn đồng/kg, dịp Tết này anh Mạnh dự kiến thu về khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng một nửa.

{keywords}

Gà "sâm" của hộ bà Nguyễn Thị Hằng đã được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Ảnh: Sỹ Quyết.

Gần 100 con lợn mán của gia đình ông Phạm Tiến Dũng, tổ dân phố Néo, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) cũng đã được khách hàng đặt mua trong dịp Tết Nguyên đán này. Với giá bán ổn định 140-160 nghìn đồng/kg, ông dự kiến thu về hơn 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Do lợn được nuôi thả rông trong vườn keo, thức ăn chủ yếu là cây chuối, ngô, cỏ voi, dây khoai lang... nên thịt sạch, thơm ngon”, ông Dũng nói.

Đời sống được cải thiện nên người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các mặt hàng đặc sản sử dụng trong dịp lễ, Tết. Vì vậy, đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm dễ dàng với giá cao, lợi nhuận lớn. Nắm bắt nhu cầu này, từ vài tháng trước, nhiều hộ đã bước vào chuẩn bị con đặc sản phục vụ Tết. Điển hình, từ tháng 9/2021, anh Ngô Xuân Văn, thôn Nội Xuân, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) tuyển chọn ngựa và nhập số lượng lớn hơn thường ngày. 

Hiện 300 con ngựa các loại (ngựa bạch, ngựa kim, ngựa đỏ, ngựa đen) trong chuồng đã được các chủ cơ sở giết mổ, thương nhân trong, ngoài tỉnh đặt mua. Với khách hàng tại địa phương, anh Văn cũng có phương án, tuyển chọn tiếp 50 con để thịt trong dịp Tết Nguyên đán, vừa bán sản phẩm thịt, giò ngựa, anh vừa nấu cao phục vụ nhu cầu biếu Tết của người dân. 

Tương tự, thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) tập trung chăm sóc 2 nghìn con gà "sâm”, sẵn sàng đưa ra thị trường trong những ngày tới. Theo bà Hằng, đầu năm ngoái gia đình phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Thìn Dung, xã Hợp Đức (cùng huyện) nuôi giống gà Mía số 1 theo phương pháp mới. 

Thay vì sử dụng nước lọc, bà được doanh nghiệp cung cấp lá, rễ cây sâm nam để đun nước cho gà uống. Nhờ đó đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, thịt thơm, dai. “Lứa đầu xuất chuồng, khách hàng ăn, đánh giá cao chất lượng gà “sâm”. Hiện nhiều người điện đặt mua trong dịp Tết song tôi không có để bán bởi toàn bộ đã được doanh nghiệp thu mua”, bà Hằng nói.

Giữ an toàn đàn vật nuôi

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện tổng đàn lợn của tỉnh là 950 nghìn con; gia cầm 19,8 triệu con; đàn trâu, bò 165 nghìn con.

Đáng chú ý những năm gần đây, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển sang nuôi con đặc sản phục vụ dịp Tết Nguyên đán như: Mô hình nuôi đà điểu (Yên Thế); ngựa bạch (Hiệp Hòa, Việt Yên); ba ba, cá trắm đen ở xã Song Mai (TP Bắc Giang); cá sấu (Việt Yên); gà lôi (Lục Nam)... Để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm, từ vài tháng trước, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cũng tăng đàn khoảng 15-20%.

{keywords}

Mô hình nuôi lợn mán của gia đình ông Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Xuân Thỏa.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, dịp này, thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại kết hợp mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho vật nuôi. Do đó cùng với thực hiện nghiêm chế độ cho ăn, các hộ chú ý đến bảo vệ an toàn cho vật nuôi. 

Để bảo vệ an toàn cho 70 con dê đã được khách hàng đặt trong dịp Tết này, những ngày qua, anh Nguyễn Khương Duy, thôn Mới, xã Phúc Sơn (Sơn Động) không thả tự do mà lùa dê vào những khu vực có nhiều cây, đồng thời tăng cường thức ăn tinh, gia cố thêm bạt, đốt lửa sưởi ấm tại khu chuồng nuôi. 

Hay như Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Thìn Dung thường xuyên cử cán bộ xuống các hộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà “sâm”, khuyến cáo các hộ sử dụng nước lá sâm ấm cho gà uống. Với lứa gà “sâm” bán trong dịp Tết (khoảng 9 nghìn con), Công ty theo dõi sinh trưởng từng ngày, bảo đảm khi xuất bán thịt gà ngon, thơm nhất.

Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nói: “Các con đặc sản có giá trị kinh tế cao, người dân đầu tư lớn nên nếu không may để xảy ra dịch bệnh, thiệt hại rất lớn. 

Vì vậy, người chăn nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, duy trì nhiệt độ chuồng ổn định. Ngoài ra, cần lưu ý các biện pháp chống rét, khẩu phần ăn phù hợp để vật nuôi đủ sức đề kháng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt cũng như có cách phòng bệnh bằng dân gian, bảo đảm vật nuôi luôn khỏe mạnh” .

Sơn Quang - Xuân Thỏa

Cua Da - đặc sản đất Phượng Hoàng
(BGĐT) - Cua Da giờ đây đã trở thành món đặc sản của vùng đất Yên Dũng (Bắc Giang). Ngay từ nửa cuối tháng 8 âm lịch, trong nhiều bữa cơm gia đình và cả trên những bàn tiệc nhà hàng đã xuất hiện món cua da.
Đặc sản nem nướng Liên Chung
(BGĐT) - Mâm cỗ ngày Tết của người dân xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) không thể thiếu nem nướng, món đặc sản có vị giòn ngọt của thịt, thơm mùi thính, lá ổi và được chế biến bằng bí quyết khác biệt.
Về "xóm đỏ" Hoàng Vân thưởng thức đặc sản trám đen
(BGĐT) - Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) không chỉ được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là vùng quê  nổi tiếng với đặc sản trám đen.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...