Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thêm nhiều sáng chế từ thực tiễn

Cập nhật: 20:11 ngày 22/09/2021
(BGĐT) - Năm nay, Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông do Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang tổ chức bước sang mùa thứ 9. Sau mỗi cuộc thi lại có thêm nhiều giải pháp, mô hình sản xuất mới, tính ứng dụng cao cho hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong hội viên, nông dân ngày càng lan tỏa cần có sự hỗ trợ từ tổ chức Hội.

Số lượng sáng chế, giải pháp tăng

Theo Ban tổ chức (BTC), Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần này thu hút nhiều hội viên tham gia với tổng số 45 giải pháp, sáng chế, đạt 150% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tiêu biểu là hội viên HND các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang và TP Bắc Giang. Kết quả, 9 giải pháp đạt số điểm cao được BTC trao giải, gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Giải pháp “Nhà lưới không nóc cho vườn vải” của hội viên Lê Bá Kim, phố Kim, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) đoạt giải Nhất với số điểm 90/100.

{keywords}

Ban Giám khảo Cuộc thi bên chiếc máy tước sợi gai năng suất cao của ông Nguyễn Đức Thành, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên).

Ông Lê Bá Kim chia sẻ, sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP phải cách ly thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ 20-30 ngày. Tuy nhiên, thời gian này mật độ sâu đục quả trưởng thành xuất hiện tại các vườn, đặc biệt là bìa vườn rất nhiều. Hầu hết các hộ đều phải phun thêm một lần thuốc trừ sâu đục quả khiến dư lượng thuốc BVTV trên quả khó kiểm soát. Ông Kim thấy rằng, đặc tính của các loại côn trùng gây hại, sâu đục quả có tầm bay không cao, chỉ từ 1-3 m. 

Tháng 6/2021, ông nghĩ ra cách dựng lưới nhựa (loại chống muỗi) cao 4 m, không cần đậy nóc để ngăn côn trùng vào vườn. Chi phí cho việc lắp đặt nhà lưới không nóc chỉ hết 20 triệu đồng/ha, bằng 1/10 làm nhà lưới có nóc. “Với cách làm này, tôi giảm được 3/9 lần phun thuốc BVTV, giảm sử dụng nhân công nên giảm chi phí từ 2,7 đến hơn 4 triệu đồng/ha/năm (tuỳ thuộc vào thời gian che lưới cho vải thiều trong năm). Đặc biệt, lợi thế này cho phép thời gian cách ly thuốc BVTV trước thu hoạch dài hơn ít nhất 1,5 lần so với cách làm thông thường, bảo đảm không còn dư lượng thuốc BVTV trên quả vải”, ông Kim khẳng định.

Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ IX, năm 2021 nhận được 45 giải pháp, sáng chế dự thi, ở nhiều lĩnh vực: Trồng trọt 18 giải pháp; chăn nuôi 7 giải pháp; lâm nghiệp 1 giải pháp; cơ khí, chế tạo máy nông nghiệp 10 giải pháp và 9 giải pháp thuộc các lĩnh vực khác.

Từ thực tế sản xuất, ông Trần Đức Hanh, thôn Thái Hoà, xã Phúc Hoà (Tân Yên) đã sáng tạo ra “Đường goòng vận chuyển, sản xuất, thu hái vải”, đoạt giải Nhì cuộc thi năm nay. Ông Hanh cho biết, vải trồng trên đồi dốc, việc vận chuyển vải và phân bón rất vất vả. Ông đã lên tỉnh Lạng Sơn học làm ròng rọc nhưng thấy công năng thấp nên quyết định làm đường goòng vận chuyển. “Bây giờ muốn vận chuyển phân lên núi hoặc vải xuống núi chỉ cần bấm nút điện là xe sẽ chuyển động theo ý người điều khiển. Mỗi chuyến chở được từ 5-7 tạ, nhàn tênh!”, ông Hanh nói. Học ông Hanh, hiện đã có 4 hộ ở xã Phúc Hòa làm theo.

Giữ lửa sáng tạo

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường thực HND tỉnh đánh giá, Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông đã khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của mỗi cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Qua cuộc thi, những giải pháp, sáng tạo của hội viên được nhiều người biết đến, áp dụng vào sản xuất. Tiêu biểu như hội viên Nguyễn Đức Thành, tổ dân phố Cầu Thượng, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) đã 5 lần dự thi và đoạt giải cao. 

Nhiều máy do ông chế tạo, như: Máy tuốt lạc; máy gieo xạ lúa cải tiến hàng rộng, hàng hẹp; máy bón phân dúi… được sản xuất hàng loạt phục vụ trong nước và xuất khẩu. Năm nay, sản phẩm “Máy tước sợi gai năng suất cao” của ông đoạt giải Ba. Tuy vậy, ông Đoàn cho rằng phong trào sáng tạo chưa duy trì thường xuyên. Nguyên nhân chính là do không có kinh phí hỗ trợ các tác giả để hoàn thiện sản phẩm dẫn tới chưa có nhiều sản phẩm, giải pháp đạt cấp quốc gia.

{keywords}

Nhà lưới không nóc cho vườn vải của ông Lê Bá Kim.

Theo ông Đào Trọng Nghĩa, Trưởng Ban tư vấn phản biện (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh), các giải pháp tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông chính là vòng sơ loại để lựa chọn những giải pháp của nông dân tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật của tỉnh (được tổ chức 2 năm/lần). Do đó, để lan tỏa phong trào lao động sáng tạo trong hội viên, nông dân và có nhiều sản phẩm giá trị, ông Nghĩa cho rằng cần có sự phối hợp giữa HND cấp huyện, xã và các tác giả. Bởi nông dân nghĩ ra, làm được nhưng khả năng viết hạn chế. Các cấp hội giúp người có giải pháp dự thi truyền tải thông điệp, giá trị cốt lõi và tính ứng dụng trong thực tế thông qua báo cáo tóm tắt, mô tả ý tưởng. Thậm chí, cần tư vấn thêm cho tác giả để hoàn thiện, nâng cao chất lượng giải pháp, sáng chế.

Thực tế, do tự bỏ kinh phí nên các tác giả khó nâng cao các giải pháp, thử nghiệm ở quy mô lớn, khoa học hơn. Hiện các sáng tạo của nhà nông mới dừng lại ở những mô hình nhỏ. Vì thế, các cấp hội cần đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quỹ hỗ trợ, tạo “cú hích” cho hoạt động sáng tạo nhà nông. Cấp cơ sở hội thường xuyên rà soát các mô hình, giải pháp mới của nông dân, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện. Đồng thời thu hút, khuyến khích nông dân mạnh dạn tìm tòi các giải pháp, mô hình sản xuất mới, hướng đến nâng cao thu nhập, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thế Đại
Giải pháp “Nhà lưới không nóc cho vườn vải” đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông
(BGĐT)- Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa ký Quyết định trao giải thưởng và cấp giấy chứng nhận Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ IX, năm 2020-2021.
Bắc Giang: Triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 9
(BGĐT)- Ngày 13/8, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 9 (năm 2020, 2021) chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch hội thi.
Vận động nông dân Bắc Giang canh tác lúa thân thiện với môi trường
(BGĐT) - Ngày 15/9, Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức tổng kết Dự án “Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường (SRI) tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
Nông dân Bắc Giang thử nghiệm bao ni lông bảo vệ quả cam
(BGĐT) - Nhằm phòng ngừa sâu bệnh và để trái cam có mã đẹp, anh Trần Bá Linh (SN 1982) ở xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn thử nghiệm bao túi ni lông cho quả cam. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...