Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý chặt, khai thác hiệu quả tiềm năng đường thủy nội địa

Cập nhật: 07:00 ngày 24/10/2020
(BGĐT) - Mỗi năm có hàng triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, hoạt động của các cảng, bến và phương tiện vận tải đường thủy cần được quản lý hiệu quả hơn nữa. 

Nhiều vi phạm

{keywords}

Bãi tập kết cát sỏi vi phạm hành lang an toàn đê sông Cầu ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Bắc Giang có ba con sông lớn chảy qua là sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu với tổng chiều dài hơn 350 km nhưng chỉ có hơn 220 km được khai thác. Hơn 130 km còn lại trên các sông có nhiều bãi cạn, ghềnh đá, mùa khô lòng sông hẹp, mực nước thấp; đến mùa mưa lũ nước chảy xiết, không thể xây dựng bến, cảng, mở tuyến khai thác phục vụ giao thông vận tải đường thủy nội địa. Trên địa bàn tỉnh có ba cảng lớn là: Á Lữ (TP Bắc Giang), Mỹ An (Lục Ngạn) và cảng của Công ty cổ phần Phân đạm và hoá chất Hà Bắc; 133 bến hàng hóa và 41 bến khách ngang sông đang hoạt động.

Bến hàng hóa trên các tuyến sông chủ yếu là bến trung chuyển, tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, than, đất đá, sản phẩm sơ chế gỗ… hình thành dọc các đoạn sông thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia. Đáng lưu ý là nhiều bến không có giấy phép hoặc vi phạm hành lang an toàn đê, tự ý xây dựng các công trình trái phép. Bến khách ngang sông có hạ tầng hạn chế; số lượng bến khách ngang sông ngày càng giảm và không có bến hình thành mới.

Khảo sát tại khu vực sông Thương đoạn thuộc địa phận xã Xuân Phú (Yên Dũng) cho thấy, có cả chục bến bãi tập kết vật liệu hoạt động tấp nập ngay trên hành lang bảo vệ đê và luồng thủy chảy qua bến Đám, thôn Đông. Anh Phạm Văn Tuân, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Yên Dũng cho biết, tình trạng không giấy phép hoặc thiếu là thực tế chung của những bến bãi tập cát, sỏi ven sông trên địa bàn huyện, không riêng gì xã Xuân Phú. 

Người dân tự ý mở bến, xây dựng, lắp đặt trụ cẩu, đường lên xuống… mặc dù đã bị nhắc nhở, xử phạt hành chính nhưng những vi phạm như vậy vẫn rất phổ biến.

Trên sông Cầu và sông Lục Nam cũng xảy ra tương tự, tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), nhiều bãi tập kết cát sỏi xuất hiện với những trụ cẩu xây dựng kiên cố, lắp đặt băng chuyền và được phân chia ranh giới rõ ràng giữa các bến.

Kết quả kiểm tra gần đây của Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông-Vận tải) cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có đến hơn 80 bến bãi không có giấy phép hoạt động. Hàng chục bến bãi ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), xã Đào Mỹ (Lạng Giang), xã Huyền Sơn (Lục Nam); xã Quang Châu, Tiên Sơn (Việt Yên), xã Mai Đình (Hiệp Hòa)… vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ công trình giao thông, không bảo đảm an toàn đường thủy, thuộc diện buộc phải giải tỏa.

Bảo đảm an toàn đường thủy

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã và các hộ gia đình đăng ký kinh doanh vận tải thủy nội địa, chủ yếu có quy mô nhỏ, với tổng số 69 phương tiện, tổng công suất 8.412 mã lực, tổng trọng tải 22.490 tấn. Một số còn lại là phương tiện của các cá nhân hoạt động vận tải theo thời vụ, không đăng ký kinh doanh.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thuỷ nội địa bình quân đạt 1,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 20,48%/năm. Riêng năm 2020, dự kiến đạt khối lượng khoảng 2,2 triệu tấn. Về vận tải hành khách, hiện nay chỉ có hoạt động vận tải khách ngang sông (tại các bến khách ngang sông), chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh của người dân tại sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và hồ Cấm Sơn. Khối lượng vận chuyển hành khách đường thuỷ nội địa đạt 122 nghìn lượt người/năm.

Bắc Giang có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi về phát triển giao thông đường thủy nội địa, hầu hết các huyện, TP đều có tuyến đường thủy nội địa quốc gia đi qua (trừ huyện Sơn Động). 

Trong những năm qua, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đã có những đóng góp nhất định vào phát triển KT-XH, nếu được phát huy, lĩnh vực vận tải nhiều ưu điểm như cho phép vận chuyển hàng hóa với khối lượng, tải trọng, kích thước lớn, có lợi thế cạnh tranh do tiết kiệm nhiên liệu, chi phí, cước phí thấp.

Trao đổi với ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải), được biết, do năng lực cảng, bến còn nhiều hạn chế, nguồn hàng không ổn định, việc kết nối giữa giao thông đường bộ, đường sắt với cảng, bến thủy chưa bảo đảm nên không thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải thủy trong sản xuất, kinh doanh. Các phương tiện đường thủy có tải trọng thấp, vẫn còn tàu vỏ xi măng lưới thép lạc hậu, ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển, cạnh tranh.

Dự báo khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ có sự tăng trưởng mạnh; khối lượng vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2021-2030 tăng từ 9-10%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 3-4%/năm. Do vậy trong thời gian tới, ngành Giao thông-Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa) tổ chức kiểm tra, xử lý, kiên quyết giải tỏa những bến bãi không phép, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường sông.

Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển giao thông đường thủy được hưởng theo quy định hiện hành như nghiên cứu miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước các dự án đầu tư mới cảng thủy nội địa, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc các xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu… Thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng, bến bãi, phát triển đội tàu thuyền.

Tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải, Cục Đường thủy nội địa thực hiện nạo vét một số đoạn trên tuyến đường thủy quốc gia, cảng, bến hàng hóa, bổ sung đầy đủ phao tiêu, biển báo bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông thuận tiện. Lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng mới 24 cảng, trong đó 16 cảng tổng hợp, 3 cảng chuyên dùng và 5 cảng hành khách. 

Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo, nâng cấp, chuẩn hóa các bến hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trên các sông; xây dựng các bến hành khách phục vụ phát triển du lịch tại khu vực làng cổ Thổ Hà (Việt Yên), bến Tiên Lục (Lạng Giang) và vùng cây ăn quả trọng điểm huyện Lục Nam, Lục Ngạn. 

Phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy
(BGĐT) - Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Đó là kết quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý vi phạm; đồng thời phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng trong đấu tranh, phòng ngừa các hành vi phạm pháp tại địa bàn quản lý. 
Phát triển hệ thống cảng đường thủy nội địa: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
(BGĐT) - Bắc Giang có ba con sông lớn chảy qua là sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu với tổng chiều dài hơn 350 km. Toàn tỉnh có hàng nghìn tàu, thuyền đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào vận chuyển người, hàng hóa, phát triển KT-XH. Tuy nhiên tiềm năng, lợi thế lớn của vận tải đường thủy chưa được phát huy, hệ thống cảng, bến bãi còn nhiều bất cập.
ATGT đường thủy: Bắc Giang tập trung xử lý phương tiện không bảo đảm an toàn
(BGĐT) - So với nhiều địa phương khác, hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Bắc Giang bình lặng hơn. Tuy nhiên do lòng sông có nhiều tuyến nhỏ, hẹp, cong, cua, nước chảy xiết nên nguy cơ tai nạn luôn hiện hữu, nhất là trong mùa mưa bão.
Phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa
(BGĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.
Phòng Cảnh sát giao thông ký cam kết với chủ phương tiện đường thủy
(BGĐT) - Ngay sau khi Báo Bắc Giang đăng bài “Sông Thương lại “nóng” vì khai thác cát trái phép”, ngày 29-3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã tổ chức ký cam kết với các chủ phương tiện đường thủy. 
Bắt tạm giam nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Ngày 9-3, theo thông tin phát đi từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam Trần Đức Hải, sinh năm 1961, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khởi tố, bắt tạm giam quyền Trưởng phòng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Cơ quan công an vừa tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Quốc Phương 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...