Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nông nghiệp gắn kết du lịch: Quảng bá kết hợp tiêu thụ sản phẩm

Cập nhật: 07:00 ngày 01/09/2020
(BGĐT) - Khai thác lợi thế, thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả. Cách làm này vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho nông sản, vừa thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cần được nhân rộng.

“Kênh” bán hàng hiệu quả

Vụ vải thiều vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Tâm Thịnh, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) đón gần 30 đoàn khách với hơn 200 người tham quan vùng vải. Anh Vũ Thế Trung, Giám đốc HTX cho biết, ngoài cung ứng vật tư nông nghiệp, từ cuối năm 2019, HTX triển khai dịch vụ đưa đón khách có nhu cầu tham quan vườn quả mỗi khi đến vụ. 

{keywords}

Vườn quả của gia đình chị Lại Thị Tâm, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) được nhiều khách tham quan khi đến vụ thu hoạch.

Để tiếp đón chu đáo, HTX tổ chức khảo sát, chọn vườn quả đẹp, chất lượng ở trong và ngoài xã, chủ vườn là người có kinh nghiệm sản xuất. Gia đình ông Vũ Văn Thuyết, thôn Sẻ Cũ là một trong những hộ năm nay có vườn vải được khách đến thăm đông. Nhờ bí quyết chăm sóc riêng, trong khi nhiều hộ mất mùa, vườn quả nhà ông vẫn sai trĩu cành, mã đẹp. Với hơn một ha vải, ông thu về 10 tấn quả, trong đó gần một nửa bán cho khách đến thăm vườn.

Tương tự, gia đình chị Lại Thị Tâm, thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều người muốn du lịch miệt vườn. Vụ cam, bưởi năm ngoái, gia đình chị đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến vãn cảnh, mua hàng về làm quà. 

Chị Tâm cho biết: “Có khách đặt mua cả vườn cam, bưởi với giá cao nhưng tôi không vội bán hết mà giữ lại một phần để đón khách”. Ngoài nếm trái ngon tự tay thu hoạch, khách còn quay clip, chụp hình đăng lên các trang mạng xã hội. Đây là cách quảng bá hiệu quả cho nông sản địa phương vì ai cũng tin vào những gì khách được tận mắt thấy. Theo thống kê, năm 2019, Lục Ngạn thu hút hơn 25 nghìn lượt khách đến tham quan các điểm di tích, vùng trồng cây ăn quả.

Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) cũng là điểm du lịch khá hấp dẫn nhờ có vùng sản xuất chè VietGAP được những cánh rừng rậm rạp bao quanh. Đến đây, khách được thoải mái dạo trên nương chè xanh mát; trải nghiệm hái chè, chế biến thành phẩm cùng bà con dân tộc; đồng thời nhâm nhi tách trà mạn có hương vị đậm đà, độc đáo nhờ bí quyết trồng, chăm sóc của người dân bản địa. 

Mỗi khoảnh chè được trang trí, lắp đặt nhiều vật dụng như: Cây cầu gỗ, chum, vại… tạo nên phong cảnh làng quê thuần Việt. Chị Bùi Thị Hồng Đào đến từ tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ Bắc Giang chỉ có vải thiều. Tuy nhiên, trong lần về thăm bản Ven, tôi thấy tỉnh có nhiều điểm đến, sản phẩm rất ấn tượng. Trở lại lần tới, tôi sẽ dành thời gian tiếp tục khám phá”.

Bắc Giang có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp gắn kết du lịch. Diện tích cây ăn quả lớn, trong đó vải thiều trồng thành vùng tập trung hiếm nơi có được. Cây có múi diện tích khoảng 10 nghìn ha. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Bắc Giang có 4 mùa cây trái sum suê. 

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trước đây, trong 12 tháng thì riêng tháng 4 ở Bắc Giang thường không có trái cây được thu hoạch. Giờ đây, tháng 4 có ổi với diện tích, sản lượng hàng nghìn ha, không còn trống vụ nữa”. Cùng đó, trong tỉnh có hơn 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được gắn sao cũng là lợi thế để hút khách du lịch, khách đến tham quan có thể mua làm quà, thưởng thức như: Mật ong Tây Yên Tử; giấm tỏi ớt, giấm vải, giấm táo, giấm táo mèo, mỳ Chũ (Lục Ngạn); bánh nông sản khoai thái lát, bánh nông sản thập cẩm (Việt Yên); giò gà, gà đồi Yên Thế…

Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu, chỉ đạo nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả VietGAP, GlobalGAP, ưu tiên tạo sản phẩm sạch, chất lượng; chú trọng liên kết để phát triển, nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp.

Một đặc điểm được coi là ưu thế của tỉnh là có hệ thống hồ đập cùng nguồn sinh thủy dồi dào, những cánh rừng nguyên sinh bao bọc tạo nên cảnh quan đẹp, phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, như: Đồng Cao, Khe Rỗ (Sơn Động); hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Trong đó, hồ Cấm Sơn rộng hơn 2,6 nghìn ha với những ngọn núi nhấp nhô; trên hồ có những mô hình nuôi cá lồng, cá xứ lạnh đặc sản, đáp ứng nhu cầu chèo thuyền thu hoạch cá, thưởng thức món ăn tại chỗ trên hồ của du khách.

Tạo sức bền cho mô hình du lịch nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp gắn kết du lịch là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là cách bán hàng mới, tăng lợi nhuận cho nông sản và đa dạng sản phẩm du lịch. Khi có sự cảm nhận khác biệt từ người tiêu dùng thì sản phẩm có sức lan tỏa lớn, xây dựng thương hiệu thành công, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trên thực tế, Bắc Giang phát triển mô hình này còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Lục Ngạn là địa phương sớm có hướng phát triển du lịch miệt vườn, nổi bật là đã xây dựng xã nông thôn mới Hồng Giang mang đặc trưng riêng, xã không còn đất lúa mà trồng hoàn toàn cây ăn quả. Hồng Giang cũng là điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến Lục Ngạn vào mùa quả. 

Hiện nay, một số hộ tại xã Thanh Hải đang xây dựng hai điểm dừng chân tại Khuôn Thần để đón mùa cam, bưởi tới nhằm kết nối đưa khách thăm một số điểm di tích, thăm vườn và đến hồ. Huyện Yên Thế cũng đầu tư cho sản xuất vùng chè sạch, đào tạo nhân lực hướng dẫn, giới thiệu sản phẩm và thu được kết quả nhất định. Vậy nhưng, những mô hình trên còn nhỏ lẻ, chưa thực sự chuyên nghiệp.

Nhiều ý kiến đề nghị, để xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả, trước hết cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất. Cụ thể, cơ cấu cây ăn quả phù hợp, thành lập các HTX có đủ nhân lực, năng lực làm du lịch. Hoạt động gắn với các câu lạc bộ một cách đồng bộ theo chuỗi di tích văn hóa - miệt vườn - ẩm thực. Có cơ chế hỗ trợ tài chính, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. 

Nông dân làm nông nghiệp phục vụ du lịch phải bảo đảm các tiêu chí sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, cảnh quan hấp dẫn. Quá trình phát triển luôn tự đổi mới, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, khác biệt từ những nét đặc trưng của địa phương. Khi đã thỏa mãn những yếu tố trên mới tạo được thiện cảm với khách tham quan, qua đó góp phần tạo sức bền cho mô hình du lịch nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp xanh
(BGĐT) - Nông nghiệp xanh là mục tiêu mà nhiều địa phương trong cả nước hướng tới, trong đó có tỉnh Bắc Giang đang rốt ráo thực hiện. Nông nghiệp xanh được hiểu là một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. 
Sản xuất nông nghiệp ở Yên Dũng: Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao
(BGĐT) - Yên Dũng là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đến nay, nhiều mô hình ứng dụng được hình thành với các nông sản sạch, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Sức bật mới cho nông nghiệp sau dịch
(BGĐT) - Hình ảnh một cụ già ở một nước giàu có của châu Âu khóc trước kệ hàng lương thực, thực phẩm trong siêu thị trống trơn giữa mùa dịch Covid-19. Hình ảnh mua tranh, bán cướp hàng hóa tiêu dùng diễn ra ở nhiều nước do khan hiếm vì dịch... Điều này nhắc ta nhớ tới câu của người xưa “phi nông bất ổn”.
Bắc Giang phát triển du lịch “xanh”
Có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh kỳ thú với những cánh rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú, Bắc Giang có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Lục Ngạn- tiềm năng du lịch sinh thái, tâm linh
(BGĐT) - Lâu nay, người dân trong và ngoài nước đã biết đến Lục Ngạn (Bắc Giang) - “vương quốc vải thiều”. Vùng đất này hoa trái bốn mùa, không chỉ có vải thiều mà còn bưởi, cam, quýt, hồng… cho thu nhập cao và hấp dẫn du khách. Hiện tại, nơi đây có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái - tâm linh.
Sơn Động: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc
(BGĐT)-Là huyện vùng cao, Sơn Động có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Phát huy lợi thế này, địa phương đang tập trung các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...