Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Lực đẩy từ những công trình 135 ở Yên Thế

Cập nhật: 05:00 ngày 22/08/2020
(BGĐT) - Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo mới cho các xã vùng cao của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Từ quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình đã góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Cách đây chưa lâu, các buổi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) đều diễn ra trong căn nhà tạm xây bằng cay song đã xuống cấp. Nhiều khi có nhiệm vụ cần bàn bạc, triển khai sớm đến người dân nhưng do trời mưa gió, nhà bị dột nên cán bộ, người dân trong bản phải lùi lại dẫn đến chậm muộn. Bí thư Chi bộ bản Cầu Tư Đinh Văn Quyền chia sẻ: “Sinh hoạt tập trung của bản chủ yếu ở nhà văn hóa. Trong khi công trình xây dựng đã lâu nên xuống cấp, do đời sống nhân dân còn khó khăn nên chưa huy động được tiền để xây dựng lại”.

{keywords}

Đường bê tông ở bản La Xa, xã Đồng Vương (Yên Thế) mới được cứng hóa.

Năm 2019, khi được thụ hưởng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ Chương trình 135, bản Cầu Tư đã ưu tiên xây dựng nhà văn hóa. Hiện, nhà văn hóa được xây dựng khang trang với đầy đủ công trình phụ trợ và một sân bóng chuyền hơi. Tổng kinh phí đầu tư hơn 600 triệu đồng, trong đó vốn Chương trình 135 hỗ trợ 450 triệu đồng còn lại do nhân dân đóng góp. Kể từ khi nhà văn hóa của bản hoàn thành, ban quản lý, người dân trong bản ai cũng phấn khởi. 

Những cuộc họp bàn các vấn đề của bản hay gặp mặt nhân ngày lễ, kỷ niệm, các cuộc tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách đầy đủ thành phần hơn. Các công việc của bản được giải quyết nhanh hơn. Phong trào luyện tập thể thao, nhất là bóng chuyền hơi đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào các buổi sáng, chiều.

Cũng với niềm vui đó, đầu năm nay, bản La Xa, xã Đồng Vương hoàn thành đổ bê tông tuyến đường chính. Là người gắn bó với mảnh đất này, Trưởng bản Lục Văn Lan thấu hiểu nỗi vất vả của bà con nơi đây khi ngày nắng cũng như hôm mưa phải gắn bó với con đường mòn đất đỏ nhỏ hẹp. Là bản ở khu vực vùng sâu, vùng xa, bà con nỗ lực trồng cây ăn quả để xóa đói giảm nghèo nhưng vì đường đi khó khăn nên khi bán, giá thường thấp hơn những nơi khác.

Chị Phạm Thị Trâm, bản La Xa chia sẻ: “Hay tin có chương trình hỗ trợ làm đường, bà con chúng tôi mừng lắm. Vậy nên để con đường to rộng, các hộ dân chúng tôi đã tự nguyện hiến đất mong sao đường mới sớm hoàn thành”. Giờ đây, từ nguồn vốn gần 900 triệu đồng của Chương trình 135, con đường bê tông dài gần 1 km, rộng 3,5m của bản La Xa đã được cứng hóa phong quang, sạch đẹp. Trưởng bản Lục Văn Lan bộc bạch: “Có đường mới nên vụ vải thiều vừa qua, thương nhân vào mua tận vườn, người dân không phải chở đi xa nữa. Đường đẹp, chị em chi hội phụ nữ còn trồng hoa tươi hai bên và cử người chăm sóc thường xuyên”.

Các công trình 135 thời gian qua ở Yên Thế đã góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân từng bước cải thiện. Nếu như năm 2015, hộ nghèo toàn huyện chiếm 20,82%, đến nay giảm còn 7,22%. Bình quân mỗi năm các xã giảm từ 3 - 4% hộ nghèo/năm, không còn hộ đói.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2019, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển KT-XH, từng bước giảm nghèo. Nhiều công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, kênh mương được xây mới, nâng cấp...

Qua thống kê, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường nhựa hoặc đường bê tông qua trung tâm xã, ô tô đến được trung tâm các thôn, bản. Phần lớn các thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, riêng Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn với tổng số vốn hơn 47 tỷ đồng để xây dựng mới 70 công trình cơ sở hạ tầng; duy tu và bảo dưỡng 16 công trình sau đầu tư; thực hiện 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hàng nghìn lượt hộ dân...

Anh Lăng Thành Vũ, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: “Bám sát chỉ đạo của cấp trên, năm nay huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chủ đầu tư là cấp xã thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện và bảo đảm chất lượng các hạng mục”. 

Theo anh Vũ, việc giao các xã làm chủ đầu tư công trình 135 thời gian qua đã phát huy được tính chủ động và nâng cao năng lực, kinh nghiệm của các địa phương trong công tác quản lý điều hành công trình xây dựng cũng như xác định đúng nhu cầu đầu tư phục vụ chiến lược phát triển KT-XH sát với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, nhiều danh mục đầu tư được bàn thảo kỹ từ thôn bản, trực tiếp do nhân dân thi công và trực tiếp giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch.

Các công trình 135 ở Yên Thế đã góp phần tạo diện mạo mới cho vùng dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước cải thiện. Nếu như năm 2015, hộ nghèo toàn huyện chiếm 20,82%, đến nay tổng số hộ nghèo giảm còn 7,22%. Bình quân mỗi năm các xã giảm từ 3 - 4%/năm, không còn hộ đói. Trong đó các xã vùng cao, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 5- 6%/năm.

Xây dựng công trình 135 theo cơ chế đặc thù: Tăng tính tự chủ, tiết kiệm chi phí
(BGĐT) - Thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù (CCĐT) trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, từ đầu năm đến nay, nhiều công trình 135 trong tỉnh Bắc Giang áp dụng theo quy định mới đã tiết kiệm kinh phí, bảo đảm chất lượng.
Xây dựng công trình 135: Phát huy vai trò giám sát cộng đồng
(BGĐT) - Những năm gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thành công nhiều mô hình thí điểm giao cho cộng đồng dân cư thực hiện công trình 135 ở các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, qua đó góp phần tiết kiệm kinh phí và nâng cao chất lượng công trình.
Nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư thực hiện công trình 135
(BGĐT)- Đó là kết luận của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị đánh giá, bàn biện pháp nhân rộng mô hình “Lựa chọn nhà thầu theo hình thức giao cộng đồng dân cư thực hiện công trình 135” diễn ra sáng 10-8 tại xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Phương Thảo

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...