Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác đất san lấp mặt bằng ở Bắc Giang: Khi cầu lớn hơn cung

Cập nhật: 09:45 ngày 28/05/2020
(BGĐT) - Trước nhu cầu ngày càng tăng về đất san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án, nhiều tổ chức, cá nhân đã phớt lờ quy định của pháp luật, ngang nhiên khai thác đất trái phép nhằm trục lợi bất chính. Thực trạng này đã và đang diễn biến phức tạp, làm “chảy máu” tài nguyên, phá vỡ cảnh quan, môi trường, thất thu ngân sách và mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Khan hiếm đất san lấp mặt bằng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), những năm gần đây, mỗi năm toàn tỉnh Bắc Giang thu hồi khoảng 600 ha đất để thực hiện các công trình, dự án, tương đương với nhu cầu đất đắp nền khoảng 3 triệu m3. Trong khi đó, theo quy hoạch vùng nguyên liệu đất SLMB đến năm 2020 của tỉnh (phê duyệt năm 2012) và nhiều lần bổ sung đến nay, toàn tỉnh chỉ có 85 điểm quy hoạch mỏ với 28 giấy phép được cấp khai thác.

{keywords}

HIện trường điểm hạ cốt nền tại thôn Ao Luông, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) bị mất toàn bộ mốc giới. Ảnh chụp ngày 5/5/2020.

Việc quy hoạch điểm mỏ còn ít, nhiều nơi chưa phù hợp, quy mô nhỏ, mang tính chất manh mún, thậm chí có điểm nằm ở nơi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, chưa thu hút nhà đầu tư khai thác nên không đáp ứng được nhu cầu đất san lấp thực tế phát sinh của các công trình xây dựng, gây thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương. Ông Hoàng Văn L, đại diện một nhà thầu tham gia thi công xây dựng đường vành đai IV (Hà Nội) đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang cho biết, khi xây dựng tuyến đường này, công trình cần khối lượng lớn đất SLMB. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Việt Yên và Hiệp Hòa không có nhiều điểm mỏ khai thác đất san lấp, đắp nền. Vì vậy, nhiều khi đơn vị phải mua thêm đất chở từ các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên về vừa không chủ động lại tăng chi phí đầu tư công trình. Nhiều công trình khác trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự khiến tiến độ thi công chậm.

Theo ngành chức năng, các đơn vị được cấp mỏ trong tỉnh chỉ cung ứng 1,5-2 triệu m3 đất/năm, cộng với đất ở các điểm hạ độ cao cốt nền thì lượng đất chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu san lấp, đắp nền thực tế.

Thực tế, các đơn vị được cấp mỏ trong tỉnh chỉ cung ứng 1,5-2 triệu m3 đất/năm, cộng với đất ở các điểm hạ độ cao cốt nền thì lượng đất chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu san lấp, đắp nền thực tế. Trong khi các dự án cần hoàn thành đúng tiến độ do đó nhiều đối tượng đã “làm liều”, khai thác đất SLMB trái quy định để bán cho đơn vị thi công, kiếm lợi nhuận lớn.

Vi phạm tràn lan

Chiều ngày 6/5 vừa qua, tại bản Làng Dưới, xã Xuân Lương (Yên Thế), phóng viên chứng kiến máy múc liên tục ngoạm đất đồi đưa lên xe ô tô vận chuyển đi tiêu thụ. Diện tích đất bị đào khoét rộng hàng trăm m2. Đây là khu vực không nằm trong quy hoạch và chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép mỏ hay hạ độ cao cốt nền. Theo người dân phản ánh, tình trạng này đã diễn ra nhiều ngày nay song chính quyền sở tại, lực lượng chức năng của huyện chưa ngăn chặn kịp thời. Theo nguồn tin báo, cùng ngày Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã bắt quả tang đối tượng vi phạm tại đây là Nguyễn Văn Mị, bản Đồng Giang (cùng xã). Tại hiện trường, trên xe ô tô có khoảng 18 m3 đất. Đơn vị đã lập biên bản bàn giao cho Công an huyện xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

{keywords}

Điểm khai thác đất vượt mốc giới cho phép tại thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên) để lại một số hố sâu. Ảnh chụp cuối tháng 11/2019.

Không chỉ tự ý đào khoét đất, trên địa bàn huyện Lạng Giang có tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác mỏ trong nhiều năm, hạ độ cao cốt nền trong khoảng thời gian từ 30-45 ngày cũng lợi dụng giấy phép vi phạm mốc giới, khối lượng, gây thất thoát lớn tài nguyên. Ngày 14/5 vừa qua, phóng viên cùng cán bộ phòng chuyên môn của huyện có mặt tại mỏ đất ở khu vực Rừng Nghè, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng. 

Mỏ đất này được UBND tỉnh cấp phép tháng 10/2018 cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Quang Huy (Lạng Giang) khai thác 4 năm với công suất mỗi năm 90 nghìn m3, trên diện tích 5 ha. Giấy phép ghi rõ, Công ty này phải khai thác đất theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng và công suất theo quy định; lắp đặt trạm cân, camera tại điểm mỏ. Thế nhưng đến nay doanh nghiệp (DN) này không những không lắp đặt các thiết bị trên để kiểm soát khối lượng đất mà còn ngang nhiên đào khoét khoáng sản vượt mốc giới khiến núi đồi bị san phẳng, tan hoang, thách thức cơ quan chức năng. Theo quan sát, mỏ đất này chỉ còn vài ba mốc giới mới được cắm lại sâu chưa đầy 20 cm, không chắc chắn, phóng viên lay nhẹ bằng tay đã đổ sập. Được biết, trước khi khai thác mỏ, Sở TN&MT đã tổ chức bàn giao, cắm đủ 10 mốc theo quy định cho DN. Đại diện phòng chuyên môn của huyện cho biết, các mốc giới tại đây đều không bảo đảm quy cách, có dấu hiệu di chuyển mốc sai vi trí theo quy định ban đầu.

Trước sự việc trên, ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, Phòng phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Quang Huy đã múc đất vượt ra ngoài chỉ giới. Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra để xác định diện tích, khối lượng đất thất thoát để xử phạt, truy thu nghĩa vụ tài chính đối với DN này.

Tại huyện Lục Nam cũng có DN vi phạm với lỗi tương tự ở mỏ đất thôn Hố Chúc, xã Cẩm Lý. Lợi dụng giấy phép, Công ty TNHH Hoàng Dương, trụ sở xã Cẩm Lý huy động máy múc, nhiều phương tiện trọng tải lớn múc đất vượt mốc giới hơn 4,8 nghìn m2 với lượng đất vận chuyển đi tiêu thụ gần 15,5 nghìn m3. Tại hiện trường, nhiều vạt đồi là đất rừng bị đánh bay, san phẳng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện Lục Nam có khoảng 25 trường hợp khai thác đất trái phép.

Theo Sở TN&MT, đến nay toàn tỉnh đã cấp 28 giấy phép cho các tổ chức, cá nhân khai thác đất san lấp, đắp nền công trình và chấp thuận cho hàng chục hộ gia đình hạ độ cao cốt nền. Tuy nhiên, trong số này có nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm giấy phép như khai thác ngoài mốc giới, độ sâu, khối lượng quy định, tập trung ở các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Tân Yên. Riêng tại huyện Lục Nam, nhiều đối tượng còn khai thác đất trái phép đưa xuống thuyền vận chuyển bằng đường sông đi các tỉnh khác. Năm 2019, toàn tỉnh xử phạt hơn 200 trường hợp khai thác đất trái phép. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng và các huyện, TP phát hiện gần 100 trường hợp khai thác đất trái phép, sai phép với tổng số tiền xử phạt, truy thu nghĩa vụ tài chính gần 1 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn

Việc tùy tiện khai thác đất SLMB tràn lan, không theo quy hoạch diễn ra ở hầu hết các huyện, TP thời gian qua, thậm chí có nơi tái diễn kéo dài đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Ông Vũ Tấn Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh) cho biết, hoạt động vi phạm này của các tổ chức, cá nhân không chỉ làm “chảy máu” tài nguyên mà còn thất thu đáng kể ngân sách bởi tỉnh không thu được thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác. Cứ 1 m3 đất bị đánh cắp, đối tượng vi phạm trốn thuế được gần 10 nghìn đồng. Như vậy, có thời điểm trong tỉnh thất thoát hàng nghìn m3 đất mỗi ngày, tương đương ngân sách tỉnh hụt hàng trăm triệu đồng.

{keywords}

Một số mốc giới tại mỏ đất thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng (Lạng Giang) cắm lại không đúng quy định dẫn đến thất thoát tài nguyên đất.

Lo ngại hơn, thời gian qua ngân sách tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân cứng hóa, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH song hoạt động vận chuyển đất từ các mỏ vi phạm giấy phép, điểm đánh cắp khoáng sản đã làm một số tuyến đường xuống cấp. Bởi hằng ngày có hàng trăm lượt xe ô tô quá khổ, quá tải quần thảo chạy ra đường thôn, gây sụt lún đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khiến nhiều hộ dân bức xúc. Ông N.V.L (đề nghị giấu tên), thôn Ngàn Am, xã An Dương (Tân Yên) lo lắng, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân đóng góp thêm tiền, thôn cứng hóa đường rộng, phong quang để bà con lưu thông thuận lợi, phát triển kinh tế. Thế mà mấy tháng gần đây, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở đất cỡ lớn chạy qua thì chẳng bao lâu nữa đường sẽ xuống cấp nghiêm trọng.

Hậu quả nữa là, nhiều hộ dân sau khi hạ cốt nền không làm nhà hoặc trồng cây như phương án đăng ký ban đầu mà đào khoét đồi núi nham nhở, không cắt tầng, có nơi tạo thành thùng vũng sâu so với mặt nền vài mét song không được san lấp kịp thời, làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, đe dọa tính mạng người dân xung quanh.

Lạng Giang: Điểm được cấp phép khai thác đất san lấp mặt bằng không còn mốc giới
(BGĐT) - Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây tại khu vực thôn Ao Luông, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), hộ ông Ngô Đức Hòa được UBND tỉnh cho phép vận chuyển đất dư thừa khi san gạt, hạ cốt nền song chưa tuân thủ nghiêm quy định của giấy phép.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xem xét làm rõ trách nhiệm đơn vị liên quan để xảy ra khai thác đất trái phép tại xã Tiền Phong
(BGĐT) - Ngày 16/4, báo Bắc Giang điện tử đăng thông tin phản ánh hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép tại thôn Liên Sơn, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Tổ chức đấu giá 3 khu vực khai thác đất san lấp mặt bằng trong tháng 5
(BGĐT) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bắc Giang, trong tháng 5 năm nay, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là đất san lấp mặt bằng tại 3 vị trí mỏ.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...