Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tranh chấp đất rừng tại Công ty Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang): Kỳ 1- Bất chấp pháp luật

Cập nhật: 09:09 ngày 25/05/2020
(BGĐT) - Thời gian gần đây, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân với Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Công ty Lâm nghiệp Yên Thế) diễn ra phức tạp. Điều đáng nói là có những đối tượng cố tình xúi giục, kích động người dân hòng gây sức ép với Công ty, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Cố tình hiểu sai quyết định của UBND tỉnh

Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế trước đây từng có tên gọi là Lâm trường Yên Thế; Công ty Lâm nghiệp Yên Thế; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế. Công ty được UBND tỉnh giao 2.338,98ha đất rừng trồng sản xuất, nằm trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế, gồm: Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Đồng Hưu, Hồng Kỳ, Tam Tiến, Tam Hiệp, Tiến Thắng và thị trấn Cầu Gồ. Công ty đã hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, sử dụng đất liên tục từ năm 1963 đến nay.

{keywords}

Khách đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng rừng sản xuất của Công ty (tháng 11/2018).

Hiện Công ty đang ký hợp đồng sản xuất với 1.151 chủ hộ tại các xã, thị trấn của huyện Yên Thế và thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Mô hình sản xuất, kinh doanh rừng của Công ty được nhiều chủ rừng trong và ngoài nước đến tham quan học tập. Phần lớn diện tích rừng đã được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Hiện năng suất rừng của Công ty bình quân đạt hơn 20m3/ha/năm; doanh thu từ 25-30 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách từ 2-3 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8 triệu đồng/người/tháng…

Từ đầu năm đến nay đã có 12 vụ tranh chấp đất rừng giữa người dân với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, trong đó đã giải quyết xong 7 vụ. Việc trồng cây chiếm đất là có tổ chức và được tính toán. Họ lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần để lôi kéo đông người hòng gây khó khăn cho Công ty trong việc ngăn cản hành vi chiếm đất.

Trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động, các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần ra quyết định liên quan đến việc giao, quản lý, sử dụng đất rừng đối với Công ty. Trong đó có Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh về việc cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế. Vì tại thời điểm lập hồ sơ xin thuê đất này, Công ty chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất bằng quyết định riêng nên UBND tỉnh đã ra Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 để thu hồi và hủy quyết định số 35 nêu trên.

Do lợi nhuận từ trồng rừng kinh tế khá lớn, đất rừng của Công ty lại nằm đan xen với đất rừng của các hộ dân nên đã xảy ra không ít tranh chấp. Nhiều vụ việc được tòa án xử lý, buộc người tranh chấp, lấn chiếm phải trả lại đất rừng cho Công ty. Tính từ năm 2013 đến nay, Công ty đã khởi kiện 11 vụ tranh chấp đất rừng. Tòa án đã xét xử 5 vụ (Công ty thắng kiện cả 5/5 vụ), còn 6 vụ đang thụ lý hồ sơ. Cụ thể, ngày 12/3/2019, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã xét xử, buộc bà Lê Thị Nguyệt và ông Lê Văn Liệu, bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu phải khai thác toàn bộ 1.575 cây keo và bạch đàn trên đất và trả lại cho Công ty hơn 12,1 nghìn m2 đất tại lô Đ3, khoảnh 10, Đội Lâm nghiệp Đèo Uỷnh, xã Canh Nậu. Ngày 18/3/2019, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Thế có quyết định thi hành án đối với bà Bùi Thị Hòe, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp, buộc bà Hòe phải trả cho Công ty 1,8ha đất tại lô B, khoảnh 1, tiểu khu 10B và 2.790 cây keo tại thôn Đền Cô…

Các vụ kiện trở nên phức tạp hơn khi có 143 cá nhân nhận khoán hợp đồng trồng rừng sản xuất với Công ty đã cố tình hiểu sai Quyết định số 35 của UBND tỉnh và khởi kiện quyết định hành chính này. Ngày 3/1/2019, TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm và ban hành quyết định 01/2019/HC-ST với nội dung: Bác yêu cầu khởi kiện về việc “đề nghị Tòa án hủy Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh và hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, các tài sản gắn liền với đất của UBND tỉnh đã cấp cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế liên quan tới phần diện tích đất người khởi kiện đang nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế; đình chỉ yêu cầu khởi kiện “đề nghị Tòa án buộc UBND huyện Yên Thế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khởi kiện đối với diện tích đất người khởi kiện đang nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với Công ty theo các hợp đồng đã ký”.

Không chấp nhận kết quả này, 132/143 người đã khởi kiện tại tòa sơ thẩm, kháng cáo lên TAND cấp cao. Ngày 25/9/2019, TAND cấp cao đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực hành chính đất đai” do bản án hành chính sơ thẩm số 01/2019/HC-ST ngày 3/1/2019 của TAND tỉnh bị kháng cáo. TADN cấp cao đã ra quyết định không chấp nhận kháng cáo của 132 người khởi kiện; giữ nguyên phần quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2019/HC-ST ngày 3/1/2019 của TAND tỉnh Bắc Giang.

Thủ đoạn trắng trợn

Mặc dù tòa án đã phán quyết rõ ràng nhưng nhiều người dân vẫn bị kẻ xấu ngấm ngầm kích động phá rối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế. Ví như, hồi 14 giờ, ngày 22/2/2020, khi công nhân Công ty đang khai thác rừng trồng tại lô C6, khoảnh 9, thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng (diện tích 1,4ha) thì bà Lục Thị Hồng, xóm Phan, xã Phồn Xương (hiện đã chuyển về tỉnh Bắc Ninh) cùng các ông: Triệu Ngọc Túc, thôn Rừng Phe, xã Tam Tiến; Phạm Văn Tụng, thôn Đồng Tân, xã Đồng Vương; Nguyễn Văn Mười, thôn La Thành; Trần Đình Vinh, thôn Song Sơn; Đỗ Văn Mạch, thôn Rừng Chiềng, cùng xã Tiến Thắng và một số người khác đến ngăn cản, yêu cầu người của Công ty phải dừng khai thác. Những người này mượn cớ năm 1995, Công ty (khi đó là Lâm trường Yên Thế) cho ông Hoàng Văn Quảng, thôn Hợp Thắng, xã Tiến Thắng (chồng bà Hồng) ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ, gây trồng rừng phòng hộ đầu nguồn theo hợp đồng số 61/HĐK. Tuy nhiên do ông Quảng đã chết nên năm 2014, Công ty và ông Hoàng Văn Cương (con ruột ông Quảng và bà Hồng) đã thanh lý hợp đồng số 61/HĐK, khai thác rừng và giải quyết quyền hưởng lợi theo quy định. Sau khi thanh lý hợp đồng và khai thác rừng, Công ty tổ chức trồng rừng sản xuất khoán công đoạn, do Công ty đầu tư 100% vốn trồng, chăm sóc rừng. Do đó toàn bộ tài sản rừng trồng trên đất là của Công ty và hiện không có bất kỳ liên quan nào đến gia đình bà Lục Thị Hồng.

{keywords}

Hàng chục người dân bị kích động ồ ạt trồng cây, chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tại thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng.

Trước chứng cứ đã quá rõ ràng, các đối tượng không ngăn cản được hoạt động khai thác rừng, nhưng sau đó xúi giục hàng chục người dân ở xã Tiến Thắng mang cây giống vào cuốc hố và trồng cây ngay trên đất Công ty mới khai thác rừng. Đại diện lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cho biết, phần lớn các đối tượng trồng cây chiếm đất đã tham gia các vụ khiếu kiện liên quan đến Quyết định 35 của UBND tỉnh. Những người này cho biết, họ trồng cây cho bà Lục Thị Hồng.
{keywords}

Đối tượng (không đội mũ) luôn có hành vi đe dọa lực lượng bảo vệ của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tại khu vực tranh chấp ở bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu.

Mặc dù Công ty đã kiên trì vận động, thuyết phục nhưng các đối tượng vẫn cố tình trồng cây chiếm đất. Khi phía Công ty ngăn cản không cho cuốc đất, các đối tượng xô đến uy hiếp, lăng mạ, đe dọa hành hung cán bộ Công ty; xuyên tạc, vu khống doanh nghiệp chiếm đất, chiếm rừng. Tiếp đó, tối 10/3/2020, ông Trần Đình Cành ở thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng đã dùng búa phá hộp công tơ điện của Đội Lâm nghiệp Tiến Thắng. Khi công nhân trong Đội ra ngăn cản, thay vì thôi quấy phá, ông Cành gọi thêm người tới tiếp tục đập phá 1 xe máy của công nhân, phá cửa sổ nhà của Đội và ném gạch vào bên trong- nơi có các công nhân đang ẩn náu.

Sáng 19/4/2020 gần 40 người dân ở hai xã Tiến Thắng, Canh Nậu đi ô tô, xe máy mang dụng cụ, cây giống sang bản La Lanh, xã Đồng Vương (cách Tiến Thắng 15km) để giúp bà Hà Thị Côi trồng rừng trên đất của Công ty. Do phía Công ty và lực lượng chức năng phối hợp ngăn chặn kịp thời nên các đối tượng không thực hiện được mục đích. Dù vậy, các đối tượng vẫn dùng gậy vót nhọn rằng co, xô đẩy, vu khống cán bộ bảo vệ của Công ty và công an đến làm nhiệm vụ; liên tục kích động mọi người ở lại chiếm đất. Đồng thời xúi bà Côi không ký biên bản làm việc do Công an xã Đồng Vương lập...

Ngày 26/4 vừa qua, đối tượng Nguyễn Thanh Huyên, thôn Rừng Chiềng giả vờ say rượu, mang cưa máy vào gây sự với Đội Lâm nghiệp Tiến Thắng và đốn hạ 21 cây bạch đàn của Công ty…

Theo tổng hợp, từ đầu năm đến nay đã có 12 vụ tranh chấp đất rừng giữa người dân với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, trong đó đã giải quyết xong 7 vụ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc này? Người dân có thực sự thiếu đất để sản xuất không? Ai cầm đầu, xúi giục, kích động họ bất chấp quy định của pháp luật, gây sức ép với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương? 

(Còn nữa)

Công ty Lâm nghiệp Yên Thế: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp lại tổ chức, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế (Lâm trường Yên Thế trước đây) còn tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng rừng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế: Đơn vị quản lý rừng bền vững quốc tế
(BGĐT) - Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) vừa được Hội đồng quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế với tổng  diện tích hơn 2 nghìn ha. 

Đại La

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...