Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019: Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung

Cập nhật: 20:17 ngày 15/01/2020
Sáng 15-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 "Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung". Báo cáo do Ngân hàng Thế giới thực hiện dưới sự tài trợ của Chính phủ Australia. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì sự kiện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh, đánh giá cao chất lượng của Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019. Nội dung của Báo cáo đã đề cập đến các vấn đề về kết nối trên nhiều phương diện khác nhau bao gồm: 

Kết cấu hạ tầng, thương mại trong nước và quốc tế, không gian các hoạt động kinh tế, thể chế, chính sách trên quan điểm thương mại quốc tế, thương mại liên lục địa, liên kết khu vực cũng như liên kết nội địa Việt Nam theo các chuỗi cung ứng, vận chuyển giữa các địa phương và trong các khu vực đô thị.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. 

Báo cáo phân tích khá đầy đủ, toàn diện các tác động kinh tế của kết nối trên các khía cạnh khác nhau và các tổn thất kinh tế có thể xảy ra trong trường hợp có gián đoạn về kết nối. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc báo cáo đề cập đến phát triển bao trùm, việc tạo ra một cơ hội tiếp cận công việc có thu nhập tốt hơn cho người dân nông thôn; một số gợi ý chính sách đáng chú ý cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách của Việt Nam.

Nêu quan điểm về những khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo, Phó Thủ tướng cho rằng, việc nền kinh tế Việt Nam có độ mở quá lớn như hiện nay đã tạo ra những thành tựu rất lớn về việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng nhanh nhưng cùng với đó là những thách thức và rủi ro lớn cho Việt Nam trong bối cảnh tự do hóa thương mại cũng như những bất ổn về chuỗi cung ứng, những thay đổi nhanh chóng khó lường của cấu trúc đầu tư thương mại toàn cầu. Vì vậy về chính sách thương mại, Phó Thủ tướng cho rằng, không nên chỉ nhấn mạnh một chiều về thương mại quốc tế mà cần phải tăng cường đầu tư, tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam không thể chạy mãi theo tăng trưởng xuất khẩu với giá trị thấp. Chúng ta chỉ mất 2 năm để tăng thêm 100 tỷ USD xuất khẩu nhưng vấn đề quan trọng là giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong khối lượng xuất nhập khẩu này thế nào. Vì vậy, trước hết cần phải định hình chính sách về thương mại, trong đó có thương mại quốc tế và trong nước, cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước trước khi có những cơ sở dữ liệu để tích hợp với các chiến lược về kết cấu hạ tầng".

Phó Thủ tướng cho rằng, giao thông vận tải là hạ tầng cứng trong khi chuỗi giá trị có tính chất linh hoạt, dễ thay đổi và khó lường, do đó, cần có chiến lược về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông căn bản và thiết yếu, theo định hướng phát triển của một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, trong đó tích hợp với hệ thống chính sách về thương mại. Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia nghiên cứu vấn đề kết nối theo hành lang Đông Tây để có thể phát triển kinh tế biển, du lịch biển theo Chiến lược phát triển kinh tế Biển Việt Nam; đem bài học kinh nghiệm từ các quốc gia về tham vấn tại Việt Nam.

Đại diện đơn vị thực hiện Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Ousmane Dione nhận định: Sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình thương mại quốc tế và tiêu dùng nội địa cùng với rủi ro thiên tai ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu kết nối trong tương lai của Việt Nam. Nâng cấp hệ thống kết nối, không chỉ bao gồm kết cấu hạ tầng mà còn cả dịch vụ vận tải và logistics, bằng chính sách, đầu tư đúng sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong việc tăng cường hội nhập, phát triển bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu.

Để kết nối Việt Nam vì phát triển, thịnh vượng chung, các bên cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông; Hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối, hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 cho thấy, hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn, mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ. Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế, các điểm hải quan qua biên giới.

Hệ thống giao thông nội địa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container, cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả, còn tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.

Báo cáo nhấn mạnh các bước Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết tình trạng phân mảnh trong kết nối nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương quốc tế như: Sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế bằng cách lồng ghép tư duy mạng lưới trong quá trình quy hoạch, phát triển các cửa ngõ thương mại, loại bỏ quy hoạch phi tập trung hiện tại.

Cùng với đó, thay đổi định hướng quy hoạch giao thông và không gian để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng qua việc lập hệ sinh thái mới kết nối giữa thương mại, các tuyến vận tải có vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng từ vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng; tạo ra các vùng kinh tế trọng điểm dọc theo hành lang mới thông qua việc cho phép phát triển có trọng tâm các nút vận chuyển giá trị cao để phục vụ hoạt động năng suất lớn.

Bắc Giang giành 62 giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020
(BGĐT) - Chiều ngày 15-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020. Tỉnh Bắc Giang có 62 học sinh đoạt giải. 
Việt Nam phát hiện khách đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) có biểu hiện sốt
Các mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp này đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...