Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác tiện ích của thương mại điện tử

Cập nhật: 09:01 ngày 16/08/2019
(BGĐT) - Hiện nay, người tiêu dùng có xu thế mua sắm hàng hóa online. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn hình thức kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Cách làm này giúp giảm chi phí mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lợi nhuận lớn

Thời gian qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang) áp dụng và đẩy mạnh kinh doanh TMĐT. Năm 2015, đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website giới thiệu sản phẩm. Trên trang, ngoài mục quảng bá còn có cả phần đặt mua trực tuyến. 

{keywords}

Công cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang) tập trung sản xuất bảo đảm nguồn hàng phục vụ xuất khẩu qua kênh TMĐT.

Nhiều khách hàng trong và ngoài nước liên hệ tìm hiểu, kết nối kinh doanh với Công ty tại đây. Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhận thấy lợi ích của kinh doanh TMĐT, trong những năm qua, đơn vị đã đầu tư chi phí phát triển lĩnh vực này. 

Hiện DN đang thuê kỹ sư có trình độ thiết kế và nâng cấp lại hệ thống website; đăng ký mở tài khoản bán hàng trên trang TMĐT uy tín quốc tế như: Lazada, Amazon nhằm tiếp cận thêm thị trường các nước châu Âu. Phấn đấu tăng doanh thu lên khoảng 60 tỷ đồng năm 2020, giảm khoảng 15% các khoản thuế, phí, tiền quảng cáo”.

Tương tự, Công ty cổ phần Văn Chiến, đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) nhiều năm trở lại đây cũng mở rộng kinh doanh các sản phẩm đồ điện tử, điện lạnh bằng hình thức bán hàng online. Tại mỗi chi nhánh điện tử Văn Chiến bố trí từ 2 nhân viên trở lên thường trực trên trang web, tư vấn, trả lời, chốt đơn hàng và nhận tiền chuyển khoản của khách. Trung bình mỗi ngày Công ty bán được khoảng 200 sản phẩm bằng hình thức kinh doanh này, có hàng nghìn lượt người truy cập trang mạng.

Ngoài hai đơn vị trên, hiện có nhiều DN trong tỉnh đang bán hàng trên các trang TMĐT, giúp hàng hóa được tiêu thụ thuận lợi, nhiều khách hàng biết đến.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, kinh doanh TMĐT đang trở thành xu hướng được nhiều DN lựa chọn phát triển, quảng bá sản phẩm. Các đơn vị bán lẻ cũng dần chuyển từ bán hàng truyền thống sang online; không ít người tiêu dùng, DN lựa chọn cách mua sắm, đặt hàng online… Đây là tiền đề để TMĐT “bùng nổ”; là một trong những phương thức để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trực tuyến của tỉnh trong thời gian tới.

{keywords}

Trang Web của Công ty cổ phần Văn Chiến phục vụ khách hàng mua sắm online.

Nhằm hỗ trợ các DN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020. Kinh phí thực hiện hơn 11,6 tỷ đồng. Sở Công Thương đã hỗ trợ hơn 50 DN xây dựng website, mở 15 lớp tập huấn các nội dung liên quan đến kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh ưu điểm thì TMĐT cũng tồn tại không ít rủi ro cho cả người bán và người mua. Có cơ sở đã mất tiền khi bán hàng trên sàn TMĐT mà vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Tuyên, chủ xưởng may gia công tại xã Hương Lạc (Lạng Giang) cho biết: “Hai năm qua, tôi đăng ký tài khoản trên trang Shoppi để kinh doanh sản phẩm may mặc, đã vài lần tôi gửi hàng bị thất lạc mà không tìm thấy, số tiền thất thoát cũng vài triệu đồng”.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 nhằm hỗ trợ nhân rộng phát triển kinh doanh TMĐT. Tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn hơn 11,6 tỷ đồng, trong đó vốn T.Ư là 800 triệu đồng, ngân sách tỉnh hơn 3,7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của doanh nghiệp.

Nhiều trường hợp khác đăng ký tại các trang TMĐT quốc tế cũng bị phạt hoặc khóa tài khoản vì chưa hiểu đúng quy định, điều kiện ràng buộc khi giao dịch. 

Ngoài ra, mọi giao dịch trực tuyến được thực hiện trên cơ sở niềm tin là chính, vì vậy, khi gặp người bán không uy tín, thiếu trung thực, người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc đổi trả sản phẩm hoặc khiếu nại bảo vệ quyền của người tiêu dùng không dễ dàng…

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về các quy định liên quan đến TMĐT. Khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang mạng lớn, được cấp phép hoạt động để hạn chế rủi ro. Các DN, cá nhân phải kinh doanh sản phẩm chất lượng, giữ uy tín, tạo niềm tin cho khách. Có như vậy sẽ khai thác hiệu quả TMĐT.

Nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử
(BGĐT) - Thương mại điện tử (TMĐT) không còn xa lạ với các doanh nghiệp (DN), doanh nhân và người tiêu dùng. Những giao dịch qua mạng Internet hiện nay len lỏi vào gần như mọi lĩnh vực với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho TMĐT, nguy cơ chậm chân, tụt hậu là có khả năng xảy ra.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...