Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản: Chưa phát huy hết hiệu quả

Cập nhật: 09:07 ngày 10/07/2019
(BGĐT) - Để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, gắn tem truy xuất được coi là tấm thẻ chứng minh về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện hoạt động này chưa được nhiều người tiêu dùng và đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm. 

Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch “lý lịch” bằng mã QR code (tem điện tử) dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Mọi người chỉ cần sử dụng một thiết bị điện tử thông minh là có thể quét mã nhận diện sản phẩm lấy thông tin từ nơi sản xuất, quy trình, ngày thu hoạch và các chứng chỉ nếu có...

{keywords}

Nhiều người tiêu dùng chưa quan tâm đến tem truy xuất nguồn gốc khi mua hàng hóa.

Gắn tem truy xuất có rất nhiều lợi ích cho tiêu thụ nông sản, nhưng thực tế nhiều người chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh chưa mặn mà, không chủ động tham gia.

Thực tế cho thấy, đến nay, nông sản của tỉnh có tem truy xuất nguồn gốc chủ yếu là các sản phẩm chủ lực, số còn lại chưa có. Tem sử dụng trong quá trình lưu thông hàng hóa cũng không nhiều, chỉ tập trung một phần nhỏ lượng nông sản tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn.

Ví như, tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ vú sữa Hợp Đức, xã Hợp Đức (Tân Yên), vụ vừa qua đơn vị đã được huyện hỗ trợ một phần kinh phí làm tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng tem được các thành viên sử dụng không nhiều. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX chia sẻ: “Sản lượng vú sữa của HTX chủ yếu bán ở thị trường tự do, nhỏ lẻ. Cả vụ vừa qua, HTX mới gắn tem truy xuất nguồn gốc cho gần 2/80 tấn quả. Giá bán vú sữa có tem với không gắn tem chênh nhau rất ít nên nếu khách yêu cầu làm thì chúng tôi mới làm”.

Theo bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, hầu hết các nông sản chủ lực của địa phương đã có tem truy xuất nguồn gốc nhưng người sản xuất chỉ gắn cho số lượng hàng được tiêu thụ ở các nhà hàng, siêu thị.

Tương tự, là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng nhiều năm qua các loại rau của HTX Sản xuất rau an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang) chỉ có một lượng nhỏ tiêu thụ trong Siêu thị Big C và Co.opmart Bắc Giang được gắn tem.

Không chỉ về phía người sản xuất, nhiều người tiêu dùng cũng chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là những người có thói quen mua hàng ở các chợ truyền thống. Khi vào siêu thị mua hàng, họ lại có tâm lý yên tâm vì đã qua kiểm định nên không để ý đến tem truy xuất nguồn gốc. 

Chị Bùi Thị Thủy, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho biết: “Mua nông sản ở siêu thị, tôi chỉ chọn quả tươi là được, các loại tem nhãn trên quả tôi không để ý và cũng không hiểu các thông số ký hiệu trên đó”.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) được biết, thực tế lợi ích của việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa là rất lớn. Tem gắn vào sản phẩm giống như một tấm thẻ bảo hành về chất lượng cho người tiêu dùng. Hiện một số trang trại, HTX, doanh nghiệp vẫn chưa tích cực sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sau khi đã đủ điều kiện được in ấn. 

Nguyên nhân là do muốn làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, người sản xuất cần đáp ứng đủ tiêu chí như: Chăm sóc đúng quy trình an toàn, ghi chép cụ thể thời gian trồng trọt, chăn nuôi, lưu trữ hồ sơ sản xuất; đồng thời phải bỏ ra một khoản chi phí cho việc làm tem. Trong khi trên thực tế, phần lớn hàng hóa trong tỉnh vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ, người tiêu dùng không đòi hỏi khắt khe về yêu cầu chất lượng. Vì thế khiến cho tem truy xuất chưa được sử dụng nhiều.

Để khuyến khích hoạt động này, hằng năm UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017- 2018 và giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, 15 nông sản chủ lực gồm: Nấm, vải thiều, thịt lợn, mỳ Chũ, rau an toàn… được thụ hưởng. 

Ngoài việc hỗ trợ mua máy móc, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mỗi đơn vị được hỗ trợ 50 triệu đồng làm tem, nhãn bao bì. Hay như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 đều tập trung vào xây dựng thương hiệu, bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp hướng tới liên kết tiêu thụ theo chuỗi.

Một số huyện chủ động trích kinh phí, giúp người sản xuất làm tem truy xuất nâng cao chất lượng hàng hóa. Điển hình tại Tân Yên, năm 2019 địa phương trích gần 200 triệu đồng hỗ trợ làm tem cho vải sớm Phúc Hòa, ổi và vú sữa.

Thời gian tới, Sở Công Thương cùng với các đơn vị chuyên môn liên quan tiếp tục thực hiện tốt các đề án của tỉnh để nâng cao hiệu quả, khẳng định chất lượng hàng hóa. Trong đó, quan tâm dành nguồn vốn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc gắn, sử dụng sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc...

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả của việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa, tăng giá trị kinh tế, mỗi người tiêu dùng cũng như toàn xã hội nâng cao ý thức qua việc ưu tiên lựa chọn những hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, tạo động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, in ấn tem nhãn, tránh việc làm hàng giả, nhái trên thị trường.

Sản xuất vải thiều có tem truy xuất: Giám sát chặt từ khâu chăm sóc
(BGĐT) - Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ vải thiều, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, năm nay, huyện Lục Ngạn, Tân Yên và ngành chức năng đang tập trung hướng dẫn, giám sát các hộ thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm điều kiện gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh
Với điện thoại thông minh, chỉ cần quét QR Code trên sản phẩm, sẽ có các thông tin về sản phẩm. Thông tin đó truy xuất nguồn gốc đến từng thửa ruộng, từng hộ nông dân, HTX chế biến… Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Big Data Trace cho biết như vậy về ứng dụng công nghệ mới đang được triển khai.
Từ ngày 1-4, hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ bị truy xuất nguồn gốc
Từ ngày 1-4, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Dùng tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa để phân biệt hàng giả
Hàng thật, giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng (NTD) bối rối. Không muốn "tiền mất, tật mang", nhưng không phải ai cũng biết phân biệt chính xác. Khi đó, mã vạch là giải pháp hiệu quả.
Bắc Giang: Thành lập Đội điều tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm
(BGĐT) - Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa thành lập Đội điều tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2017. 

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...