Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Cập nhật: 17:23 ngày 06/06/2019
(BGĐT) - Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, theo đó chỉ số PCI 2018 của Bắc Giang đạt 63,01 điểm, xếp hạng 36/63 tỉnh, TP (giảm 6 bậc so với năm 2017). Để làm rõ nguyên nhân và xác định giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, sáng 6-6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, huyện, TP. 

Làm rõ trách nhiệm 

Theo báo cáo, Bắc Giang xếp thứ 27/32 tỉnh/thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước và xếp thứ 5/14 các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đây là điểm số PCI cao nhất của tỉnh Bắc Giang từ năm 2006 đến nay và cũng là năm thứ 5 liên tiếp Bắc Giang tăng điểm PCI. Đó cũng là dấu hiệu tốt cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Bắc Giang đã liên tục được cải thiện trong những năm qua. Tuy nhiên, dù điểm PCI tăng nhưng xếp hạng PCI của Bắc Giang so với các tỉnh/thành phố trên cả nước lại giảm. 

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì buổi làm việc.

Về nguyên nhân tụt hạng, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do tốc độ tăng điểm PCI hằng năm của Bắc Giang đang bị chậm lại so với trung bình của cả nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2014-2018, điểm PCI trung bình của cả nước tăng 1,31 điểm mỗi năm; tuy nhiên năm 2018, Bắc Giang chỉ tăng 0,81 điểm. 

Cụ thể, trong 4 chỉ số giảm điểm, chỉ số “Tính minh bạch” có tác động lớn nhất tới tổng điểm PCI của Bắc Giang (giảm 1,24 điểm so với năm 2017). Các chỉ số thành phần khác có điểm giảm gồm: “Chi phí gia nhập thị trường”, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Ngoài ra, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất” và chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” dù có tăng nhưng không đáng kể. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu ý kiến.

Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá cao tính chính xác, khoa học của cuộc điều tra; bộ chỉ số nhằm phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” giảm 0,24 điểm, trong đó toàn bộ các chỉ tiêu về “Thủ tục (thay đổi) đăng ký kinh doanh” đều giảm so với năm 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đồng ý “phải chờ hơn một tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động” cũng tăng mạnh trong năm 2018. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan có chức năng quản lý, cấp phép đủ điều kiện kinh doanh đối với DN thuộc diện kinh doanh có điều kiện.

Phấn đấu đến năm 2020, xếp hạng PCI của Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Khắc phục những hạn chế của 4 chỉ số giảm điểm năm 2018, gồm: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; tính năng động; thiết chế pháp lý.

Chỉ số “Tính minh bạch” giảm 1,24 điểm, việc tiếp cận được các tài liệu về quy hoạch, pháp lý và ngân sách trở nên khó khăn hơn trong năm 2018, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, UBND huyện, TP chịu trách nhiệm về nội dung này. Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện, TP có trách nhiệm trong sự kém đi của các chỉ tiêu: Tỷ lệ DN nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước cung cấp và thời gian để nhận được thông tin, văn bản đó; cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu; độ mở, chất lượng, tỷ lệ DN truy cập vào trang website của tỉnh.

Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” giảm 0,25 điểm, sự năng động, sáng tạo của UBND tỉnh trong giải quyết vấn đề mới phát sinh cũng bị đánh giá kém đi trong hai năm qua. Chất lượng phản hồi, cách giải quyết của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc, khó khăn của DN và tỷ lệ vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời đều giảm. 

Trách nhiệm cho sự giảm điểm của các chỉ tiêu này thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện, TP.

Trao đổi thêm về chỉ số “Tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất”, ông Đào Duy Trọng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận đánh giá của báo cáo là đúng. Một số DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, lo ngại về thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian. 

Mặc dù ngành đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra nhưng do nguồn gốc đất phức tạp, quy định, hướng dẫn của cấp trên thiếu rõ ràng, chưa đầy đủ nên việc xác định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó; ảnh hưởng đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư. 

Tập trung cao nhưng không nóng vội

Bên cạnh những chỉ số giảm cũng có nhiều điểm sáng được các DN đánh giá cao như chỉ số chi phí thời gian của tỉnh Bắc Giang năm 2018 đạt 7,01 điểm, tăng 1,31 điểm so với năm 2017.

Chỉ tiêu “Thủ tục giấy tờ đơn giản” có sự chuyển biến lớn nhất và được cải thiện với tốc độ khá ổn định trong giai đoạn 2014-2018, đạt thứ hạng 11/63 trong năm 2018. 

Tỷ lệ “DN không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục” đã giảm liên tục trong hai năm qua. Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh đạt 6,16 điểm, tăng 0,65 điểm so với năm 2017. 

{keywords}

Thượng tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao đổi tại buổi làm việc.

Đáng chú ý là chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” năm 2018 đạt 5,9 điểm (giảm 0,2 điểm so với 2017), xếp thứ 51/63 so với cả nước. Qua đó cho thấy tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên nêu vấn đề: Nhiều DN bị trộm cắp tài sản mà thủ phạm trực tiếp là công nhân, người lao động làm việc trong đó hoặc móc nối với các đối tượng bên ngoài. Có một số băng nhóm, cá nhân hoạt động theo kiểu xã hội đen khiến DN e ngại. 

Thượng tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, lực lượng công an đã điều tra, triệt phá nhiều ổ nhóm trộm cắp tài sản giá trị lớn ở các khu, cụm công nghiệp, tuy nhiên do một số công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ thiếu hợp tác, tự giải quyết những vụ việc nhỏ lẻ nên khó khăn cho công tác giữ gìn an ninh trật tự. Thời gian tới, Công an tỉnh và các huyện, TP tập trung cao trấn áp những băng nhóm bảo kê, tội phạm; kiểm soát các khu nhà trọ, xung quanh khu công nghiệp để tạo môi trường an ninh tốt hơn.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Không thể chậm trễ trong việc tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì các tỉnh, TP khác cũng tập trung rất cao cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan với tinh thần quyết liệt nhưng không nóng vội và cũng không chây ì. 

Qua đó xây dựng, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển DN, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh. 

Thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn; xây dựng niềm tin giữa cộng đồng DN với các cấp chính quyền. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xem xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.

Phản ánh của các DN cho thấy, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, “trên nóng dưới lạnh”, gây khó khăn để trục lợi cá nhân. Vì vậy các sở, ngành cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục phẩm chất đạo đức. Đặc biệt, chú ý đến những vị trí, bộ phận nhạy cảm, có thể lợi dụng để tham nhũng; xây dựng quy chế luân chuyển cán bộ, không để làm một công việc quá lâu, ngăn ngừa tiêu cực.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công bố các thủ tục hành chính trên website của các sở, ngành, địa phương và tại nơi giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan. 

Thực hiện công khai, minh bạch về hoạt động của các cơ quan nhà nước và những thông tin được phép như quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng… trên môi trường Internet để tổ chức, DN, cá nhân dễ dàng tiếp cận thông tin.

Lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở, ngành tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại trực tiếp với DN, nhà đầu tư thông qua nhiều hình thức linh hoạt nhằm tạo không khí thân thiện, cởi mở, vì sự phát triển chung của tỉnh.

Bắc Giang vươn lên nhóm khá trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(BGĐT)- Sáng nay (28-3), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã vươn từ nhóm trung bình lên nhóm khá trong bảng xếp hạng với tổng số điểm tăng từ 62,20 điểm (năm 2017) lên 63,01 điểm (năm 2018) trên thang điểm 100.
Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính: Biến động nhóm sở, ngành
(BGĐT) - Nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (gọi tắt là chỉ số PAR INDEX) năm 2018 của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện, TP cho thấy, nhiều sở, ngành có sự “bứt phá” về thứ bậc. Tuy nhiên vẫn còn đơn vị chưa chuyển biến, thậm chí tụt hạng, đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu và sự quyết tâm cao từ chính các cơ quan hành chính nhà nước. 

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...