Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa): Chôn hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi không đúng quy trình

Cập nhật: 19:45 ngày 02/05/2019
(BGĐT)- Những ngày qua, tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) liên tục có lợn chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tai xanh, lở mồm long móng (LMLM). Cùng thời gian, trên tuyến kênh tưới A1, đoạn chảy qua thôn Cẩm Bào cũng xuất hiện nhiều xác lợn chết. Việc chôn hủy số lợn này không được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời khiến người dân bất bình.

{keywords}

 Xác lợn chết không được chôn lấp.

Theo chỉ dẫn của người dân, sáng 2-5, chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Cẩm Bào, nơi có nhiều xác lợn. Sau bãi rác thải sinh hoạt của thôn là một hố chôn lợn rộng khoảng 20m2. Tại hiện trường, nhiều con lợn nặng hàng tạ nằm chỏng trơ, tím tái, ruồi nhặng bu kín, đang phân hủy bốc mùi hôi nồng nặc. Bà Phùng Thị Tuấn, thôn Cẩm Bào cho biết, hiện tượng này đã xuất hiện từ vài ngày nay, người dân đã phản ánh lên UBND xã Xuân Cẩm và cơ quan chức năng của huyện Hiệp Hòa nhưng đến sáng 2-5, lợn chết vẫn chưa được chôn hủy. 
Được biết, dưới hố này còn có hàng chục xác lợn được chôn trước đó nhưng sau nhiều trận mưa đã bị sụt lún vẫn chưa được lấp đất và rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng. Trên mặt hố chôn không có biển cảnh báo theo quy định. “Mùi hôi bốc ra từ hố chôn lợn khiến người dân không thể ra đồng chăm sóc lúa, chẳng ai dám chăn thả trâu, bò gần khu vực này”, bà Tuấn nói.
{keywords}

Đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Cẩm, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Hòa xuống hiện trường, phối hợp, chỉ đạo việc tiêu hủy lợn bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Giang, ông Ngô Khắc Tình, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho hay, sở dĩ xã chưa kịp chôn hủy số lợn này là do những ngày qua trên địa bàn xã có nhiều lợn chết, lại có mưa lớn, đồng thời xã phải chỉ đạo việc chôn hủy lợn tại cả 5 thôn nên thiếu lực lượng tham gia. 

Hơn nữa, Xuân Cẩm nằm ở cuối dòng kênh tưới A1 (dẫn nước từ Thái Nguyên về Hiệp Hòa) nên thường xuyên phải hứng chịu việc vớt và chôn hủy xác lợn do các hộ chăn nuôi phía đầu nguồn vứt ra. Ông Tình giãi bày: “Hơn một tháng qua, xã tôi đã phải thuê máy xúc vớt và chôn hủy gần 30 con lợn trôi dạt từ Thái Nguyên và các xã đầu nguồn về”. 

Ông Ngô Văn Ngân, Trưởng thôn Cẩm Bào cho biết thêm, ngoài số lợn được vớt lên từ dòng kênh A1, còn có nhiều xác lợn do người dân trong xã tự ý vứt ra môi trường… Việc làm này cho thấy ý thức của nhiều chủ hộ chăn nuôi rất kém. Tuy nhiên, lấy lý do thời tiết không thuận lợi và thiếu lực lượng để không chỉ đạo chôn hủy lợn theo đúng quy định của Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm là chưa thỏa đáng. Việc làm này dẫn tới ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh, khiến người dân bức xúc.

{keywords}

Hàng rào chắn tạm thời trên dòng kênh A1, đoạn chảy qua thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương mới được dựng lên.


Xã  Xuân Cẩm có tổng đàn lợn hơn 5 nghìn con, hiện đã có hơn 500 con lợn bị chết do mắc các bệnh DTLCP, tai xanh và LMLM.

Trước sự việc này, phóng viên đã phản ánh  tới cơ quan chức năng của huyện Hiệp Hòa, theo đó, cuối buổi sáng 2-5, đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Cẩm, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Hòa đã trực tiếp xuống hiện trường, phối hợp, chỉ đạo việc tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. 

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Hòa thông tin, chiều 2-5, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đã có buổi làm việc với UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) nhằm chấm dứt tình trạng xả rác thải, lợn chết từ địa phương này vào địa bàn. Trước đó, ngày 30-4, huyện đã xây dựng một hàng rào chắn tạm thời trên dòng kênh A1, đoạn chảy qua thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, ngăn không cho rác và xác động vật trôi từ tỉnh bạn vào. 

Được biết, Hiệp Hòa là địa phương đầu tiên có dịch và công bố bệnh DTLCP, số lợn chết do mắc dịch bệnh này lên tới hơn 10 nghìn con, cao nhất tỉnh và chưa dừng lại. Thiết nghĩ, hơn ai hết, chính quyền và người chăn nuôi sở tại cũng như các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của Hiệp Hòa cần sát sao hơn trong chỉ đạo và thực hiện việc phòng, chống bệnh DTLCP.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...