Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam thăm và làm việc tại Bắc Giang

Cập nhật: 14:47 ngày 09/11/2018
(BGĐT)-Ngày 9-11, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Bắc Giang. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
{keywords}

Quang cảnh buổi làm việc.  


Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Lê Trí Thanh thông tin một số nội dung về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng chí khẳng định, nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần ổn định KT-XH của địa phương song việc tích tụ ruộng đất gặp khó khăn. Qua thông tin, đồng chí biết được Bắc Giang triển khai khá tốt về dồn đổi ruộng và có nhiều cách làm hay trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là trồng rừng gỗ lớn. Do vậy, đồng chí mong muốn các đại biểu của Bắc Giang chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về những nội dung này để đoàn nghiên cứu, áp dụng tại địa bàn. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc.

Trước những vấn đề đoàn công tác tỉnh Quảng Nam quan tâm, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang thông tin, đến nay, toàn tỉnh dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) hơn 14 nghìn ha đất canh tác, dự kiến đến hết năm 2018 thực hiện gần 17 nghìn ha. Sau DĐĐT, số thửa bình quân/hộ giảm đáng kể từ 3-14 thửa/hộ xuống 1,8-3 thửa/hộ. 

Đồng ruộng được quy hoạch, chỉnh trang, các địa phương xây dựng được 163 cánh đồng mẫu. Kinh nghiệm cho thấy, để DĐĐT thành công, trước hết phải có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; phát huy mạnh mẽ vai trò, sự sáng tạo của cấp ủy, lãnh đạo thôn với vai trò tiên phong. Sau DĐĐT phải thực hiện ngay đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quan tâm kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, động viên, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến để nhân rộng. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trao đổi tại buổi làm việc.

Về quản lý, bảo vệ rừng, hiện toàn tỉnh có hơn 173 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Từ năm 2014-2016, Bắc Giang xây dựng được 200 ha mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Qua theo dõi, bước đầu cây sinh trưởng tốt và tăng trưởng vượt trội so với trồng rừng thông thường. Nhìn chung hiệu quả và thu nhập từ kinh tế đồi rừng ngày càng được khẳng định, nhiều địa phương và hộ gia đình có thu nhập cao từ kinh tế rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái cho biết, mặc dù đạt được kết quả trên nhưng Bắc Giang còn nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất, nhất là khi doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thuê đất trên diện rộng vẫn gặp trở ngại. 

Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, Bắc Giang coi trọng 3 yếu tố trụ cột gồm: Sản xuất tập trung; quan tâm mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; đặc biệt là thị trường. Muốn thực hiện được những nội dung này thì nòng cốt vẫn là hợp tác xã (HTX). Tới đây, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ HTX nông nghiệp. Liên quan đến phát triển lâm nghiệp, Bắc Giang đang thu hút DN chế biến gỗ, thu mua nguyên liệu tại chỗ cho người dân cũng như khuyến khích nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn. Để bảo vệ rừng tự nhiên, tỉnh ban hành nhiều quy định, nhờ đó giảm đáng kể tình trạng vén, phá rừng.

Ngoài ra, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi; vận động người dân tham gia DĐĐT; tổ chức liên kết sản xuất; thuê rừng và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn  Thái cùng đoàn công tác tỉnh Quảng Nam thăm mô hình trồng dưa lưới tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng).

Cùng ngày, đoàn công tác thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Yên Dũng, Việt Yên.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...