Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tôi đi... “chợ đất”

Cập nhật: 10:16 ngày 19/10/2018
(BGĐT)- Mấy năm gần đây, nhiều diện tích đất thuộc các dự án khu dân cư mới trong tỉnh Bắc Giang được cơ quan chức năng đưa ra đấu giá nhằm tăng giá trị của mỗi lô đất. Tuy nhiên, số người có nhu cầu thực sự về đất ở đi đấu giá không nhiều, chủ yếu vẫn là giới đầu cơ tham gia những phiên chợ đất.

“Nóng” mỗi phiên đấu giá

Sau bữa cơm tối, vợ tôi thì thầm: “Chị Minh cơ quan em bảo, tới đây TP Bắc Giang có phiên đấu giá đất với nhiều vị trí đẹp, mình tham gia dễ kiếm lời”. Tôi ngỡ ngàng: “Lấy đâu ra tiền mà đấu giá đất”? “Anh tạm dùng số tiền cô Thu vừa chuyển về nhờ gửi ngân hàng đó. Nếu đấu trúng sẽ bán sang tay rồi trả cô ấy”, vợ tôi thuyết phục.

{keywords}

Phiên đấu giá đất ở TP Bắc Giang ngày 30-9 thu hút rất đông người tham gia. 

Cứ nghĩ vợ tôi nói xong để đó, chắc gì dám làm chuyện lớn. Ai dè, mấy hôm sau, đi làm về, vừa bước vào cửa, vợ tôi nói: “Em đã nộp tiền đặt cọc 80 triệu đồng để mua hai bộ hồ sơ, ba hôm nữa đi đấu giá. Chị Minh còn mua liền một lúc 10 hồ sơ cơ”. Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua bởi vợ đã quyết thế rồi.

7 giờ 30 sáng Chủ nhật ngày 30-9, khoảng sân rộng của Nhà văn hóa Lao động tỉnh nằm trên đường Lê Hồng Phong (TP Bắc Giang) chật cứng xe máy, ô tô. Cố đưa xe vào gốc cây trứng cá cách đó chừng 200 m, vợ chồng tôi và cô bạn đồng nghiệp tên Minh khấp khởi đi bộ vào khu vực tổ chức đấu giá đất.

Mới đặt chân lên sảnh Nhà văn hóa, đập vào mắt tôi là cảnh tượng khá sôi động, mọi người đang tranh thủ làm thủ tục đăng ký. “Hóa ra toàn người quen”, bà xã tôi buột miệng nói. Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đi đấu giá đất nên khi làm thủ tục cứ lóng ngóng, còn cô bạn thì hoàn thành sớm đang túm tụm với mấy người khác trao đổi thông tin về những lô đất chuẩn bị lên "sàn".

Đi qua cánh cửa hẹp, chúng tôi vào phía trong hội trường Nhà văn hóa Lao động tỉnh. Ngày thường hội trường rộng là thế, vậy mà hôm nay dường như nhỏ lại, không còn một ghế trống. Nhiều người vào sau đành kê tạm ghế nhựa ngồi ngay giữa lối đi… “Em đi đấu giá đất nhiều lần nhưng chưa phiên nào đông như hôm nay”, Minh nói nhỏ.

Khác với không khí náo nhiệt ngoài sảnh, trong hội trường lại khá yên ắng. Mọi người chăm chú nghiên cứu sơ đồ phân lô, phiếu đấu giá, đặc biệt là bảng chi tiết giá khởi điểm các lô đất. Thỉnh thoảng vài ba người chụm đầu vào nhau thì thầm trao đổi với vẻ mặt căng thẳng. “Tuần trước, có người đã bán 820 triệu đồng/lô đất. Vì thế, hôm nay, thấp nhất cũng phải đấu giá 850 triệu đồng/lô”, Minh vừa chỉ tay vào vị trí những lô đất thuộc xã Tân Mỹ trên bản đồ, vừa nói với vợ tôi.

9 giờ kém 15 phút, cô nhân viên Công ty TNHH Đấu giá Thành Phát nói qua micro: “Những khách nào còn đứng ngoài hội trường khẩn trương vào trong để phiên đấu giá bắt đầu. Đề nghị nhân viên bảo vệ chốt các cửa ra vào”. Cuối hội trường, tự dưng có đám người nhốn nháo. “Mở cửa ra không thì chết ngạt mất; điều hòa không bật, nóng bức lắm”, một giọng đàn ông bức xúc vang lên. “Do hôm nay không may mất điện nên mọi người thông cảm”, cô nhân viên giãi bày rồi thông báo quy chế đấu giá. Một vài người đứng lên hỏi về cách điền thông tin vào phiếu; công bố số hồ sơ đăng ký đấu giá ở từng vị trí… Cô nhân viên trả lời vắn tắt các câu hỏi và yêu cầu mọi người đọc kỹ các văn bản trong hồ sơ đấu giá để ghi cho chuẩn xác.

9 giờ 10 phút, cuộc đấu giá bắt đầu. Không khí trong hội trường trầm xuống. Tham gia phiên đấu giá lần này có 512 khách hàng đăng ký với 1.758 hồ sơ để đấu giá quyền sử dụng 142 lô đất ở thuộc phường Đa Mai, xã Song Khê và Tân Mỹ (TP Bắc Giang). “Cứ thả trên 1 tỷ đồng cho mỗi lô đất thì kiểu gì cũng trúng”, một thanh niên tên Hải ngồi cạnh tôi hóm hỉnh nói. Hải là người xã Tân Mỹ, trên tay cầm gần 10 hồ sơ tự tin cùng mấy “bạn đất” chốt giá.

Số đông người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở thực sự mà chỉ để sang tay kiếm lời hoặc đầu cơ đất đẩy giá bất động sản tăng cao.

Khoảng 12 giờ trưa, khâu kiểm phiếu đấu giá đã xong. Kết quả, có 137/142 lô đất được đấu giá thành công, 5 lô không có khách hàng đấu giá. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 131 tỷ đồng, tăng 47,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, lô đất được đấu giá cao nhất với số tiền hơn 3 tỷ đồng thuộc thôn Ba, xã Tân Mỹ, còn lô được trả giá thấp nhất gần 400 triệu đồng thuộc thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ. Thỉnh thoảng cả hội trường vang lên tràng vỗ tay khi nhân viên Công ty đấu giá đọc đến những lô đất có người trả chênh quá lớn so với giá khởi điểm… Vợ chồng tôi và người bạn đều tiếc nuối khi không trúng lô đất nào. “Vậy là mất 5 triệu đồng tiền mua hồ sơ”, Minh vừa giục tôi về, vừa tỏ vẻ tiếc nuối.

Sôi động sang tay

Bốn hôm sau ngày đấu giá, vợ chồng tôi qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân chi nhánh Bắc Giang lấy tiền đặt cọc do không trúng đấu giá đất. Tình cờ gặp lại Hải cũng đến rút tiền đặt cọc, khoe: “Em trúng 3 lô, trượt 5 lô đất. Sau phiên đấu giá, em bán sang tay một lô lãi 50 triệu đồng; còn 2 lô chung với một người bạn, sẽ bán sau”. Theo Hải, đợt đấu giá vừa rồi có nhiều người ở xã Tân Mỹ đã trúng. Có lẽ, vì họ nắm được giá thực tế đang giao dịch trên thị trường nên trả giá sát hơn.

{keywords}

Khu đất tại thôn Ba, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) sau ngày đấu giá đã có nhiều người rao bán.

“Mấy ngày nay, trên facebook ngập tràn thông tin mua bán đất ở những vị trí mà hôm trước vừa đưa ra đấu giá”, vợ tôi vừa xới cơm cho chồng, vừa thông tin. Ăn vội hết bát cơm, tôi mở facebook ra xem. Nhiều thông tin rao bán đất hiện ra như: “Cần bán lô đất đẹp gần cao tốc Bắc Giang- Hà Nội” hay “Bán gấp nhiều lô đất đẹp ở Tân Mỹ”… Những giao dịch mua bán cũng được thực hiện ngay trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các chủ đất đều tế nhị yêu cầu liên hệ qua messenger.

Tranh thủ ngày thứ Bảy, vợ chồng tôi rủ Minh về thôn Ba, xã Tân Mỹ. Không mất nhiều thời gian hỏi đường, tôi được một chủ quán trên đường Võ Nguyên Giáp chỉ dẫn: “Anh đi thẳng chừng 100 m rồi rẽ phải là tới đường Nguyễn Thái Học- nơi có nhiều người cần bán đất”. Tôi thắc mắc: “Sao bác lại biết có nhiều người cần bán đất”? “Ngày nào cũng có người đến hỏi tôi đường đến đó với mục đích muốn sang tay những lô đất vừa trúng đấu giá”, bác chủ quán quả quyết.

Tấm biển ghi tên đường Nguyễn Thái Học còn mới đặt ngay ngắn tại ngã tư gần lối vào Trường THPT Giáp Hải. Tuyến đường được trải nhựa rộng hơn 10 m, hai bên chưa có nhà dân xây dựng. Đi dọc con đường, thỉnh thoảng tôi bắt gặp số điện thoại rao bán đất; chỗ thì viết dưới lòng đường, chỗ ghi lên vỉa hè.

- A lô! Có phải anh đang cần bán lô đất ở thôn Ba không?- Tôi bấm máy gọi.

- Đúng rồi. Lô đất này đẹp, rộng 90 m2, không vướng vào tủ điện hay hố ga, giá 930 triệu đồng- giọng người đàn ông đầu dây bên kia cất lên.

Vậy là, nếu so với lúc chốt phiên đấu giá, giá lô đất này chênh lên khoảng 60 triệu đồng, so với giá khởi điểm tăng khoảng 490 triệu đồng.

Mấy năm gần đây, nhiều diện tích đất thuộc các dự án khu dân cư mới trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan chức năng đưa ra đấu giá nhằm tăng số thu ngân sách địa phương cũng cao hơn. Tuy nhiên, số đông người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở thực sự mà chỉ để sang tay kiếm lời. Ở phiên đấu giá nào cũng có đội quân “cò đất” đến “tạo sóng”, đẩy giá lên cao rồi “lướt”. Người có nhu cầu mua đất ở thực sự rất khó trúng đấu giá. Từ đó, gây ra hệ lụy, khi người dân không có khả năng theo tiếp, “sóng trùng xuống”, nhiều lô đất không giao dịch được, nguồn vốn đọng lại dẫn đến vỡ nợ, phá sản. 

Điều này cũng đã từng xảy ra khi "bong bóng" bất động sản bị vỡ, được các chuyên gia cảnh báo vào năm 2012-2013. Việc đầu tư vào thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi mỗi người tham gia phải hết sức tỉnh táo, nắm chắc thông tin thị trường. Bất cập là phí mua hồ sơ và tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá đất khá thấp nên nhiều người “đi chợ” ôm hàng đống hồ sơ, tạo ra cơn sốt ảo về đất.

Những tia nắng cuối thu yếu ớt chạy dài trên cánh đồng thôn Ba. Lác đác vài người đi ô tô đến ngó nghiêng những số điện thoại rao bán đất, rồi vội vã đi.

Đấu giá đất ở tại xã Đức Giang, thu chênh lệch hơn 40 tỷ đồng
(BGĐT)-Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa phối hợp với Công ty TNHH đấu giá Hùng Dương tổ chức đấu giá 81 lô đất ở, tổng diện tích gần 7.000 m2 tại thôn Mồ, xã Đức Giang. Tổng giá khởi điểm gần 57 tỷ đồng.
 
Cảnh giác với bong bóng bất động sản
Giới am hiểu thị trường bất động sản gần đây dự báo: Năm 2018, bong bóng bất động sản có nguy cơ xuất hiện trở lại. Vậy nguy cơ này có xảy ra hay không?
 
Thị trường bất động sản: Nhiều phân khúc, sức mua tăng
(BGĐT) - Kinh tế phục hồi cùng những tác động tích cực từ một số tỉnh lân cận giúp thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn Bắc Giang có bước tăng trưởng khá. Nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng, nhiều dự án xây dựng khu dân cư, đô thị trên địa bàn đang đẩy nhanh tiến độ, cung cấp sản phẩm hấp dẫn.
 
Giao dịch bất động sản "nóng" trước thềm Tết Nguyên đán
Mặc dù rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất cận kề nhưng lượng giao dịch bất động sản trong tháng đầu tiên của năm 2018 lại có mức tăng trưởng khá so với cuối năm 2017. Đây là nhận định của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
 
Thị trường bất động sản năm 2018: Dự báo tiếp tục khởi sắc
(BGĐT) - Mấy năm gần đây, kinh tế phục hồi cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả nên người dân có vốn tích lũy cao. Điều này giúp cho các giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khá sôi động. Năm 2018, dự báo thị trường bất động sản tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư.
 
Thị trường bất động sản TP Bắc Giang: Nguồn cung dồi dào
(BGĐT) - Ngày 23-12, UBND TP Bắc Giang tổ chức phiên đấu giá 145 lô đất ở của khu số 1, số 2 Khu đô thị phía Nam TP. Đây là phiên đấu giá đất ở thứ bảy và cũng là phiên cuối trong năm 2017. Cùng với phiên mới đây, nhiều phiên đấu giá trước đó đều thu hút đông người tham gia cho thấy đất vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
 
 Nam Bình
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...