Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý vận tải hành khách - Kỳ 2: Hướng đến thị trường vận tải văn minh

Cập nhật: 15:39 ngày 28/09/2018
(BGĐT) - Phóng nhanh, vượt ẩu, chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí hành hung, dằn mặt, phá hoại tài sản nhằm triệt hạ đối thủ… là những hình ảnh không hiếm của nạn xe dù, bến cóc, làm mất an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự, đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản của hành khách. Vì thế, rất cần có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng trên, hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng, văn minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

Những hệ lụy

Tình trạng xe dù, bến cóc thời gian qua đã khiến ngân sách nhà nước thất thu lớn. Ông Lê Hữu Nam, Cục phó Cục thuế tỉnh xác nhận, trung bình mỗi năm, tổng số tiền thuế thu được từ các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 10 tỷ đồng. Theo tính toán của một số doanh nghiệp (DN), số lượng xe dù đang hoạt động trái phép hiện nay chiếm hơn 50% số lượng phương tiện vận tải hành khách hoạt động thực tế trên địa bàn tỉnh nhưng không thu được đồng thuế nào. 

{keywords}

Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Hiệp Hòa) kiểm tra, xử lý taxi vi phạm.

Bên cạnh đó, tình trạng này còn khiến các đơn vị được đầu tư bài bản, chấp hành quy định chịu nhiều thiệt thòi vì phải chấp hành các khoản thuế, phí liên quan; khi có vi phạm sẽ bị kiểm tra, xử lý trong khi xe dù vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quy định song không bị xử lý, gây bức xúc giữa các DN cùng kinh doanh lĩnh vực này.

Không chỉ thất thu thuế đối với Nhà nước, xung đột lợi ích còn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ va chạm, dằn mặt lẫn nhau giữa các đơn vị vận tải. Gần đây nhất, khoảng 17 giờ 25 phút, ngày 19-8, trong lúc vận chuyển khách theo tuyến cố định từ Bến xe khách Bắc Giang đi Bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội) trên cao tốc Hà Nội -Bắc Giang, xe BKS 98B-014... của Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang gặp xe BKS 98B-016... của nhà xe Năm Thủy (Yên Thế). 

Theo phản ánh của Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang, tuy không được cấp phù hiệu vận tải hành khách tuyến cố định nhưng nhà xe này vẫn bắt khách dọc đường, chạy chậm phía trước không cho xe chạy tuyến cố định vượt lên làm ách tắc giao thông. Đến địa phận xã Quang Châu (Việt Yên), các tài xế đã dừng lại trên đường để “nói chuyện”. Tại đây, nhân viên của nhà xe Năm Thủy đã hành hung, đập vỡ kính chắn gió, phá hỏng một số tài sản trên xe của Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang khiến hàng chục hành khách hoảng loạn.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Yên Dũng) đã khởi tố Nguyễn Đình Huân (SN 1980) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cùng 4 đồng phạm về tội hủy hoại tài sản. Huân vốn tham gia góp vốn với một DN vận tải có hàng chục đầu xe khách chạy tuyến cố định từ Bắc Giang đi các tỉnh lân cận. Giữa tháng 5, Huân nhờ một nhóm thanh niên ở huyện Lạng Giang bám theo xe khách tuyến Chũ (Lục Ngạn)- Gia Lâm (Hà Nội) để ném đá vào xe nhằm dằn mặt đối thủ. 

Sự việc khiến xe khách bị hư hỏng nặng, nhiều hành khách bị thương phải nhập viện điều trị. Tại cơ quan điều tra, Huân khai do xe của Công ty Huân thường bị một số người đi xe máy đánh võng ở phía trước nhằm hạn chế tốc độ, không thể đón khách. Nghi bị chủ xe cùng tuyến chơi xấu, y đã trả thù và gây ra sự việc trên. Tại Lục Ngạn và Lạng Giang cũng xảy ra nhiều trường hợp xe khách bị chặn đường, đập phá tài sản...

Không chỉ gây mất an ninh trật tự, việc các nhà xe ngang nhiên lập bến cóc trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Các xe khách, taxi dù cũng “chặt chém” khách gây bức xúc trong nhân dân. Chị Nguyễn Thị Bình, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) cho biết, gần đây, sau khi sử dụng dịch vụ taxi đến Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh thăm người thân, chị bị tài xế dọa nạt, yêu cầu đưa tiền cao hơn nhiều lần so với thực tế. Biết đã “sập bẫy” taxi dù nhưng chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho êm chuyện.

Theo ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT, nhằm quản lý tốt hơn các loại hình kinh doanh vận tải, nhất là các xe sử dụng công nghệ trong kinh doanh, Bộ GTVT đã chủ trì, lấy ý kiến các cấp, ngành, DN, người dân để sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014. Được biết, đến nay việc sửa đổi đã hoàn tất, dự kiến, nghị định mới sẽ sớm được Chính phủ ban hành.

Lập lại trật tự

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), toàn tỉnh hiện có 12 DN với 640 xe kinh doanh vận tải taxi; 15 DN, 296 xe chạy tuyến cố định; 439 đơn vị, gần 1,2 nghìn phương tiện được cấp phép xe hợp đồng. Nhằm chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc, không chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, Sở vừa ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử lý vi phạm về xe dù, bến cóc. 

Theo đó, Sở yêu cầu Phòng Quản lý vận tải, phương tiện, người lái đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, DN. Tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải về trách nhiệm, thái độ phục vụ hành khách, ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm ATGT. Nghiêm cấm các hành vi chạy quá tốc độ, vi phạm thời gian lái xe, chở quá số người, dừng đỗ, đón khách không đúng nơi quy định, đưa phương tiện không đủ điều kiện vào kinh doanh; thực hiện nghiêm quy định về truyền dẫn đầy đủ, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, để không còn tình trạng xe dù, bến cóc, Sở sẽ tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng biểu đồ chạy xe hợp lý. Đồng thời, kiên quyết yêu cầu các xe vận tải hành khách theo tuyến cố định thực hiện nghiêm biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt, trả khách tại các điểm quy định. Kiên quyết ngăn chặn DN taxi đưa xe chưa được cấp phù hiệu vào kinh doanh vận tải; yêu cầu các đơn vị không điều phương tiện do tỉnh khác cấp phù hiệu về tranh giành khách, điểm đỗ đã được phân bổ trên địa bàn tỉnh và ngược lại.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Công an tỉnh sẽ chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, công an các huyện, TP rà soát địa bàn, phân tích, nhận định rõ tình hình để xây dựng phương án đấu tranh với xe dù, bến cóc, kiên quyết lập lại trật tự, bảo đảm ATGT trên địa bàn”.

Thực tế cho thấy, điều quan trọng hiện nay là các trường hợp vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định nếu không tình trạng xe dù, bến cóc vẫn tái diễn. Muốn vậy, đơn vị chức năng, nhất là Sở GTVT và lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường phối hợp nắm tình hình hoạt động của xe dù, bến cóc, xe khách trá hình tuyến cố định, từ đó kịp thời kiểm tra, xử phạt những đối tượng cố tình vi phạm. Bên cạnh đó tăng cường giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ này, kiên quyết loại bỏ những trường hợp lợi dụng chức trách, quyền hạn để “bảo kê” cho tình trạng trên.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng hiện nay là Sở GTVT chủ động cung cấp thông tin, danh sách phương tiện được phép kinh doanh vận tải, phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu và tình trạng vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn giúp lực lượng chức năng có căn cứ phát hiện, xử lý vi phạm. Đặc biệt, người dân cần thay đổi thói quen, vì quyền lợi, an toàn cho mình cần kiên quyết tẩy chay, từ chối sử dụng dịch vụ của xe dù, bến cóc. Các DN vận tải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu vận tải uy tín, trách nhiệm, bảo đảm chất lượng dịch vụ hướng đến nền vận tải hiện đại, văn minh.

Quản lý vận tải hành khách - Kỳ 1: Xe dù, bến cóc hoạt động công khai
(BGĐT) - Xuất phát từ mục tiêu siết chặt quản lý hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách, hướng đến thị trường kinh doanh hiện đại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đã có nhiều biện pháp triển khai thực hiện song xe dù, bến cóc vẫn hoạt động công khai.
 

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...