Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khắc phục bất cập trong quản lý, khai thác chợ, trung tâm thương mại

Cập nhật: 07:00 ngày 24/09/2018
(BGĐT) - Hiện nay, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất đa dạng, phần nào đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa. Tuy vậy, ở nhiều nơi, hoạt động của các chợ, TTTM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương.
{keywords}

Ông Trần Quang Tấn.

Mạng lưới chợ, TTTM trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ. Vì vậy, hoạt động thương mại của tỉnh đã khởi sắc; hạ tầng thương mại nói chung, hệ thống chợ, TTTM nói riêng đã có bước phát triển đáng kể.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, định hướng phát triển hạ tầng thương mại, nâng cao vai trò quản lý nhà nước, năm 2009, Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy hoạch mạng lưới chợ, TTTM và siêu thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Hiện nay, sau gần 10 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 133 chợ (một chợ hạng 1, một chợ đầu mối, 20 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3); có 29 chợ được chuyển đổi do DN, HTX quản lý; 7 TTTM, 8 siêu thị, trong đó 4 siêu thị nằm trong TTTM.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý và khai thác chợ, TTTM còn những bất cập, hạn chế gì, thưa ông?

Bất cập dễ nhận thấy nhất là hệ thống chợ, TTTM phát triển tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, trung tâm thành phố, thị trấn, trung tâm xã; ở khu vực nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt, chưa có TTTM và siêu thị. Trong khi đó, hiện chưa có chính sách đồng bộ khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế theo hướng công tư kết hợp để đầu tư hoặc góp vốn đầu tư phát triển hạ tầng chợ, TTTM và siêu thị.

Kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ tuy có bước phát triển nhưng số lượng, chất lượng còn hạn chế, chưa đạt tiêu chí về chợ trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; cơ sở vật chất kỹ thuật của đa số các chợ vẫn nghèo nàn, sơ sài và còn đang trong quá trình củng cố, nâng cấp từng bước, một số chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng chợ, TTTM chưa đồng bộ với việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại nói chung, hạ tầng chợ, TTTM nói riêng tại địa phương; công tác quản lý nhà nước về chợ ở một số địa phương còn hạn chế, một số huyện chưa quan tâm đến chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Các DN, HTX, nhất là các ban quản lý, tổ quản lý chợ trên địa bàn tỉnh năng lực hạn chế; việc bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh trong chợ chưa hợp lý, khoa học, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, nhiều chợ, TTTM chưa phát huy hết vai trò, vị trí của mình.

{keywords}

Chợ Chàng, thị trấn Lục Nam có từ lâu đời, đến nay nhiều hạng mục công trình không còn phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của người dân.

Ông có thể cho biết nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng?

Trước hết do T.Ư chậm điều chỉnh các chính sách, quy định liên quan, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành thiếu chặt chẽ, nhất là công tác hậu kiểm sau cấp phép đầu tư, xây dựng.

Mặt khác, khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn, thu nhập người dân không cao, sức mua thấp nên khó thu hút đầu tư phát triển hạ tầng chợ, TTTM. Ngân sách T.Ư dành cho đầu tư phát triển lĩnh vực này còn quá ít so với các lĩnh vực khác. Trong khi kinh tế của tỉnh còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, lại phải giải quyết nhiều vấn đề bức xúc về phát triển KT-XH nên việc dành ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển chợ nói riêng, hạ tầng thương mại nói chung còn hạn chế.

Một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vai trò phát triển hạ tầng thương mại đối với sự phát triển KT-XH cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên. Các DN, HTX chưa mạnh dạn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn, chưa quan tâm đóng góp xã hội mà chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt.

Để mạng lưới chợ, TTTM hoạt động hiệu quả, theo ông cần có giải pháp gì?

Theo tôi, các bộ, ngành T.Ư cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng chợ, TTTM và siêu thị, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại; quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ đối với hệ thống chợ tại các vùng điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.

Tiếp đó là đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai thực hiện, nhất là công tác hậu kiểm sau chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng; thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Chúng ta cũng cần tạo thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại được tiếp cận các nguồn tài chính một cách bình đẳng, nhanh chóng, bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư đã được cấp phép như những DN sản xuất kinh doanh khác. Quan tâm phát triển nguồn lực, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Việt Lập, huyện Tân Yên:

Cần cơ chế thu hút đầu tư xây dựng chợ

Trên địa bàn xã Việt Lập có chợ Kim Tràng được UBND xã xây dựng từ năm 2006. Thực tế cho thấy, việc tổ chức, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Kim Tràng hiện nay còn nhiều bất cập. Hạ tầng chợ đã xuống cấp; một số hạng mục công trình như nhà cầu chợ, nhà quản lý điều hành chợ, khu vệ sinh, hệ thống cấp, thoát nước, điện… chưa được đầu tư xây dựng. Trong khi đó, nguồn ngân sách xã còn hạn hẹp, không có nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ. Vì thế, địa phương đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút DN đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ Kim Tràng, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác.

Bà Vương Thị Ngọc Mai, tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang:

Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ

Hằng ngày, tôi thường đi mua thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn TP Bắc Giang. Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm ở đây rất đa dạng, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ này. Nhiều quầy bán đồ ăn sẵn không được bảo quản cẩn thận. Tôi cũng không biết những hộ kinh doanh có sử dụng chất bảo quản hay không, nếu có thì sử dụng ở mức nào, cơ quan chức năng có thường xuyên giám sát?... Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn tại các chợ nhỏ lẻ.

Đỗ Thành Nam (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...