Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xâm lấn kênh tiêu: Trạm bơm “đói” nước

Cập nhật: 18:54 ngày 13/08/2018
(BGĐT) - Đang trong mùa mưa bão, nước đầy đồng nên nhiều trạm bơm phải hoạt động hết công suất nhằm chống úng ngập. Vậy nhưng, kênh dẫn bị xâm lấn, một số tổ máy bơm đành bất lực vì “đói” nước nguồn.
{keywords}

Công nhân Trạm bơm Cống Bún (TP Bắc Giang) vớt vật cản tại bể hút.

“Xà xẻo” lòng kênh

Đi dọc kênh tiêu Ngọ Khổng 2, đoạn qua xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào thời điểm này, chúng tôi thấy đâu đâu cũng bèo, rác, rau muống kín mặt kênh. Bà Nguyễn Thị Năm, người dân thôn Ngọ Xá chỉ tay về phía kênh dẫn nói: “Trước đây, lòng kênh rất rộng nhưng nay đã bị thu hẹp nhiều bởi các hộ ở gần kênh đổ đất, lấn dần ra. Bùn đất bồi lắng cộng với bèo tây dày đặc có khi đi lên trên đó mà chân không ngập bùn thì nước làm sao chảy nhanh về trạm bơm được”. Theo hướng chỉ của bà Năm, chúng tôi đến khu vực cửa cống đầu kênh. Dù nước phía trên ùn ứ sau trận mưa lớn vào hôm trước nhưng ở cửa cống tiếp nhận thì nước chảy lờ đờ, mực nước chênh lệch giữa hai đầu lên đến 30-40 cm.

Đáng ngại hơn là nhiều công trình xây dựng xâm lấn vào lòng kênh. Quan sát cho thấy, không ít lớp đất mới được tân, san gạt ven kênh, có chỗ được đóng cọc tre để chuẩn bị đổ đất, tân nền. Tại thôn Ngọ Khổng còn có công trình đổ móng kiên cố, tường bao quanh lên đến hàng trăm m2, gần như chắn ngang dòng chảy. Ông Ngọ Văn Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Minh cho biết: “Qua rà soát, toàn xã có hơn 30 trường hợp vi phạm phải xử lý, tập trung ở thôn Ngọ Xá, Ngọ Khổng. Trong đó, vài trường hợp còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phần lấn vào kênh”. 

Theo ông Chín, nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây, lãnh đạo một số thôn bán đất trái thẩm quyền. Trước tình trạng trên, xã đã kiên quyết xử lý, đồng thời vận động các hộ tự tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng. Trường hợp không tuân thủ quy định sẽ buộc phải cưỡng chế, thời gian dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 8.

Ngoài kênh Ngọ Khổng 2, kênh tiêu thuộc trạm bơm Cống Bún cũng ách tắc dòng chảy. Vào những ngày mưa lớn, Trạm thường xuyên cử 4 nhân viên vớt rác, bèo mỗi ngày ở bể xả. Chị Nguyễn Thị Tâm, Trưởng trạm cho biết: “Vào cuối tháng 7, lực lượng thủy nông và người dân đã dầm mình trong bùn, nước đục vớt sạch vật cản trên kênh tiêu, đoạn qua xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Vậy mà chỉ ngày hôm sau, bèo từ các nơi khác dồn về nổi kín đoạn trống trước đó, đâu lại đóng đấy”. Hệ quả là trong trận mưa lớn vào đầu tháng 8, bể hút, kênh dẫn vào trạm bơm ùn ứ rác, bèo.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), hầu hết các kênh tiêu đều bị xâm lấn do hoạt động xả rác bừa bãi, xây dựng công trình của người dân; bèo sinh sôi nhanh nhưng không được vớt thường xuyên đã cản trở dòng chảy.

Xử lý vi phạm, thường xuyên khơi thông dòng chảy

Đánh giá của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), hầu hết các kênh tiêu đều bị xâm lấn. Tình trạng người dân xả rác bừa bãi, trăm thứ đổ xuống kênh diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, bèo tây sinh sôi ngày càng nhiều lại không được vớt thường xuyên.

Các yếu tố này khiến một số thời điểm nước không được tiêu thoát kịp thời. Anh Bùi Văn Vỹ, Trạm trưởng Trạm bơm Ngọ Khổng, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Nam Sông Thương cho biết: “Trạm Ngọ Khổng 2 có 40 tổ máy. Đêm 6-8, tại địa bàn xã Châu Minh có mưa lớn cục bộ, chúng tôi vận hành toàn bộ các máy nhưng vài giờ sau chỉ còn nửa số máy hoạt động vì nước không về kịp”. Khoảng 10 ngày đầu tháng 7, mỗi ngày trạm vớt từ 4-6 m3 rác, cứ hai giờ phải vớt một lần.

Để xử lý các bất cập nêu trên, riêng kênh tiêu Ngọ Khổng 2, UBND xã Châu Minh đang tổ chức cắm mốc theo mức lòng kênh phải rộng tối thiểu 35 m. Theo cán bộ chuyên môn của ngành thủy nông, nếu xã cắm mốc kênh rộng 35 m là không hợp lý vì hiện trạng lòng kênh đang rộng hơn số đo này. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho những trường hợp vi phạm hợp thức hóa khu vực lấn chiếm và gia tăng vi phạm. 

Ngoài ra, kênh tiêu Ngọ Khổng 2 đảm nhiệm lưu vực tiêu rất lớn, nếu để lòng kênh ở phạm vi 35 m thì nước sẽ không thoát kịp thời, nguy cơ cao úng ngập kéo dài. Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất phải căn cứ vào hiện trạng từng đoạn kênh để cắm mốc, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm ở tất cả hệ thống kênh tiêu.

Đối với bèo rác trên kênh, trước mắt chính quyền địa phương huy động lực lượng nhân lực nạo vét, khơi thông dòng chảy; tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, không xả rác thải xuống kênh. Về lâu dài cần quan tâm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn như ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ cần nghiên cứu đề tài, dự án khả thi diệt bèo. Nhân rộng mô hình ủ bèo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng hoặc dùng đan thành sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Thực tế, qua bàn tay của người dân tại một số địa phương, lục bình “biến” thành hàng xuất ngoại đắt giá, cho thu nhập cao.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...