Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bắc Giang: Nhiều nạn nhân "mắc bẫy" du lịch giá rẻ, tri ân khách hàng biến tướng

Cập nhật: 18:52 ngày 09/08/2018
(BGĐT)- Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tiếp xảy ra những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo núp bóng dưới hình thức tổ chức du lịch giá rẻ, tham quan, tri ân khách hàng… Dù thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng vẫn có rất nhiều người “mắc bẫy”, mất tiền mua lấy bực dọc vào người.
{keywords}

Sau chuyến tham quan "hành xác", nhiều hội viên phụ nữ xã Quế Nham (Tân Yên) mua rất nhiều đồ dùng sinh hoạt chất lượng kém với giá cao.

Đủ mọi chiêu trò

Biết có người đến hỏi chuyện về việc bị dụ dỗ mua hàng giá cao sau chuyến du lịch “hành xác” cách đây hơn hai tuần, mấy chị em ở thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) khệ nệ mang ra nào là nồi, chảo, máy xay sinh tố, máy làm nước đậu… vẫn còn nguyên vỏ hộp với đủ loại nhãn hiệu. Theo chị Hoàng Thị Chúc, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã và Chi hội thôn thông báo về chương trình đi tham quan học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, các chị háo hức đăng ký ngay. Từ 4 giờ sáng 24-7-2018, mấy chị em hội viên phụ nữ thôn đã gọi nhau tập trung nhưng trước lúc xe ô tô chuyển bánh mới được biết đi tham quan và tri ân khách hàng ở Hải Phòng thay vì nội dung ban đầu tại Bắc Ninh. Đến Khu di tích Bạch Đằng Giang, họ cho đi xem một lát rồi về nhà hàng. Tại đây, những người tự giới thiệu là của công ty mời chị em giao lưu văn nghệ và nói chương trình được hàng chục doanh nghiệp tài trợ với số lượng hàng hóa trị giá 200 triệu đồng. "Họ nói hay lắm, nghe rất thuyết phục, ban đầu không bán mà tặng quà và quảng cáo các sản phẩm như máy xay sinh tố, bếp từ hồng ngoại, nồi cơm điện đa năng, bóng đèn tiết kiệm điện… Những người giơ tay mua đầu tiên đều được họ trả lại tiền, rồi đến khi dùng thử một loại thuốc trị nhức mỏi thì không hiểu sao, chẳng ai bảo ai đều vét sạch tiền có trong người để mua hàng. Có người không đủ tiền còn đi vay để mua cho bằng được”, chị Chúc bức xúc nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thị Công, Nguyễn Thị Chín mua hơn 2 triệu đồng, chị Dương Thị Luận mua vài món hết 650 nghìn đồng và đặt cọc 200 nghìn đồng mà giờ chưa thấy hàng đâu… Cứ nhìn thấy đống đồ mua về là các chị xót xa vì đắt gấp 3-4 lần so với cùng loại bán trên thị trường. 

“Cứ thế là chúng tôi mua hàng một cách mê muội, không để ý đến giá cả bao nhiêu, đắt hay rẻ, mua về có sử dụng được hay không. Thậm chí, có không ít chị em còn đặt cọc 200 nghìn đồng để họ chuyển hàng về nhà sau vì lúc ấy đã hết. Riêng tôi mua hết 6,5 triệu đồng. Giờ nghĩ lại thấy hối hận quá” - chị Hoàng Thị Chúc, thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên). 

Chị Nguyễn Thị Huấn, Chủ tịch Hội LHPN xã Quế Nham cho biết, khoảng giữa tháng 7-2018, một người tên là Minh của Công ty cổ phần Ứng dụng đầu tư và phát triển kỹ thuật công nghệ T.Ư có trụ sở ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) tìm gặp và đặt vấn đề tổ chức cho 250 người là hội viên phụ nữ đi tham quan Đền Đô, làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Chương trình đi cả ngày, phía Công ty sẽ tài trợ toàn bộ, kể cả tiền xe đưa đón và bữa cơm trưa. Thấy có ích cho hội viên nên Hội LHPN xã họp và xin ý kiến lãnh đạo xã, được địa phương đồng ý, thông báo đến 10 chi hội ở các thôn để chị em đăng ký tham gia. Sau đó, sự việc đúng như hội viên phản ánh. "Bản thân tôi cũng có cảm giác như bị lừa nên đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã, Hội LHPN huyện Tân Yên. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm, coi đây là bài học sâu sắc", chị Huấn cho biết thêm.

Qua điều tra tại nhiều địa phương khác, chúng tôi ghi nhận có những vụ việc tương tự, ví như ngày 13-7, ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), hàng trăm cán bộ, hội viên phụ nữ bị Công ty TNHH Thương mại quốc tế Minh Trí có trụ sở tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) “cài bẫy” bằng cách gửi thư mời tham dự chương trình tri ân khách hàng, tham quan du lịch thành phố xanh Ecopark, làng cổ Bát Tràng, chợ gốm và trải nghiệm công nghệ sản xuất gốm sứ... hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, theo lời kể của nhiều người tham dự, phần lớn thời gian của chương trình là dành cho nhân viên công ty giới thiệu các sản phẩm điện tử, hàng gia dụng và một số đồ dùng sinh hoạt khác. Bà P.T.T.B ở phố Thống Nhất, bà N.T.T ở phố Gia Lâm (thị trấn Bố Hạ), những người trực tiếp tham gia chuyến đi nhớ lại, trước khi đi, mỗi người mang bình quân 2-3 triệu đồng. Không hiểu sao, nghe giới thiệu xong, hầu như ai cũng mua hết tiền, số hàng mua về không dùng được.  

Cần có biện pháp chấn chỉnh

{keywords}

Nhiều người mua hàng sau chuyến du lịch 0 đồng hoặc tham quan, tri ân khách hàng mà không thể sử dụng được

Trong quá trình thu thập thông tin, chúng tôi được biết, nhân viên Công ty cổ phần Ứng dụng đầu tư và phát triển kỹ thuật công nghệ T.Ư đã xâm nhập, liên hệ với nhiều đoàn thể ở các xã, thị trấn của huyện Tân Yên để tổ chức những chương trình tương tự như với xã Quế Nham. Hoặc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Minh Trí không chỉ “mồi chài” ở huyện Yên Thế mà còn “vươn vòi” sang huyện Hiệp Hòa với thủ đoạn không khác là bao. Thậm chí, có cựu chiến binh ở xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) phản ánh, nhiều người mua hết 6-7 triệu đồng, khi một số thành viên đoàn đi không mua hàng, những nhân viên đó lập tức “trở mặt” đe dọa, không cho ăn cơm trưa, không bố trí xe đưa về. Ở huyện Sơn Động, có Công ty cổ phần SG Thiên Long (Hải Phòng) cũng tiếp cận với Hội Cựu chiến binh huyện để tổ chức những chuyến đi tri ân, tài trợ 100% kinh phí. Đáng chú ý là Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Động còn có công văn do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thành ký, trong đó nêu rõ: “Tham quan Công ty, tìm hiểu trải nghiệm mô hình các sản phẩm thông minh cao cấp của Tập đoàn thanh niên VN và Học viện Nông nghiệp 1” và gửi đến tất cả các hội cựu chiến binh xã, thị trấn để hội viên đăng ký tham gia.

Trước tình trạng trên, người dân cần nêu cao cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nhằm trục lợi. Về phía chính quyền các địa phương, đặc biệt là các đoàn thể như hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân… tăng cường tuyên truyền để nhân dân, hội viên có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về hoạt động này. 

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: "Chúng tôi sẽ có cảnh báo về những chiêu trò trên đến các cấp hội. Trong đó lưu ý, trước khi triển khai bất cứ chương trình nào lãnh đạo các đơn vị cũng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp, nếu chủ quan có thể “vô tình tiếp tay”, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu dẫn dụ người dân". 

Trước thực trạng trên, kiến nghị ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với cơ quan công an các địa phương siết chặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, rà soát những công ty, doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động biến tướng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua để có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kiên quyết, triệt để, bảo đảm quyền lợi của người dân, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Phương Hà

Cẩn trọng khi mua hàng tại Korea Shopping ở Lục Ngạn
(BGĐT) - Thay vì mua tại các cửa hàng thuốc, đại lý chính thức của nhãn hàng, nhiều người tin vào lời quảng cáo của nhân viên bán hàng lưu động và bỏ số tiền cao gấp nhiều lần để mua hàng. Tình trạng trên đang diễn ra tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) nhiều ngày nay, gây bức xúc trong nhân dân.
 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...