Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sắp xếp, bố trí cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở: Bảo đảm vị trí việc làm phù hợp

Cập nhật: 07:00 ngày 04/08/2018
(BGĐT) - Trước đòi hỏi từ thực tiễn, tỉnh Bắc Giang tổ chức sắp xếp đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả, tinh gọn bộ máy đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
{keywords}

Cán bộ khuyến nông xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (phải) hướng dẫn nông dân phát hiện sâu bệnh trên cây dứa.

Hiện toàn tỉnh có hơn 450 cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở, trong đó có 7 trường hợp là hợp đồng ngắn hạn sẽ thuộc diện chấm dứt hợp đồng, còn lại là hợp đồng không thời hạn sẽ bố trí sắp xếp sang các vị trí mới theo quy định. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về nội dung này, các huyện, TP đã nghiêm túc triển khai; tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã trong năm 2018 để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ khuyến nông và cán bộ thú y cơ sở đến hết năm 2020. 

Việc bố trí được triển khai theo hướng rà soát, sắp xếp và ưu tiên bố trí cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã bảo đảm tiêu chuẩn, có chuyên môn phù hợp vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện còn thiếu biên chế. Tuyển dụng vào làm công chức cấp xã ở các chức danh còn thiếu và có chuyên môn phù hợp. Bố trí đảm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã.

Tìm hiểu tại huyện Lục Nam được biết, toàn huyện hiện có 54 cán bộ khuyến nông, thú y. Xác định việc bảo đảm quyền lợi cũng như xây dựng đội ngũ chất lượng, phù hợp đáp ứng nhu cầu công việc là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát. Trên cơ sở biên chế được giao, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ khuyến nông, thú y khi có cán bộ, công chức nghỉ hưu, chuyển công tác. 

Ông Đặng Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: “Đến nay, khâu rà soát, xây dựng kế hoạch đã hoàn tất. Theo lộ trình, huyện sẽ sắp xếp xong vào năm 2020. Chúng tôi chú trọng giải pháp gặp gỡ trực tiếp những đối tượng liên quan, truyền đạt rõ chủ trương, chính sách về việc bố trí cán bộ, công chức. Đồng thời quan tâm đến những cá nhân gắn bó lâu năm với nghề, người cao tuổi nhằm giải quyết hợp lý, không để họ bị thiệt thòi”. Nhờ vậy, các hoạt động trong công tác khuyến nông, thú y của huyện vẫn ổn định, không có sự xáo trộn. 

Anh Nguyễn Văn Tá, cán bộ khuyến nông xã Đông Phú chia sẻ, vào nghề đến nay được hơn 14 năm, gắn bó mật thiết với nông dân nên ban đầu khi nghe về chủ trương tinh gọn lại lực lượng này anh cũng cảm thấy hụt hẫng. Được sự động viên, quan tâm của cấp huyện, xã nên giờ đây anh yên tâm công tác, tin tưởng vào sự sắp xếp của tổ chức.

Dự kiến dịch vụ công sử dụng ngân sách thuộc các lĩnh vực như: Hoạt động thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi; bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, sự nghiệp khác.

Mong muốn chung của các cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở là có được công việc phù hợp với chuyên môn hoặc tạo điều kiện cho họ tiếp tục học thêm chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp. Nắm được thực tế này, huyện Lạng Giang xây dựng lộ trình sắp xếp, bố trí 46 cán bộ, khuyến nông cơ sở theo tinh thần công khai, minh bạch, đúng lộ trình. Trong năm 2018 bố trí 22 người; năm 2019 bố trí khoảng 10 người và số còn lại bố trí trong năm 2020.

Cùng với sự sắp xếp của các địa phương, ngành chức năng cũng đồng hành trong việc triển khai chủ trương sắp xếp lại đội ngũ. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, sau khi sắp xếp, hoạt động về khuyến nông, thú y có sự thay đổi. Theo đó, sẽ sáp nhập các trạm thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tại từng huyện thành một đơn vị. Các xã, phường, thị trấn, phòng nông nghiệp thuộc huyện, TP xây dựng lại vị trí việc làm, vai trò, chức năng. 

Do vậy, Sở đang lập danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Nội dung này sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ theo ngành dọc, chuyên môn ở từng bộ phận. Dự kiến dịch vụ công sử dụng ngân sách thuộc các lĩnh vực như: Hoạt động thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi; bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, sự nghiệp khác. “Việc sắp xếp, bố trí cán bộ khuyến nông, thú y lần này mang tính đột phá, thay đổi tư duy của người dân, không thể bất cứ việc gì Nhà nước cũng bao cấp được, nhất là công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ đàn vật nuôi, cây trồng mà phải tiến tới xã hội hóa. Có như vậy mới khơi dậy sự chủ động của nông dân, tăng hiệu quả sản xuất”.

Khánh Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...