Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Sơn: Bám địa bàn, giữ rừng luôn xanh

Cập nhật: 07:39 ngày 27/07/2018
(BGĐT) - Xã Lục Sơn, Lục Nam (Bắc Giang) có gần 8,5 nghìn ha đất lâm nghiệp. Trong đó, hơn 2,4 nghìn ha rừng đặc dụng, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Toàn bộ diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo nguồn sinh thủy dồi dào, môi trường trong lành hiếm nơi nào có được. 
{keywords}

Các thành viên tổ bảo vệ của xã Lục Sơn cùng cán bộ Trạm Kiểm lâm Nước Vàng phối hợp tuần tra rừng tự nhiên.

Chung tay bảo vệ "lá phổi xanh"

Xã Lục Sơn có 17 thôn, giao thông đi lại không thuận lợi, chính vì thế, để bảo vệ rừng, chính quyền xã luôn xác định cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Ông Dương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết, ngoài tích cực tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hằng năm, xã chú trọng củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Hiện 17/17 thôn đều thành lập tổ bảo vệ, mỗi tổ 5 người. Riêng xã có một tổ bảo vệ với 14 thành viên, phối hợp trực tiếp với Trạm Kiểm lâm Nước Vàng (thuộc Ban Quản lý Tây Yên Tử) bảo vệ rừng đặc dụng. Từ đó, các thành viên duy trì tổ chức tuần tra, ít nhất mỗi tuần hai lần, tùy theo tình hình. Kịp thời phát hiện các vi phạm, cảnh báo những điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Trao đổi với ông Đỗ Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nước Vàng được biết, ngoài hướng dẫn người dân PCCR, vào mùa khô hanh, cán bộ của Trạm còn giúp bà con làm đường băng cản lửa tại khu rừng trồng. Với sự sát sao của lực lượng chức năng, chính quyền sở tại, bà con luôn tuân thủ quy ước về bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá, khai thác lâm sản trái phép. Nhiều năm qua, rừng của Lục Sơn, đặc biệt là diện tích rừng đặc dụng thuộc địa bàn được giữ vững. 

Cùng đội tuần rừng do ông Đỗ Văn Mạnh dẫn đầu vào khu Ba Đắc, sườn Tây núi Phật Sơn, băng qua những cánh rừng keo gần 10 năm tuổi đang lên thẳng tắp của Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn là những vạt rừng lim xanh (giống cây bản địa) trùng điệp. Nhiều cây có đường kính từ 20 đến 30 cm, đó là minh chứng của sự phục hồi rừng tự nhiên sau nhiều năm bị tàn phá do “mở cửa rừng”.

Tận dụng nguồn lợi từ rừng

Rừng được giữ vững nên suối Nước Vàng (cách trung tâm xã chừng 7 km) quanh năm đầy nước. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, được tỉnh công nhận là danh lam thắng cảnh và khoanh vùng bảo vệ.

Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên Lục Sơn có nguồn sinh thủy dồi dào, tạo nguồn nước tự nhiên trong mát. Vì thế, suối Nước Vàng dưới chân núi Phật Sơn-Yên Tử quanh năm chảy róc rách, trong lành. Từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn con suối này có hơn chục thác nước lớn nhỏ như: Thác Anh Vũ, thác Mây, thác Giót, thác Nước Vàng...  

Dưới mỗi thác là những thung nước, được ví như những "bồn tắm thiên nhiên". Vẻ đẹp thiên tạo ấy thu hút hàng nghìn lượt du khách đến đây mỗi năm. Tận dụng lợi thế này, chính quyền địa phương đã thành lập một tổ bảo vệ và đội thanh niên tình nguyện, vừa bảo vệ rừng, vừa bảo đảm an ninh cho khách du lịch. Tới đây, xã chuẩn bị cứng hóa tuyến đường liên thôn dài hơn 4 km nối đến cửa rừng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan.

Để rừng luôn xanh, diện tích rừng đặc dụng, tự nhiên được giao khoán cho các hộ bảo vệ với số tiền 300 nghìn đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu không nhỏ cho người dân ở xã đặc biệt khó khăn này. Theo ông Hoàng Ngọc Dần, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Vành 2, hiện các hộ trong thôn được nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 1,1 nghìn ha rừng đặc dụng với kinh phí hơn 420 triệu đồng/năm. 

Thực hiện “Dự án vùng đệm Tây Yên Tử” của tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020, mỗi năm thôn Đồng Vành 2 còn được hỗ trợ 40 triệu đồng để cải tạo đường nội đồng. Năm 2017 thôn được Ban Quản lý Tây Yên Tử hỗ trợ xây dựng một cây cầu trụ bê tông, mặt lát gỗ bắc qua suối để người dân lưu thông dễ dàng hơn.

Rừng nguyên sinh cộng với danh lam thắng cảnh suối nước trong lành rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái tại Lục Sơn. Tuy nhiên, hạ tầng ở đây còn nghèo nàn. Đường vào khu danh thắng hiểm trở, chủ yếu là dân “phượt” sử dụng phương tiện mô tô đến vãn cảnh. Do vậy, rất cần có quy hoạch tổng thể, thu hút nhà đầu tư "đánh thức" tiềm năng du lịch nơi đây.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...