Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết sản xuất mỳ Chũ theo chuỗi: Khó, vì sao?

Cập nhật: 17:29 ngày 25/07/2018
(BGĐT) - Với gần 1 nghìn hộ làm nghề, đến nay huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 20 hợp tác xã (HTX) cùng phát triển thương hiệu mỳ Chũ. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gặp nhiều trở ngại.
{keywords}

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại HTX Hiền Phước.

"Sợ" ký hợp đồng

Từ năm 2015 đến nay, HTX Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước (HTX Hiền Phước), thôn Thủ Dương, xã Nam Dương thường xuyên liên kết với 40 hộ dân trong thôn sản xuất, tiêu thụ từ 20-30 tấn mỳ Chũ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là bếp ăn tập thể tại các trường học và một số cửa hàng, đại lý trong, ngoài tỉnh. 

Chị Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX chia sẻ, đơn vị luôn nhiệt tình tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh và T.Ư tổ chức. Sản phẩm của HTX được nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối biết đến, đàm phán hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, khi soạn thảo hợp đồng các đơn vị đều yêu cầu phải cam kết sản lượng cung cấp theo định kỳ, vi phạm sẽ bị phạt tiền. 

Theo bà Hiền, cái khó của HTX là sản lượng làm ra không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những ngày mưa kéo dài sẽ không thể phơi mỳ. Hay khi nhà có việc, thời điểm thu hoạch cây ăn quả, người dân lại ngừng sản xuất. Nghịch lý là, thời tiết mưa rét, mỳ tiêu thụ mạnh nhưng không thể làm mỳ bán. Lúc nắng nóng sản xuất thuận lợi hơn thì sức tiêu thụ chậm khiến các hộ không dám mở rộng quy mô, HTX đành từ chối ký kết các hợp đồng.

Tương tự, HTX Mỳ Chũ Bắc Giang Tùng Chi (HTX Tùng Chi), thôn Nam Sơn, xã Nam Dương sản xuất khoảng 1 nghìn tấn mỳ/năm cũng chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay hầu hết diện tích đất lúa trên địa bàn đã chuyển đổi sang trồng cam, bưởi, vải thiều nên lượng gạo cung cấp cho sản xuất mỳ tại chỗ rất hạn chế. Nếu mua gạo tập trung để cấp cho 180 thành viên của HTX cùng sản xuất thì đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, quá sức của HTX. Do vậy, các hộ vẫn tự mua nguyên liệu đầu vào dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Đây cũng là tình trạng chung của làng nghề và các HTX, hộ sản xuất mỳ Chũ hiện nay.

Thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 20 HTX với khoảng 1 nghìn hộ làm mỳ, riêng xã Nam Dương có 14 HTX. Thương hiệu mỳ Chũ cũng trở nên quen thuộc với thị trường. Tuy vậy, đến nay sản phẩm nổi tiếng này vẫn chưa thể vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn, hiện đại và xuất khẩu chính ngạch.

Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ

Nhằm phát triển thương hiệu, giúp mỳ Chũ ngày càng vươn xa, hiện nay, Sở Công Thương đang hỗ trợ các HTX Hiền Phước, Tùng Chi và HTX mỳ Chũ Xuân Trường, xã Nam Dương (Lục Ngạn) xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Một số lãnh đạo HTX, người dân làm mỳ cho rằng, nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất mỳ chủ yếu vẫn duy trì theo phương pháp thủ công. Việc áp dụng phương tiện cơ giới vào sản xuất còn hạn chế, chưa khắc phục được tình trạng sản xuất phụ thuộc vào thời tiết. Các HTX, hộ dân chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có hộ tự nghiên cứu quy trình sản xuất, đóng gói, tiêu thụ, tạo sản phẩm riêng để tạo sự khác biệt. 

“Nhiều thời điểm chưa đủ lượng hàng giao cho khách nhưng chúng tôi cũng không thể liên kết, nhập hàng của HTX khác vì tiêu chuẩn chất lượng của mỗi đơn vị khác nhau, sản phẩm không đồng đều”-lãnh đạo một HTX trên địa bàn cho biết. Đa phần các HTX hiện nay chỉ có quy mô hộ gia đình, tiềm lực tài chính không lớn, thiếu vốn đầu tư, chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài, bài bản. Vai trò của Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ chưa được phát huy, nhất là việc gắn kết các tổ chức và hộ làm nghề trên địa bàn.

Được biết, nhằm khắc phục điều kiện bất lợi của thời tiết, một số HTX đã lắp đặt lò sấy sản phẩm. Đơn cử, HTX Tùng Chi vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng lò sấy mỳ bằng phương pháp tản nhiệt. Thế nhưng công suất mới chỉ đạt ở mức vài tạ/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để sản phẩm làng nghề tiếp tục vươn xa, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các HTX cần đổi mới tư duy, nhận thức; tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, bổ trợ cho nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đầu tư các lò sấy mỳ quy mô lớn. Xây dựng nhà kho đạt chuẩn giúp bảo quản sản phẩm, khắc phục tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết như cách làm hiện nay.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...