Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nắng nóng kéo dài tác động tiêu cực đến vật nuôi

Cập nhật: 18:42 ngày 06/07/2018
(BGĐT)-Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thời tiết nắng nóng kéo dài, có thời điểm trong ngày nhiệt độ lên tới 41 độ C, gây bất lợi đối với sự sinh trưởng của đàn vật nuôi.
{keywords}

Đàn dê của gia đình ông Đỗ Văn Vinh, xã Tam Hiệp (Yên Thế) ăn kém, gầy gò do nắng.

Ông Đỗ Văn Vinh, thôn Đồng Mười, xã Tam Hiệp (Yên Thế) cho biết, do nắng nóng nên đàn dê gần 100 con của gia đình ông đã có hơn 50 con bị bệnh đậu dê. Bệnh lây lan nhanh, nhiều con đã chết, gia đình phải bán tháo số còn lại để giảm bớt thiệt hại. Theo thông tin từ Chi cục chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), tại huyện Việt Yên có 2 con trâu bị chết do bệnh tụ huyết trùng và nắng nóng. Địa phương đã kịp khoanh vùng, không để bệnh lây lan.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Thoảng, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung  liên tục bơm nước làm mát và vệ sinh chuồng cho đàn lợn hậu bị của gia đình. 

Để bảo vệ đàn vật nuôi, người chăn nuôi một số địa bàn trong tỉnh có biện pháp chống nóng. Xã Liên Chung (Tân Yên) có 20 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1 nghìn con, tập trung tại các thôn Lãn Tranh, Hậu, Bến và Liên Bộ. Ngoài ra còn hàng chục hộ nuôi nhỏ lẻ với quy mô từ vài chục đến 100 con. Bà Nguyễn Thị Khánh, thôn Lãn Tranh cho hay, trong những ngày nắng nóng, hệ thống quạt thông gió và phun mưa làm mát cho lợn hoạt động suốt ngày đêm. Gia đình bà có máy phát điện đề phòng mất điện. Những tháng nắng nóng, gia đình bà tốn thêm gần 2 triệu tiền điện mỗi tháng cho việc chống nóng cho lợn. Cá biệt có gia đình ông Nguyễn Đức Đăng, thôn Lãn Tranh còn lắp cả điều hòa làm mát cho hơn 100 con lợn nái. Ông Dương Minh Hiểu, Phó chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, do các hộ chăn nuôi đã cố gắng khắc phục thời tiết nắng nóng nên trên địa bàn không xuất hiện dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Văn Binh, thôn Mạc 2, xã Phồn Xương (Yên Thế) cho hay, gia đình ông đang nuôi 300 con ngan thương phẩm và mới vào đàn hơn 400 gà đồi. Khắc phục dịch bệnh cho gà trong mùa nắng nóng, gia đình ông thường xuyên pha thuốc điện giải vào nước cho gà uống nhằm tăng sức đề kháng. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm quạt cây công suất lớn để làm mát cho đàn gà. “Tuy có tốn kém nhưng bù lại đàn gia cầm sẽ không bị bệnh và sinh trưởng tốt”-ông Binh nói. 

Ông Lương Đức Kiên, Phó chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trước tình hình trên, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đơn vị đã yêu cầu các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, TP thực hiện tốt việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng cho đàn vật nuôi. Theo đó, che chắn nắng làm thoáng mát chuồng trại; giảm mật độ và giãn thời gian các lứa nuôi; chủ động nguồn điện cho các chuồng nuôi kín. Phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và khu vực xung quanh. Thu gom phân, rác, chất thải và xử lý bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chăn thả và bắt gia súc làm việc trong những ngày nắng nóng, nhất là vào  khoảng thời gian từ 10 giờ đến 17 giờ trong ngày. Tăng cường dự trữ thức ăn; khẩu phần ăn hợp lý. Tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho vật nuôi chưa được tiêm phòng và đã tiêm nhưng hết thời gian miễn dịch. 

Đại La


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...