Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Qua 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD

Cập nhật: 17:09 ngày 04/07/2018
Thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2018, trong đó đóng góp chính vẫn ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
{keywords}

Sau 6 tháng, xuất khẩu gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch đạt trị giá 1,84 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 6-2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm đa số với những mặt hàng chính là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại...

Trong khi đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Sau 6 tháng, nhóm nông sản, thủy sản đã đem về khoảng 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. 

Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD, thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Ngoài ra, hạt điều hạt điều ước tăng 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch đạt trị giá 1,84 tỷ USD.

Nói về mặt hàng gạo, theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Nhờ vậy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. 

Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Đây chính là lý do khiến ngành lúa gạo có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong những tháng đầu năm.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.

Trong đó, châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 15,6%), Hàn Quốc (chiếm 20,2%, giảm 0,8%), ASEAN (chiếm 13,7%, tăng 11,8%), Nhật Bản (chiếm 8%, tăng 12,2%)…

Như vậy, trong nửa đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực FDI kể cả dầu thô xuất siêu 15,7 tỷ USD, ngược lại khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu ước đạt 12,9 tỷ USD.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...