Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động di dời đến nơi an toàn

Cập nhật: 19:45 ngày 27/06/2018
(BGĐT) - Mưa lớn mấy ngày qua khiến lũ trên sông, suối tại địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) dâng cao. Hàng loạt ngầm, tràn ngập sâu trong nước, chia cắt giao thông trong nhiều giờ. Lũ đã gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Nhiều tài sản trôi theo lũ

Từ ngày 25 đến 27-6, tại huyện Sơn Động có mưa rất to. Lượng mưa đo được hơn 200 mm làm nhiều ngầm qua suối bị ngập sâu. Ngầm qua suối Tho, thôn Thượng, xã Long Sơn bị ngập 2 m, chia cắt địa bàn. Phải đến chiều 27-6, nước rút, chúng tôi mới tiếp cận được gia đình anh Hoàng Văn Nam, hộ bị lũ cuốn trôi 20 con lợn, 200 con tắc kè giống. Chưa hết bàng hoàng, anh Nam kể, lúc 8 giờ sáng, suối vẫn cạn. Vậy mà khoảng 9 giờ, chẳng biết nước từ đâu dồn về, dòng chảy nổi cuồn cuộn rồi dâng cao. Chỉ trong vài phút toàn bộ tài sản của gia đình anh trôi theo dòng lũ. Bất lực, anh không thể làm gì hơn ngoài bế đứa con nhỏ chạy thoát thân. Quan sát khu chăn nuôi của anh Nam, chúng tôi không khỏi xót xa. Chuồng nuôi lợn trống trơn, chỉ sót lại một con lợn nái; đất cát, cành cây dày đặc ở nền chuồng. Ô nhốt tắc kè chỉ còn lại khung sắt cong vênh vương lẫn rác.

Được biết, với mỗi con tắc kè có giá 350 nghìn đồng và bình quân khoảng 1 triệu đồng/con lợn, gia đình anh Nam thiệt hại hơn 100 triệu đồng. “Năm ngoái nuôi lợn lỗ nặng, năm nay bắt đầu có lãi, tôi hy vọng gỡ lại chút vốn thì lợn trôi sạch, chẳng còn gì. Bây giờ thì trắng tay”-anh Nam bộc bạch.

Cùng thôn còn có hộ anh Hoàng Văn Thủy, Ngọc Văn Hưng bị nước cuốn trôi hàng chục con gà. Những thửa ruộng lúa, hoa màu đổ rạp; vườn keo lai bật gốc khi lũ đi qua. Bà Ngọc Thị Bích chia sẻ: “Năm nay hơn 60 tuổi, đây là lần thứ hai tôi chứng kiến lũ ở suối lên nhanh như vậy. Vừa gieo xong mạ để cấy 8 sào lúa, gặp mưa lớn khiến thóc chả còn hạt nào ở ruộng, tôi đang phải mua giống để gieo lại”. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, chưa có đánh giá chính xác song bước đầu toàn xã có 6 nhà dân bị ngập, tập trung ở thôn Hạ, Thượng; sạt lở đất đá ở các tuyến đường hàng trăm m3; nhiều diện tích cây trồng bị vùi lấp; hư hỏng một số đường ống dẫn nước sạch. Tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương đang huy động lực lượng hỗ trợ bà con thu dọn đồ đạc, bùn đất.

Theo sát thời tiết, chủ động di dời

Mưa lũ đã làm ngập hơn 20 ha lúa, hoa màu; 6 nhà dân tại xã Long Sơn; gãy cột điện đường dây 35 kV Lục Ngạn - Sơn Động làm mất điện toàn huyện Sơn Động; 15 thôn của các xã Tuấn Đạo, An Lạc, Lệ Viễn, An Bá bị chia cắt.

Ngoài xã Long Sơn, tại địa bàn huyện còn có một số xã xuất hiện sự cố. Xã Yên Định sạt lở ta luy đường thôn. Gãy cột điện đường dây 35 kV Lục Ngạn - Sơn Động làm mất điện toàn huyện Sơn Động. Ngập hơn 20 ha lúa, tập trung tại xã Tuấn Đạo, An Lạc, Sơn Động. Đến 19 giờ ngày 27-6, nước đã rút bớt song một số ngầm vẫn bị ngập sâu, còn rất nhiều thôn, xóm ở các xã An Lạc, Tuấn Đạo, Lệ Viễn bị chia cắt. Ví như thôn Tu Lim, Thanh Trà, Thia (xã Lệ Viễn); thôn An Bá, Đồng Dầu, Đồng Tàn (xã An Bá); thôn Tuấn Sơn, Trại Mới, Đá Bờ (xã Tuấn Đạo). Ông Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: “Dù mưa đã ngớt nhưng nước từ thượng nguồn vẫn đổ về nên nước sông, suối lên cao. Hầu hết các ngầm đều ngập trong nước từ 1-2 m. Vì vậy, 8/12 thôn của xã vẫn bị chia cắt”. Trước tình hình trên, các xã đều có biển cắm cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân biết, đề phòng bất trắc. Một số thôn mở cửa nhà văn hóa để bà con có thóc hong phơi, hạn chế hạt nảy mầm.

Ngay khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Sơn Động đã kiểm tra thực địa, chỉ đạo các xã ứng trực thường xuyên. Ngoài thăm hỏi những hộ bị thiệt hại, lực lượng chức năng rà soát, tuyên truyền, vận động hộ dân trong vùng nguy hiểm di dời. Hiện gia đình ông Ngô Văn Quyến, thôn Rỏn, xã Thanh Luận có nhà ở ven suối đã chuyển đến vị trí cao hơn nhằm tránh lũ. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện thông tin: “Một số hộ tại thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo ở khu vực dễ sạt lở đất nhưng nhất định không chuyển đến nơi an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động họ”. Theo bà Ninh, Phòng đang tổng hợp danh sách hộ bị thiệt hại, trên cơ sở đó đề xuất phương án hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Kiểm tra tình hình mưa lũ tại địa bàn, ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông báo kịp thời cho các xã có người dân ở khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động di dời; bám sát vị trí trọng điểm, bờ sông, bờ suối có phương án bảo đảm an toàn. Nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Trong trường hợp cần thiết có thể cưỡng chế di dời, hạn chế tình huống đáng tiếc xảy ra. Tập trung thu hoạch lúa, màu đến kỳ, tránh ngập úng. Rà soát, bảo đảm an toàn hồ, đập nhất là công trình đã đạt dung tích thiết kế.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang, những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, có nơi mưa rất to. Vì vậy, các cấp, ngành cần sát sao và chủ động triển khai phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Một số hình ảnh về mưa lũ ở Sơn Động

{keywords}
Đến 19 giờ ngày 27-6, ngầm qua thôn An Bá, xã An Bá bị ngập sâu.
{keywords}
Cột điện đường dây 35 kV Lục Ngạn - Sơn Động tại xã An Châu bị gãy, mất điện toàn huyện Sơn Động.
{keywords}
Anh Hoàng Văn Nam, thôn Thượng, xã Long Sơn dọn chuồng chăn nuôi sau lũ đi qua.
{keywords}
Người dân thôn Thượng, xã Long Sơn tìm kiếm vật dụng sót lại sau khi lũ rút.
{keywords}
Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Thượng, xã Long Sơn vớt được chiếc máy cày của gia đình bị dòng lũ cuốn trôi. 
{keywords}
Đường ống dẫn nước sạch bị hỏng do lũ. 

{keywords}
Nhiều diện tích lúa xuân bị đổ rạp.
Trịnh Lan-Văn Thương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...