Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Loay hoay khai thác, vận hành lò đốt rác

Cập nhật: 13:57 ngày 25/06/2018
(BGĐT) - Bằng nguồn vốn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ lắp đặt 23 lò đốt rác tại 22 xã, thị trấn trong tỉnh. Sau vận hành, hiện có hơn 50% số lò chưa đạt công suất thiết kế. Làm gì để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn vốn của Nhà nước vẫn là “bài toán” khó.

{keywords}

Lượng rác được đưa về bãi chưa đáp ứng đủ công suất của lò đốt ở xã Mỹ Thái 

(Lạng Giang).

Đìu hiu lò đốt rác

Khu xử lý rác thải của xã An Thượng (Yên Thế) rộng hơn 3 nghìn m2 nằm im lìm giữa cánh rừng keo thôn Hồng Lĩnh. Khi chúng tôi đến, cổng khu này khép hờ, không khóa. Trên sân có khoảng vài chục bao rác thải sinh hoạt hong dưới mái tôn. Cửa lò đốt rác ám một chút khói bụi, không người vận hành. 

Ông Bùi Xuân Cung, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: Xã được đầu tư cơ bản đồng bộ từ xe ô tô vận chuyển đến các trang thiết bị lò đốt rác và hệ thống bể lắng xử lý khói bụi… Lò đốt được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2016, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ hoạt động từ 1-2 lần/tháng, khối lượng rác được xử lý khoảng 1,5 tấn/đợt đốt.

Cũng giống với xã An Thượng, lò đốt rác của xã Mỹ Thái (Lạng Giang) được lắp đặt từ tháng 3-2017; trung tuần tháng 6 vừa qua mới lắp xong hệ thống cung cấp điện để lò hoạt động ổn định. Sau khi vận hành thử thành công, UBND xã bàn giao lại toàn bộ công việc từ thu gom, vận chuyển đến vận hành lò đốt cho Hợp tác Xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thái. 

"Do địa bàn rộng, đội ngũ thu gom rác mỏng, phương tiện vận chuyển ít nên toàn xã chỉ thu gom được khoảng 3m3/ngày, tương đương 1,5 tấn, trong khi lượng rác tồn đọng chưa được thu gom khá lớn. Với công suất 300kg/giờ thì lượng rác thu được sau khi phơi khô không đáp ứng đủ so với công suất của lò", ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái nói.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang, toàn tỉnh có 23 lò đốt rác được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, 12 lò vận hành chưa hiệu quả. Huyện Lạng Giang được hỗ trợ lắp đặt 4 lò, nhiều nhất tỉnh song chỉ có lò đốt rác của thị trấn Vôi hoạt động tốt. Ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến đa phần các lò đốt rác chưa phát huy hiệu quả là do địa bàn nông thôn rộng, dân cư thưa thớt lại cần nhiều nhân công thu gom vận chuyển rác. Huyện đã triển khai thu phí bảo vệ môi trường theo quy định nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ các hộ không nộp phí vẫn còn chiếm khoảng 20%, dẫn đến các tổ, HTX thu gom rác trên địa bàn khó cân đối chi trả lương và mua sắm phương tiện chuyên dùng.

Khắc phục bất cập

Tổng kinh phí hỗ trợ lắp đặt lò đốt rác cho các địa phương theo chương trình NT­­­­­­­­M gần 43 tỷ đồng. Các địa phương có lò đốt rác vận hành chưa hiệu quả là: Việt Lập, Ngọc Lý (Tân Yên); Đoan Bái, Châu Minh (Hiệp Hòa); An Thượng (Yên Thế); Đại Lâm, Tân Thịnh, Mỹ Thái (Lạng Giang); Lãng Sơn (Yên Dũng); Ninh Sơn (Việt Yên); thị trấn Lục Nam (Lục Nam) và một lò bị hỏng của thị trấn Tân Dân (Yên Dũng).

Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là công việc đặc thù, độc hại nên khó thuê nhân công với mức lương thấp. Xã Mỹ Thái là một ví dụ, sau gần nửa năm vận hành thử nghiệm, đến nay mới có người tình nguyện vận hành lò đốt và trông nom khu xử lý rác thải của xã. Ông Hà Đức Nguyên, thôn Cầu Ngoài, xã Mỹ Thái chia sẻ: “Với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng thì không bằng nửa số tiền công đi phụ hồ. Vợ chồng tôi nhận làm việc này là do quá bức xúc vì môi trường đang bị ô nhiễm”. 

Đây cũng là thực trạng mà xã An Thượng và nhiều địa phương trong tỉnh phải đối mặt. Hiện tại việc quản lý, vận hành lò đốt rác của xã An Thượng vẫn chưa có người đảm nhiệm. Xã phải huy động cán bộ làm thay mỗi khi lò đốt hoạt động (!?)

Một điểm đáng lưu ý khác nữa, các lò đốt này được thiết kế đơn giản, không có băng tải, khâu đưa rác vào lò chủ yếu vẫn dùng sức người nên khá vất vả. Khi vận hành mỗi lò cần có từ 3 đến 5 người nhưng hiện mỗi lò chỉ có từ 1 đến 3 người. Vì vậy không bảo đảm duy trì lò đốt liên tục, hiệu suất thấp.

Lò đốt rác ở một số địa phương hoạt động kém hiệu quả không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo vệ môi trường. Để phát huy hiệu quả của lò đốt rác đòi hỏi các địa phương cần tìm ra một mô hình quản lý, vận hành phù hợp. Trước mắt, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh nên tập trung hỗ trợ lò đốt rác cho các xã, thị trấn có mật độ dân số đông, lượng rác thải sinh hoạt nhiều. Các nhà cung cấp lò đốt tiếp tục nghiên cứu cải tiến, lắp đặt thêm hệ thống băng chuyền, giảm sức người trong vận hành lò đốt rác thải.

Ngoài khắc phục các nguyên nhân trên, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương và người dân cần thực hiện nghiêm việc thu phí bảo vệ môi trường theo quy định; kiến nghị Nhà nước dành một phần kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho việc thu gom, xử lý rác thải; định kỳ bố trí kinh phí bảo dưỡng để nâng độ bền của các lò đốt rác.

Mặt khác, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, phân loại rác ngay từ đầu để việc tiêu hủy thuận lợi hơn. Các tổ, HTX thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật vận hành.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...