Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xung quanh lộ trình xóa bỏ lò vòng: Nhiều chủ lò đề nghị gia hạn

Cập nhật: 09:38 ngày 22/06/2018
(BGĐT) - Theo quy định, đến hết ngày 31-12-2018, tất cả các lò vòng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải dừng hoạt động và tháo dỡ nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, hiện vẫn còn hàng chục lò đang hoạt động được đầu tư với quy mô lớn, chưa thu hồi đủ vốn đầu tư. 
{keywords}

Cơ sở sản xuất lò vòng tại xã Lãng Sơn (Yên Dũng). Ảnh: Trịnh Lan

Chậm chuyển đổi

Thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 49 lò vòng tập trung ở 6 huyện gồm: Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và Lục Nam. Căn cứ Chỉ thị của Chính phủ, ngày 19-9-2012, UBND tỉnh ban hành kế hoạch liên quan đến xóa bỏ lò vòng. Theo đó, đến hết ngày 31-12-2018, toàn tỉnh sẽ xóa bỏ toàn bộ lò vòng tại 7 huyện, TP (trừ Sơn Động, Yên Thế và Lục Ngạn) nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế, hầu hết số lò trên chưa thực hiện chuyển đổi sang công nghệ mới để thay thế dù thời hạn dừng hoạt động không còn dài.

Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hòa- địa phương có 16 lò vòng, lớn nhất tỉnh cho thấy, công suất mỗi lò từ 3-10 triệu viên/năm. Nơi đây, nhiều chủ lò chưa thu hồi đủ vốn đầu tư đang rất lo lắng. Anh Nguyễn Văn Quý, thôn Xuân Giang, xã Mai Trung cho biết: “Năm 2016, tôi được huyện cấp phép hoạt động lò vòng. Gia đình tôi đầu tư cả chục tỷ đồng để xây dựng. Sau hai năm đun đốt gạch, đến nay, tôi vẫn chưa thu được nửa số vốn ban đầu”. 

Được biết, cơ sở sản xuất gạch của anh có công suất 9,8 triệu viên/năm với 50 lao động thường xuyên. Để lò đi vào hoạt động, anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua nguyên liệu từ đất bãi bồi ven sông, đất hoang hóa; trữ lượng này bảo đảm đủ làm gạch trong 4-5 năm tới. Lượng tiêu thụ gạch mấy tháng gần đây chậm, thời hạn xóa bỏ lò gạch vòng sắp đến nên để duy trì hoạt động, cơ sở của anh đã cho nghỉ việc nhiều lao động. “Hơn mười năm làm gạch, trải qua nhiều khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ thấy lo lắng như lúc này bởi số tiền đã đầu tư quá lớn”- anh Quý bộc bạch.

Cùng với gia đình anh Quý, gần chục cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng dọc tuyến đê sông Cầu thuộc địa phận xã Mai Trung, Xuân Cẩm cũng không có kinh phí để chuyển đổi sang công nghệ tuynel; mới có một lò được chuyển đổi sang công nghệ mới. Tương tự, tại Yên Dũng cũng có khoảng 10 lò vòng, tập trung tại các xã Lãng Sơn, Đồng Việt, Đồng Phúc đến nay mới chuyển đổi được 3 lò.

Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, từ năm 2012 đến cuối năm 2017, toàn tỉnh chuyển đổi được 7 lò vòng sang công nghệ tuynel.

Theo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Hiệp Hòa, các xã đã tổ chức cho chủ cơ sở lò vòng ký cam kết không khai thác đất, sản xuất phơ từ ngày 31-10; ngừng hoạt động sản xuất vĩnh viễn từ ngày 31-12. Ngoài ra, các chủ lò được cấp phép phải nộp quỹ bảo đảm chấp hành 80 triệu đồng/lò. Số tiền này được hoàn trả nếu cơ sở tự tháo dỡ lò đúng theo quy định, nếu không huyện sẽ chi cho hoạt động cưỡng chế phá bỏ.

Liên kết sản xuất bằng công nghệ hiện đại

Nguyên nhân khó chuyển đổi chủ yếu là do các chủ lò thiếu vốn, nguồn lực hạn chế. Được biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng thường xuyên nắm bắt tình hình tại các lò. Kết quả cho thấy, thời gian qua, lò vòng không gây ô nhiễm môi trường; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động thời vụ. 

Tuy nhiên, nhiều lò mua đất dự trữ để sản xuất trong 4-5 năm nên không thể đun đốt hết trong 6-7 tháng. Có lò năm 2017 mới đi vào hoạt động, đầu tư 10 - 20 tỷ đồng trong khi vốn thu hồi được rất ít. Hơn nữa, ngày 9-01-2018, Văn phòng Chính phủ có thông báo dừng cấp phép cho chuyển đổi từ lò vòng sang lò tuynel nên một số chủ lò có điều kiện cũng không thể thực hiện được. 

Trước thực tế trên, ông Lê Quang Minh, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra (Bộ Xây dựng) vào ngày 14-6 vừa qua, một số đại biểu đã kiến nghị lùi thời gian dừng hoạt động đối với lò vòng. Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện thanh, kiểm tra mức độ ô nhiễm tại các lò vòng để có căn cứ gia hạn.

Mục tiêu của xóa bỏ lò vòng là nhằm quản lý chặt chẽ và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên đất. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài bởi gia hạn chỉ là tình thế trước mắt. Các huyện, TP chỉ đạo chủ lò dừng khai thác, sản xuất phơ; không mở rộng quy mô, tận dụng hết công suất lò đốt nguyên liệu hiện có; hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục xóa lò vòng khi đến hạn. Đi đôi với giải pháp trên, cần có kế hoạch chuyển đổi nghề cho người lao động. Các chủ cơ sở liên kết, huy động nguồn vốn chuyển đổi sản xuất gạch bằng công nghệ hiện đại.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...