Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bùng phát bệnh đạo ôn hại lúa xuân

Cập nhật: 08:15 ngày 02/05/2018
(BGĐT) - Thời điểm này, hàng trăm ha lúa xuân trên địa bàn tỉnh bị bệnh đạo ôn gây hại. Đáng chú ý, 5 năm trở lại đây, bệnh mới xuất hiện với quy mô lớn và tỷ lệ hại cao như hiện nay. Dự báo, bệnh có nguy cơ phát sinh mạnh, ảnh hưởng lớn đến cây trồng trong thời gian tới nếu không được phòng trừ kịp thời.
{keywords}

Nông dân thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Huyện Tân Yên là địa bàn có diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cao nhất tỉnh với gần 600 ha. Lo ngại hơn, bệnh gia tăng nhanh vào trung thuần tháng 4 đến nay. Khảo sát trên cánh đồng thôn Hạ, xã Cao Thượng (Tân Yên) cho thấy, lúa đang ở giai đoạn đứng cái, chuẩn bị làm đòng song nhiều thửa bị khô ở chóp lá, một số khóm yếu ớt. Bà Nguyễn Thị Dược, người dân trong thôn đang chăm sóc cây trồng tại đây cho biết: “Năm nay, lúa bị bệnh đạo ôn hại nặng. Thời điểm bón đạm xong lại gặp gió bắc nên lá bị táp, khô. Gia đình tôi có 7 sào lúa đều bị nhiễm bệnh và phải phun hai lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhưng tôi vẫn chưa yên tâm”. Theo bà Dược, lâu lắm rồi bệnh đạo ôn mới bị nhiều như năm nay. Vì thế, bà thường xuyên thăm đồng. Ngoài phòng trừ sâu, bệnh bằng thuốc hóa học, bà còn làm sạch cỏ ở trong ruộng và xung quanh bờ nhằm hạn chế nơi trú ngụ của sinh vật có hại.

Không chỉ dừng ở mức độ lúa bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, một số cánh đồng lúa tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) còn xuất hiện cháy chòm do nhiễm bệnh đạo ôn. Điển hình là gia đình bà Dương Thị Hợp, thôn Tân Minh với 6 sào lúa bị bệnh, nhiều khóm lúa bị khô, lụi, không có khả năng hồi phục.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT), hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có lúa bị nhiễm đạo ôn. Bệnh xuất hiện và gây hại với tỷ lệ trung bình từ 1-3%, cao 6-8%, cục bộ 20-30%, tập trung tại một số huyện như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế... Tính đến ngày 1-5, toàn tỉnh có gần 700 ha nhiễm đạo ôn. Các giống lúa bị nặng là BC 15, TBR 225. Nguy cơ cao bệnh ảnh hưởng đến năng suất lúa, khiến nông dân lo lắng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) nói: “Cây lúa đang lên xanh tốt, vậy mà sau vài ngày đã xuất hiện chấm vàng, trắng lốm đốm ở lá. Theo khuyến cáo, tôi đã phun một số loại thuốc để trừ. Nếu bệnh không giảm thì có thể mất vụ lúa xuân bởi giai đoạn này rất quan trọng, quyết định năng suất cây trồng”.

Bệnh đạo ôn do nấm gây ra. Ở giai đoạn đầu, bệnh tấn công trên lá, ban đầu vết bệnh rất nhỏ nhưng ở giữa vết bệnh, phấn tế bào lá đã bị hoại tử và khô xám, sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi. Khi bệnh nặng có nhiều vết liên kết với nhau làm cho toàn bộ lá bị cháy không phát triển được.

Lý giải về tình trạng trên, bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho rằng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao; giai đoạn sinh trưởng của lúa trùng vào thời điểm sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh nhất. Trong khi đó một số nông dân bón thừa đạm, cấy giống dễ nhiễm đạo ôn nên bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng với quy mô lớn nhất trong vòng 5 năm qua. Đạo ôn là một trong những dịch hại nguy hiểm, có thể mất trắng vụ lúa nếu bệnh xâm nhập và hại nặng vào cổ bông. Bệnh phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm cao.

Nắm rõ nguy hại của bệnh, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, TP đều đã bám sát cơ sở, thông báo đến nông dân về tình hình dịch hại. Nhờ vậy, toàn tỉnh tổ chức phòng trừ cho hơn 500 ha lúa. Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại, đặc biệt là trên những ruộng bón phân không cân đối.

Để bảo vệ lúa xuân, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh để phòng trừ kịp thời. Toàn bộ diện tích lúa đã bị bệnh đạo ôn lá và tất cả các giống nhiễm như: BC15, TBR225, nếp cần được phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông vào thời điểm lúa thấp tho trỗ (trỗ 5%).

Trên thực tế, dù được thông báo từng thời kỳ phát triển của sâu bệnh, hướng dẫn phun trừ trong khung thời gian nhất định nhưng vì nhiều lý do mà nông dân đã không sử dụng thuốc BVTV đúng thời điểm, dẫn đến lãng phí thuốc và không hiệu quả. Bà Nguyễn Thị C, thôn Một, xã Việt Lập (Tân Yên) nói: “Nhà tôi có gần một mẫu lúa nhiễm bệnh đạo ôn. Thôn thông báo lịch phòng trừ từ mấy ngày rồi nhưng các con tôi đều bận, chưa làm được. Với lại, cũng chỉ nên phun 1-2 đợt thuốc cả vụ thôi, không thì độc hại lắm!”.

Nhằm bảo đảm hiệu quả phòng trừ, chính quyền sở tại cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết được tác hại của bệnh đạo ôn, từ đó chủ động áp dụng các phương pháp, hạn chế thiệt hại; đồng thời sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng thuốc và đúng cách).

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...