Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn: "Sân chơi" lớn, doanh nghiệp phải chủ động và quyết định

Cập nhật: 08:28 ngày 25/04/2018
(BGĐT) - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhân dịp này, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ về lợi thế của Bắc Giang và vai trò, sự thích ứng của các DN khi tham gia Hiệp định thương mại này.   
{keywords}

Hàng dệt may là thế mạnh xuất khẩu của Bắc Giang. Ảnh: Gia công tại Công ty cổ phần May Hà Phong (Hiệp Hòa).

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, DN Việt Nam có nhiều cơ hội khi Hiệp định CPTPP được ký kết. Ông đánh giá thế nào về lợi thế của DN Bắc Giang khi tham gia sân chơi khu vực này?

Hiệp định ký kết được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, da giầy, nông sản… Điều này cho thấy, khi mặt hàng trên giảm thuế nhập khẩu dần về 0% sẽ tạo “bước nhảy vọt” đối với xuất khẩu của nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Bắc Giang có thế mạnh ở các lĩnh vực: May mặc, điện tử, hàng nông sản…Đây là ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định CPTPP. Những năm gần đây, xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng ấn tượng, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 50%. Riêng năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bắc Giang đã vượt qua hàng rào kỹ thuật ngay ở những thị trường khó tính. Ví như dệt may vào được Mỹ, EU. Một số loại nông sản gồm: Vải thiều tươi, rau củ quả vào được Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…Như vậy, khi tham gia CPTPP, những mặt hàng này có thêm dư địa khai thác, rộng mở thị trường ở các nước thành viên CPTPP.

Theo ông, để tận dụng tốt cơ hội này, DN cần chủ động những gì?

{keywords}

Ông Trần Quang Tấn.

DN là nhân tố chính và trực tiếp quyết định thành công của hội nhập. Chính vì vậy, chủ động liên kết là điều DN cần làm ngay nhằm tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định mang lại. Điều đó đặt ra với DN là cần tăng cường liên kết theo chuỗi, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, quản trị DN, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, khẳng định vị trí trên thương trường.

Theo tôi, với ngành dệt may, các DN chủ động đáp ứng tỷ lệ nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam và các nước thành viên Hiệp định CPTPP trong tổng giá trị thành phẩm. Nâng cao chất lượng, an toàn, lao động của ngành này phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Chuẩn bị nguồn lực về vốn để đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất… không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Đối với nông sản, từ kinh nghiệm vải thiều đã đến được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… , chúng ta chuẩn bị tốt các yếu tố về lao động, vốn, tích tụ đất đai…, đồng thời, có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, DN, nhà khoa học, người sản xuất trong chuỗi giá trị, lấy DN làm trung tâm, bảo đảm sức cạnh tranh vào các thị trường trong Hiệp định này.

Hàng dệt may, nông sản là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên thực tế chúng ta vẫn chủ yếu gia công, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Vậy phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Đây là hai ngành hàng thế mạnh và chủ lực của tỉnh, đóng góp kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn. Cụ thể, năm 2017 đạt 6.200 triệu USD, trong đó dệt may đạt hơn 40%, nông sản chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bắc Giang có số DN may mặc hơn 140 đơn vị; DN sản xuất, xuất khẩu nông sản 20 đơn vị.

Từ kinh nghiệm đưa vải thiều sang Mỹ, EU… những năm qua cho thấy, để sản phẩm xuất khẩu nhiều qua đường chính ngạch, DN và nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; làm theo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Gắn chặt sản xuất với thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bao bì, tem nhãn để nhận biết, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho các mặt hàng nông sản và hoàn thiện chuỗi liên kết. Tức là toàn bộ sản phẩm qua hệ thống đều an toàn, có giấy chứng nhận chất lượng đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sự cam kết của người sản xuất và nhà phân phối. Cùng đó, DN chủ động, tích cực tham gia các hội chợ nông sản để tìm khách hàng lớn, tin cậy.

Theo ông, các DN Bắc Giang cần chủ động ngay từ bây giờ những điều kiện cần và đủ như thế nào?

Thứ nhất, các DN Bắc Giang chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng mà chúng ta đang có thế mạnh, nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới như: Điện tử, dệt may, nông sản.

Hiệp định CPTPP được ký kết gồm 11 nước trong đó có Việt Nam đã tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường chung gần 500 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 1/6 giá trị thương mại toàn cầu. Nội dung quan trọng của Hiệp định là xóa bỏ từ 95-98% các dòng thuế quan ngay khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình từ 5 -7 năm.

Thứ hai, DN chú trọng tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, các đối tác cung cấp uy tín, xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nguyên liệu sản xuất.

Thứ ba, DN phải chuẩn bị nguồn lực về vốn để đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất…góp phần nâng cao hiệu quả. Nếu duy trì chiến lược sản xuất theo kiểu sử dụng nhiều lao động thủ công, tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất sẽ khó có thể cạnh tranh được.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị, giữ tư duy quản lý thủ công thì không thể theo kịp các DN áp dụng hệ thống quản trị hiện đại. Chỉ có thay đổi phương thức quản lý mới giúp doanh nhân cập nhật và xử lý thông tin tức thời, từ đó nắm bắt tốt mọi cơ hội phát triển.

Thứ năm, các DN cần chủ động tìm kiếm, hợp tác với các thị trường đối tác trong Hiệp định CPTPP nhằm tận dụng nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng thông tin về Hiệp định CPTPP, việc tìm hiểu về thị trường quốc tế, hiểu biết về các văn kiện, điều kiện, cơ chế… đối với các nước thành viên trong Hiệp định của đa số DN còn hạn chế. Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ thông tin cho doanh nhân như thế nào bảo đảm hiệu quả?

Để nâng cao tính chủ động, có thể tận dụng lợi thế của Hiệp định, một mặt, các DN phải tự tìm hiểu về khả năng, cơ hội bởi câu chuyện kinh doanh là tự thân các DN. Mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần có hệ thống thông tin về các cơ chế chính sách (được dịch ra tiếng nước ngoài) giúp doanh nhân người nước ngoài dễ hiểu và tiếp cận. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan của T.Ư mở hội nghị, hội thảo, tập huấn về các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP giúp doanh nhân nắm được lợi thế và giải quyết khó khăn, thách thức đặt ra.

Nhân đây, ông có đề xuất gì?

Theo tôi ở tỉnh cần rà soát các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nhằm thu hút các DN đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ cao… Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ, định hướng các DN trong ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh là dệt may, điện tử và chế biến nông sản chuyển dịch đầu tư về khu vực nông thôn, các huyện, xã có lợi thế về đất đai, lao động. Thu hút các dự án đầu tư sản xuất dệt, nguyên phụ liệu may đặt tại các khu, cụm công nghiệp bảo đảm nguyên liệu đầu vào đáp ứng yêu cầu xuất xứ. Hỗ trợ DN trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các đối tác trong, ngoài nước phát triển các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, đặc biệt là cán bộ pháp lý, quản trị DN đáp ứng thời kỳ hội nhập.

Ở tầm cao hơn, cần tăng cường kết nối với các cơ quan Thương vụ và Tham tán Thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để thông tin kịp thời đến các thương nhân của Bắc Giang về Hiệp định CPTPP.

Xin cảm ơn ông!

Cao Minh Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...