Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Doanh nghiệp trốn cấp phép vùng nguyên liệu: Thất thoát tài nguyên

Cập nhật: 10:45 ngày 16/04/2018
(BGĐT) - Do không xin cấp phép vùng nguyên liệu, thời gian qua có nhiều cơ sở sản xuất gạch tự  khai thác đất sét, đất đồi hoặc thu mua khoáng sản không hợp pháp để sản xuất. Hành vi này chưa được chính quyền, ngành chức năng kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm.
{keywords}

Công ty cổ phần Thiên Phú, thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha (Lục Nam) khai thác đất trái phép làm gạch.

Trục lợi và mua trôi nổi

Khu đồi thực hiện dự án sản xuất gạch của Công ty cổ phần Thiên Phú, thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha (Lục Nam) nham nhở, sạt lở từng tảng lớn nhỏ do việc khai thác đất làm nguyên liệu tại chỗ. Hoạt động từ năm 2014, công suất lò 25 triệu viên/năm nhưng doanh nghiệp (DN) này chưa có mỏ nguyên liệu mà tự khai thác đất đồi thuộc khu vực Nhà nước cho thuê để xây dựng nhà máy. Hành vi này phạm pháp bởi tổ chức, cá nhân trước khi khai thác khoáng sản đều phải xin cấp phép, nộp đủ thuế, phí, tiền cấp quyền. Ông Đỗ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cho biết: “Do chưa có vùng nguyên liệu nên từ khi đi vào sản xuất đến nay, đơn vị sử dụng khoảng 40 nghìn m3 đất sét, đất đồi. Trong đó khai thác tại chỗ gần 10 nghìn m3, còn lại mua trôi nổi của các tổ chức, cá nhân nạo vét ao, hồ”.

Tình trạng trên còn xảy ra ở Công ty TNHH Nam Cường SĐ, trụ sở tại thôn Sầy và Chủa, xã Tuấn Đạo (Sơn Động). Theo quy định, DN chỉ được xây dựng nhà máy trên diện tích đất đã thuê chứ không được khai thác đất. Tuy nhiên gần 4 năm qua, Công ty này ngang nhiên bạt đồi, xẻ núi lấy nguyên liệu trong khu vực dự án làm gạch. Đại diện lãnh đạo DN thừa nhận, đơn vị khai thác khoảng 25 nghìn m3 đất đồi. Cũng do không có vùng nguyên liệu, nhiều nhà máy còn mua gom đất sét trôi nổi, không có hóa đơn, nguồn gốc hợp pháp. Công ty cổ phần Gạch Hồng Thái, xã Hồng Thái (Việt Yên) là ví dụ. Mỗi năm DN sản xuất 15 triệu viên gạch, sử dụng khoảng 26 nghìn m3 đất nhưng chủ yếu mua gom đất dư thừa từ một số dự án làm đường. Tương tự, Nhà máy gạch Bình Sơn, thôn Kẹm, xã Minh Đức (Việt Yên); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ điện tử viễn thông Tạo Tuyến, xã Trí Yên (Yên Dũng) cũng không có vùng nguyên liệu, mỗi năm mua trôi nổi hàng nghìn m3 đất sản xuất gạch, ngói...

Xử phạt nặng để răn đe

{keywords}

Năm nay, Sở tập trung hướng dẫn, đôn đốc các DN hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép vùng nguyên liệu để khai thác ổn định, tránh thất thoát khoáng sản, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”.


Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT

Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 DN, cơ sở sản xuất gạch ngói, mỗi năm có nhu cầu sử dụng hơn 1 triệu m3 đất sét làm nguyên liệu. Tuy nhiên hiện chỉ có 4 DN được cấp phép mỏ khai thác 200 nghìn m3/năm cung cấp cho 8 nhà máy gạch. Những cơ sở còn lại mua gom từ các tổ chức, hộ dân nạo vét ao, hồ hoặc các đối tượng khai thác trái phép, thậm chí còn tự ý lấy đất tại khu vực dự án.

Sở dĩ có tình trạng trên bởi DN trốn cấp phép bớt được khoản kinh phí. Biện minh cho hành vi sai phạm, ông Nguyễn Phú Túng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Cường SĐ cho rằng, đơn vị mới nâng cấp, cải tạo lò nên chưa thể bố trí kinh phí thuê đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường, nộp thuế, phí, tiền cấp quyền… để xin cấp mỏ, đành khai thác tại chỗ. Tuy nhiên, lý do này không chính đáng vì mỗi năm DN thu 4 đến 5 tỷ đồng từ làm gạch. Đó là chưa kể Công ty chưa nộp tiền cấp quyền đối với toàn bộ lượng đất khai thác trái phép làm gạch thời gian qua. Còn Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Hồng Thái Trần Văn Phúc thừa nhận, việc mua gom đất trôi nổi, không có hóa đơn, giá rẻ hơn nhiều so với xin cấp vùng nguyên liệu.

Trong khi hầu hết các đơn vị trốn phép thì việc ngăn chặn trường hợp khai thác nguyên liệu sét, đất trái phép của chính quyền một số nơi và ngành chức năng chưa kịp thời. Theo Luật Khoáng sản, UBND cấp xã, huyện có trách nhiệm quản lý khoáng sản trên địa bàn. Thế nhưng thời gian qua, chính quyền xã Tuấn Đạo và UBND huyện Sơn Động, xã Tiên Nha và UBND huyện Lục Nam buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng DN khai thác đất trái phép làm gạch kéo dài song không phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Sở TN&MT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đôn đốc các DN thực hiện nghiêm việc xin cấp mỏ và kiểm tra hoạt động khai thác nhưng chưa xử phạt hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền biện pháp đình chỉ đối với đơn vị sản xuất gạch, ngói chưa xin cấp mỏ. Ngày 14-4, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện lãnh đạo UBND huyện Sơn Động còn chưa nắm được hành vi khai thác đất trái phép của Công ty TNHH Nam Cường SĐ! Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiểm tra DN này vi phạm nhưng đến nay chưa có hình thức xử lý.

Các DN trốn cấp phép mỏ, đánh cắp tài nguyên hoặc thu mua trôi nổi đã “tiếp tay” cho hành vi khai thác trái phép diễn ra tràn lan thời gian qua ở huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Nam... Để siết chặt công tác quản lý khoáng sản, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, năm nay Sở tập trung hướng dẫn, đôn đốc các DN hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép vùng nguyên liệu để khai thác ổn định, tránh thất thoát khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng đó, ngành thuế tăng cường kiểm tra hóa đơn thu mua nguyên liệu của các DN, xử lý nghiêm sai phạm. Quy đổi gạch ngói thành phẩm ra khoáng sản sét để truy thu thuế, phí, tiền cấp quyền, tránh thất thu ngân sách.

Tú Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...