Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trái ngọt từ đất thuê, mượn

Cập nhật: 13:52 ngày 21/03/2018
(BGĐT) - Coi tấc đất như tấc vàng, một số cá nhân, tổ chức trong tỉnh Bắc Giang đã thuê, mượn ruộng để làm nông. Áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cộng với nhạy bén thị trường, họ đã thu được “trái ngọt” sau mỗi vụ canh tác.
{keywords}

Gia đình anh Trần Quang Vinh, thôn 7, Việt Lập (Tân Yên) thu hoạch khoai tây chế biến trên thửa ruộng thuê trong làng.

Lãi cao trên đồng làng

Là kỹ sư nông nghiệp, năm 2017 anh Trần Quang Vinh, thôn 7, xã Việt Lập (Tân Yên) thuê 6 ha ruộng trong 10 năm để canh tác. Vụ đông vừa qua, trên diện tích ấy, anh trồng toàn bộ khoai tây chế biến Atlantic. Nhân lực có hạn, anh huy động chính những người cho thuê ruộng làm công cho mình. Nắm rõ đặc điểm sinh trưởng của cây và hướng dẫn cẩn thận từng công đoạn cho bà con nên khoai tây của gia đình anh luôn phát triển tốt, sạch bệnh, nhiều củ. Năng suất bình quân đạt hơn 6 tạ/sào. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ, giá bình quân 7 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 4 triệu đồng/sào, tương đương hơn 100 triệu đồng/ha.

Anh Vinh tâm sự: “Hiện nay, có nhiều kỹ thuật mới trong nông nghiệp đã được nghiên cứu thành công song việc ứng dụng vào thực tế rất hạn chế. Một số nơi, sau hỗ trợ thì mô hình điểm cũng chẳng còn”. Theo anh Vinh, nguyên nhân của tình trạng này là do ruộng đất vẫn còn manh mún, mỗi hộ lại canh tác một loại cây trồng khác nhau nên rất khó tạo ra sản phẩm có sự đồng đều về kích cỡ để thu hút doanh nghiệp (DN) vào liên kết sản xuất. Vì thế, anh đã nảy ra ý tưởng thuê đất rộng để canh tác. Khi anh đặt vấn đề, bà con trong thôn đều đồng tình ủng hộ,bàn giao ruộng và phấn khởi làm thuê cho anh. Hiện nay, anh đang kết hợp cùng với một viện nghiên cứu tại Hà Nội sản xuất lúa giống mới. Mục tiêu nhằm luân canh cây trồng, giữ độ phì cho đất, tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu.

Mong muốn làm giàu trên đồng đất quê hương, sau hơn 7 năm học nghề trồng quất cảnh tại làng Quảng Bá (Hà Nội), anh Trần Văn Thịnh, thôn Nam Phú, xã Xuân Phú (Yên Dũng) thuê gần một mẫu ruộng của người dân ở thôn trồng hơn một nghìn cây quất thế. Dịp Tết Mậu Tuất, mặt hàng này có giá bình quân hơn 500 nghìn đồng/chậu giúp anh Thịnh thu lãi gần 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng màu thông thường. Quất đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ, nếu không có kỹ thuật thì cây khó cho dáng đẹp, quả đúng dịp Tết. Nhận thấy, trong tỉnh ít mô hình trồng quất thế nên anh Thịnh chọn trồng quất cảnh để tạo sự khác biệt. Hiện nay, anh đang khảo sát tại một số địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ nhu cầu trưng quất Tết của người dân.

Thu hút đầu tư công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mấy năm gần đây, toàn tỉnh xuất hiện hàng trăm mô hình thuê đất, mượn ruộng để làm nông với quy mô từ gần một mẫu đến hàng chục ha.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mấy năm gần đây, toàn tỉnh xuất hiện hàng trăm mô hình thuê đất, mượn ruộng để làm nông; quy mô từ gần một mẫu cho đến hàng chục ha. Trong đó, bên thuê có cả cá nhân, DN và hợp tác xã (HTX). Thực tế cho thấy, sau khi thuê, mượn ruộng, chủ sử dụng đều tổ chức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho lao động trung niên ở nông thôn. Nhiều nơi đã hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trồng rau, màu với các thiết bị hiện đại, lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần so với giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị đất canh tác của tỉnh. Đơn cử như HTX Sản xuất nông nghiệp CNC xã Trí Yên (Yên Dũng) hay Công ty cổ phần Nông nghiệp T.Ư thuê đất tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang); trồng chuối trên diện tích 12 ha tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) của Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (Hưng Yên).

Nhận định của cơ quan chuyên môn, thuê đất, mượn ruộng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đây là xu thế tất yếu của quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động khiến nhân lực trong nông nghiệp thiếu hụt cộng với nhiều cá nhân, DN coi đầu tư vào đồng ruộng mang lại giá trị lớn khiến hoạt động thuê, mượn ruộng ngày càng “nở rộ”.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, mấy năm gần đây, nhiều cán bộ, người dân tiếc đồng đất bỏ trống trong vụ đông nên mượn ruộng để trồng màu. Điều này đã khắc phục tình trạng bỏ cỏ, lãng phí đất song chỉ theo tính chất mùa vụ, không ổn định. Quan điểm của ngành là khuyến khích mô hình thuê ruộng, có hợp đồng dài hạn để bảo đảm quyền lợi đôi bên; ưu tiên thu hút DN lớn, đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp. Được biết, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa tham mưu cho tỉnh lựa chọn DN lớn vào địa bàn khảo sát, thuê đất như: Công ty cổ phần Tập đoàn T&T thuê được 40 ha tại xã Phúc Sơn, Lam Cốt; Tập đoàn Hòa Phát chăn nuôi lợn gắn với giết mổ tại xã Long Sơn (Sơn Động). Với tiềm lực về kinh tế, dự kiến các Công ty này sẽ xây dựng nông trường mẫu của tỉnh.

Ưu điểm của thuê đất, hình thành vùng tập trung đã được khẳng định. Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể liên quan đến thuê đất sản xuất để tiếp tục thu hút tổ chức, cá nhân tham gia. Sau các hợp đồng thỏa thuận cần có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở về việc sử dụng, không để xảy ra tình trạng “biến tướng” đất nông nghiệp. Chủ thửa đất chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng giá trị sau đầu tư.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...