Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường ở Hương Vĩ: Không thể xử lý nửa vời

Cập nhật: 15:03 ngày 09/03/2018
(BGĐT) - Mới đây, Báo Bắc Giang nhận được đơn thư phản ánh về việc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến vôi Hồng Điều (gọi tắt là HTX Hồng Điều) ở thôn Bờ Mận và HTX Sản xuất chế biến vôi Ngân Hồng (HTX Ngân Hồng), thôn Đình, xã Hương Vĩ (Yên Thế) thải khói, bụi gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Để tìm hiểu rõ sự việc, phóng viên đã “mục sở thị” tại khu vực sản xuất này và làm việc với lãnh đạo địa phương.
{keywords}

Khu vực sản xuất vôi của HTX Hồng Điều.

Khói bụi ngột ngạt, nước chuyển màu vàng đục

Mới đến đầu thôn Bờ Mận, hỏi thăm vào khu vực nung vôi của HTX Hồng Điều, nhiều người dân ở đây vừa chỉ cho chúng tôi lối đi, vừa bức xúc về tình trạng khói bụi từ lò vôi của đơn vị này. Khu vực sản xuất vôi của HTX rộng chừng 700 m2, nằm sát đường giao thông với 2 lò nung liên hoàn cỡ lớn, công suất khoảng 10 tấn/lò/ngày. Các lò được xây dựng liền kề, hình trụ tròn cao tới chục mét, xung quanh có khá nhiều vết rạn nứt dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trên đỉnh lò, nhiều lao động đứng cheo leo vận chuyển đá vào lò nung nhưng không có bảo hộ. Ngay tại cửa lò, máy cẩu đá chạy xình xịch. Than, bột vôi đổ đống bừa bộn, bụi bay mù mịt. Điều đáng nói, lò nung vôi gần nhà ở của một số hộ dân, không bảo đảm khoảng cách 500 m theo quy định của Bộ Y tế. Nhiều người dân có chung phản ánh, sống ở đây rất khổ, khói bụi bủa vây ngột ngạt, nồng nặc; nhà cửa, cây cối luôn phủ bụi bẩn. Vào những ngày gió lớn, gia đình có trẻ nhỏ phải đưa đi gửi người thân ở xa để “lánh nạn”. Trẻ em thường xuyên bị viêm đường hô hấp. Còn theo Trưởng thôn Bờ Mận Khổng Đình Chuẩn, tình trạng ONMT từ các lò nung vôi của HTX Hồng Điều diễn ra từ lâu. Khói, bụi hầu như ngày nào cũng thải ra lượng lớn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Ông đề nghị chủ cơ sở này sớm có giải pháp khắc phục.

Trong tháng 11 -2017, Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã kiểm tra, lấy mẫu quan trắc khí thải tại lò nung vôi của các cơ sở này cho thấy, thông số CO (khí các-bon mô-nô-xít) ở các lò đều vượt từ hơn 1,7 đến gần 2 lần so với quy chuẩn.

Tương tự, HTX Ngân Hồng đi vào hoạt động từ cuối năm 2014. Hiện cơ sở này có 3 lò liên hoàn, công suất khoảng 20 tấn/lò/ngày. Trên diện tích chừng 600 m2, các lò nằm trong khu dân cư, lúc nào cũng tràn ngập bụi vôi, bụi than và đá. Khoảng 60 lao động làm việc tại đây luôn tay đập đá, vận chuyển than và vôi ra, vào lò. Xỉ, vôi bột ngập ngụa trên nền đất cách tuyến đường thôn không xa. Ông Phạm Văn Th, thôn Đình sống gần khu vực này phản ánh: “Không chỉ hứng chịu khói bụi từ các lò thải ra trực tiếp, ngày nào tuyến đường thôn qua cửa nhà cũng có hàng chục lượt xe ô tô tải trọng lớn chở vôi, than, đá gây bụi bẩn, lún đường. 

Gia đình tôi phải đóng cửa suốt ngày để bớt ô nhiễm”. Không riêng ông Th, nhiều hộ dân còn bức xúc vì xung quanh khu sản xuất vôi của HTX Ngân Hồng không có tường bao ngăn cách cũng như chưa có hệ thống thu gom, thoát nước. Mỗi khi có mưa, nước lẫn bột vôi, than chảy tràn ra mương máng, đường dân sinh. Thậm chí, nước bẩn ngấm sâu vào lòng đất, khiến nước giếng của một số hộ chuyển màu vàng đục, phải lọc nhiều lần mới có thể sử dụng nhưng vẫn chưa yên tâm.

Không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Trước thực trạng các lò nung vôi xả thải khói, bụi gây ONMT, phóng viên đề nghị và được ông Nguyễn Ánh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ liên hệ để trực tiếp làm việc với giám đốc các HTX trên. Mặc dù đã được thông báo nhưng mới đến gần khu vực sản xuất của HTX Hồng Điều để chụp ảnh, chúng tôi bị ông Nguyễn Hồng Điều, Giám đốc HTX dùng nhiều lời lẽ thô tục lăng mạ, đe dọa đánh, dọa đập máy ảnh, buộc phóng viên xóa toàn bộ hình ảnh vừa chụp. Phản ánh lại sự việc trên với ông Tùng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “thông cảm”, chứ không có cách để tiếp tục tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp. Làm việc với Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ Nguyễn Ngọc Trìu, vị lãnh đạo này xác nhận, các lò vôi của 2 HTX này có công suất khá lớn nhưng không có hệ thống xử lý khói, bụi, nước thải theo quy định và chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dù biết vi phạm nhưng là người cùng xã nên khó xử lý!.

{keywords}

Lò nung vôi của HTX Ngân Hồng chưa lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi, gây ONMT.

Trước phản ánh về thực trạng gây ONMT từ các HTX trên, qua kiểm tra, ngày 1-11-2017, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã xử phạt vi phạm hành chính mỗi đơn vị 7 triệu đồng, buộc khẩn trương lắp đặt hệ thống xử lý nước, khí thải đạt quy chuẩn cho phép và hoàn thành các thủ tục về môi trường theo quy định trong thời gian 2 tháng. Cũng trong tháng 11 -2017, Đoàn công tác của Sở TN&MT đã kiểm tra, lấy mẫu quan trắc khí thải tại lò nung vôi của các cơ sở này cho thấy, thông số CO (khí các-bon mô-nô-xít) ở các lò đều vượt từ hơn 1,7 đến gần 2 lần so với quy chuẩn. Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, Sở đã yêu cầu HTX Hồng Điều, HTX Ngân Hồng tạm dừng hoạt động khi chưa lập kế hoạch BVMT và chưa đầu tư xây dựng xong các công trình BVMT, hệ thống thu gom, xử lý bụi, khí thải phát sinh đạt tiêu chuẩn. 

{keywords}

HTX Ngân Hồng thuê lao động đập đá trước khi đưa vào nung vôi. Ảnh. Sỹ Quyết.

Mặc dù vi phạm rõ ràng, Chủ tịch UBND huyện và ngành chức năng đã yêu cầu biện pháp khắc phục nhưng đã quá hạn mà 2 đơn vị chưa chấp hành, thậm chí vẫn hoạt động rầm rộ, tiếp tục gây ONMT khiến người dân bức xúc. Trước thực trạng trên, ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tới đây huyện cử đoàn công tác để kiểm tra, sẽ xử lý vi phạm lần 2 nhưng chưa rõ thời gian tiến hành. Cũng theo vị lãnh đạo này, hằng năm, hai HTX có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương nên huyện còn cân nhắc! Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bất kể là tổ chức hay cá nhân nào gây ONMT đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không thể đánh đổi kinh tế lấy môi trường. 

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...