Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở rộng liên kết sau dồn điền đổi thửa

Cập nhật: 10:08 ngày 02/03/2018
(BGĐT) - Tưởng chừng lỡ vụ xuân song đến nay các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong tỉnh Bắc Giang đều hoàn tất giao ruộng trên thực địa. Thời điểm này, nông dân tập trung sản xuất, vui với ô thửa mới bởi diện tích rộng, thuận canh tác.
{keywords}

Đường nội đồng thôn Xuân An, xã Xuân Phú được xây dựng sau DĐĐT.

Thuận lợi khi áp dụng kỹ thuật tiên tiến

Nhận thấy lợi ích của DĐĐT mang lại cho nông dân nên năm 2017, toàn tỉnh tiếp tục dồn đổi 3,5 nghìn ha đất canh tác ở 80 thôn, tập trung tại Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam. Đến nay, các địa phương đều giao ruộng trên thực địa, bảo đảm cho người dân có đất sản xuất vụ xuân. Trên những ô thửa vừa được DĐĐT thuộc thôn Đình Phú, xã Xuân Phú (Yên Dũng), bà con phấn khởi vì ruộng không còn manh mún. Bà Nguyễn Thị Ngát, người dân trong thôn nói: “Trước kia với hơn 5 sào, nhà tôi có tới 12 mảnh. Sau dồn đổi, giờ đây gia đình tôi chỉ còn một thửa, không còn cảnh chạy đồng nữa”.

Thôn Đình Phú có hơn 30 ha đất canh tác song số thửa bình quân/hộ lớn, khoảng 11-12 thửa/hộ. Vì thế, di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác trong quá trình chăm sóc, thu hoạch tốn nhiều thời gian, công sức. Khắc phục tình trạng này, giữa năm 2017, thôn tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động DĐĐT. Sau hơn 10 cuộc họp, giải thích rõ ý nghĩa, lợi ích về dồn ruộng, toàn dân thôn đã đồng thuận triển khai. Đến nay, mỗi hộ trong thôn chỉ còn 1-2 thửa.

Tương tự, thôn Xuân An cùng xã đã dồn đổi ruộng thành công với 35 ha đất sản xuất. Theo Bí thư Chi bộ Phan Văn Quân, ban đầu những hộ có ruộng vuông vắn, gần đường không đồng tình DĐĐT song thôn vẫn quyết tâm thực hiện. Tiểu ban DĐĐT của thôn là những người am hiểu địa hình, vẽ bản đồ chính xác. Mong muốn đẩy nhanh tiến độ, hàng trăm người dân tự nguyện hiến ngày công, đóng góp khoảng 600 triệu đồng chỉnh trang đồng ruộng. Nhờ vậy, các tuyến đường nội đồng được mở rộng, trung bình 6-7 m, tăng gấp hơn hai lần so với trước; ruộng nào cũng có mương đi qua.

Hiện nay, 9/9 thôn ở xã Xuân Phú hoàn thành DĐĐT. Ruộng rộng, người dân trong thôn thuận lợi đưa kỹ thuật mới vào sản xuất. Thời điểm này, trên các cánh đồng máy làm đất chạy xình xịch, bà con áp dụng gieo sạ, cấy ném đối với lúa xuân. Toàn xã có 22 máy làm đất công suất lớn, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Anh Nguyễn Văn Trường, thôn Xuân An chia sẻ: “Còn vài ngày nữa là kết thúc thời vụ gieo cấy lúa xuân nhưng không lo vì năm nay tôi sạ lúa. Chưa đầy một giờ đồng hồ tôi đã sạ xong 3 sào lúa xuân, trong khi cấy mạ dược phải mất ba ngày, giúp gia đình tôi hoàn thành gieo cấy lúa trong lịch thời vụ”.

Phát huy hiệu quả sau dồn đổi

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh DĐĐT được hơn 14 nghìn ha đất canh tác, tập trung tại Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên. Sau dồn đổi, mỗi hộ còn bình quân 1-2 thửa, giảm 7-8 thửa so với trước.

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, những địa phương thực hiện DĐĐT trong năm 2017 đều có gặp khó khăn. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách làm riêng, phù hợp với thực tế nên đã thành công. Đơn cử, thôn Xuân An là một trong hai thôn thực hiện sau cùng của xã Xuân Phú bởi nhiều đợt họp, người dân phản đối. Trở ngại này được thôn rút kinh nghiệm để triển khai tiếp đó. Cụ thể, tiểu ban DĐĐT thôn do Bí thư Chi bộ đảm nhận thay vì trưởng thôn như cách làm của nhiều thôn khác; chọn người có uy tín, các đoàn thể kiên trì vận động. Hay tại thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang), nơi đa phần là ruộng bậc thang đã bước đầu dồn đổi được hơn 10 ha đất cấy lúa nhờ công khai, minh bạch; giải quyết kịp thời thắc mắc của người dân.

Sau DĐĐT, nhiều nơi đã hình thành cánh đồng mẫu có liên kết sản xuất để tăng thu nhập. Điển hình, xã Ngọc Lý (Tân Yên) hình thành cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống; trồng rau an toàn, rau trái vụ tại xã Đức Giang, Tiến Dũng (Yên Dũng). Các cánh đồng này đều được doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng, kể cả trong thời điểm giá thị trường xuống thấp.

Trên thực tế, cánh đồng mẫu hay sản xuất có liên kết sau DĐĐT vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng diện tích, kể cả diện tích dồn đổi từ nhiều năm trước. Lý giải về tình trạng này, một số ý kiến cho rằng do thời gian gấp, đa phần thôn DĐĐT trong năm 2017 vẫn duy trì sản xuất thông thường trong vụ xuân năm nay. Ngoài ra còn do người đứng đầu thôn, xã chưa mạnh dạn tổ chức sản xuất theo phương pháp mới. Phát biểu chỉ đạo nhân chuyến kiểm tra sản xuất vụ xuân tại huyện Lục Nam trong tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cho rằng, người dân thuận canh tác, thu hoạch sau DĐĐT chỉ là bước đầu. Mục tiêu của việc DĐĐT là hướng tới tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần quan tâm xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Như vậy mới thực sự phát huy lợi thế sau DĐĐT.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...