Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ Công Thương: Thị trường Tết sôi động nhưng không biến động lớn

Cập nhật: 15:43 ngày 14/02/2018
Do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trước Tết Nguyên đán lớn, lượng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng cao so với cùng kỳ nên tháng 1 đầu năm, cả nước đã nhập siêu tới 300 triệu USD.
{keywords}

Khách hàng mua sắm Tết tại chợ Đống Đa (TP Đà Nẵng). Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.

Cụ thể, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 191%; điện thoại và các loại linh kiện tăng 115,8%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 188,7%; hàng điện gia dụng, linh kiện tăng 80%. Theo Bộ Công Thương, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho kim ngạch nhập khẩu tháng 1-2018 tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm trước, gây ra thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 1-2018. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1-2018 một phần do nhu cầu hàng hóa của thị trường này tăng cao phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Để phục vụ cho thị trường Tết, các ngành hàng sản xuất trong nước cũng đã có sự tăng trưởng cao. Chẳng hạn như ngành thuốc lá đã bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường và có mức tồn kho hợp lý. Chỉ số sản xuất thuốc lá tháng 1-2018 tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng sản xuất thuốc lá ước đạt 491,8 triệu bao, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Ngành Rượu - Bia - Nước giải khát đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Việc chuẩn bị hàng tới các nhà phân phối, bán lẻ đã được hoàn tất từ sớm. Lượng hàng hóa phục vụ Tết rất đa dạng, phong phú nên người dân có nhiều lựa chọn. Tháng 1-2018, chỉ số sản xuất ngành đồ uống tăng 15% so với cùng kỳ; lượng bia các loại ước đạt 396,9 triệu lít, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Giá cả các mặt hàng rượu bia ổn định, không có sự tăng giá đột biến. 

Bộ Công Thương đánh giá: Dịp Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 nên các thương nhân, doanh nghiệp trong nước có nhiều thời gian tích trữ nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Nhờ đó, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến, bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết.

"Nhìn chung thị trường trước Tết Nguyên đán năm nay không có biến động lớn. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được chuẩn bị khá chu đáo và sớm, cùng với đó nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm trong tháng tương đối ổn định. Các hàng hóa phục vụ Tết như hoa, cây cảnh, trái cây, bánh mứt kẹo, đồ uống không có biến động lớn so với cùng kỳ năm trước"", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 tăng cao do nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết của người dân tăng, ước tháng 1 đạt 361,073 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,38%.

Theo Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...