Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cứng hóa đường nông thôn bằng xi-măng Bắc Giang: Có tình trạng bê tông chậm đông kết

Cập nhật: 09:44 ngày 29/01/2018
(BGĐT) - Thời gian gần đây, sau khi được hỗ trợ xi-măng cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) theo nghị quyết của HĐND tỉnh, người dân ở một số địa phương không khỏi lo lắng khi liên tục phát hiện bê tông chậm đông kết, nghi ngờ chất lượng xi-măng không bảo đảm.
{keywords}

Cán bộ thôn Giữa, xã Lương Phong và huyện Hiệp Hòa kiểm tra tuyến đường vừa được cứng hóa.

Liên tiếp xảy ra hiện tượng lạ

Tháng 11-2017, khi xây dựng đường bê tông theo chủ trương hỗ trợ xi-măng của HĐND tỉnh, người dân thôn Cẩm Nang, xã Tiên Nha (Lục Nam) phát hiện khoảng 50 m đường thi công sau hơn 24 giờ mà vẫn chưa đông cứng. Thấy lạ, lãnh đạo thôn và chính quyền địa phương đã mời đơn vị cung ứng xi-măng Bắc Giang là Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (Công ty Xi măng Bắc Giang) về làm rõ. Đây là lô xi-măng dời, được Công ty cung ứng, vận chuyển đến cấp cho một trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Lục Nam, sau đó bê tông tươi được trạm này chuyển đến cho người dân thi công đường. Xác nhận sự việc trên, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Nha Hồ Thanh Trung cho biết, tuy các bên liên quan còn nhiều tranh luận, chưa rõ trách nhiệm nhưng Công ty Xi măng Bắc Giang đã quyết định cấp bù lượng xi-măng đã dùng và hỗ trợ thôn 46 triệu đồng tiền công, giá trị cát, sỏi đã sử dụng, bà con không còn kiến nghị.

Tiếp đó, vào ngày 14-1, ngay sau khi nhận xi-măng, người dân thôn Lục Liễu Dưới, xã Hợp Đức (Tân Yên) tiến hành đổ bê tông đường trục thôn. Sau 24 giờ thi công, gần 30 m đường bê tông đầu tuyến vẫn chưa đông kết, nghi ngờ do xi-măng kém chất lượng. Ông Trần Văn Thọ, Trưởng thôn Lục Liễu Dưới cho biết: “Thôn đã trình báo sự việc với UBND xã, huyện và Công ty Xi măng Bắc Giang. Sau đó, các đơn vị cùng Sở Xây dựng có về kiểm tra, lấy mẫu nhưng đến nay chưa có hồi âm”. Trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Tân Yên, được biết sự việc tương tự cũng xảy ra tại một số xã trên địa bàn nhưng quy mô nhỏ hơn. Đến nay, tuy các đoạn đường đã cứng, đi lại bình thường nhưng khoảng thời gian từ khi trộn đến khi đông cứng kéo dài hơn 24 giờ là bất thường, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.

Tương tự, ngày 16-1, người dân thôn Giữa, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) cũng phát hiện sau 48 giờ thi công nhưng khoảng 50 m đường bê tông nằm giữa tuyến đường mới cứng hóa chưa đông kết. Sau đó, sự việc được người dân trình báo, chụp ảnh gửi cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nhưng đến nay nghi vấn liên quan chất lượng xi-măng không bảo đảm vẫn chưa được làm rõ.

{keywords}

Lô xi-măng Bắc Giang được người dân thôn Giữa dùng để cứng hóa tuyến đường dẫn đến hiện tượng lạ. (Ảnh do người dân cung cấp).

Sớm khắc phục, làm rõ trách nhiệm

{keywords}

Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh) đang giám sát việc cung ứng, thanh toán xi-măng và đầu tư xây dựng các tuyến đường GTNT trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát tại các huyện, sở, ngành, đơn vị liên quan đã ghi nhận nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng xi-măng chậm đông kết, lo lắng về chất lượng công trình giao thông... Ban đã yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trả lời vấn đề này, đồng thời cùng đơn vị tư vấn phối hợp thu thập 16 mẫu bê tông, xi-măng tại các huyện để kiểm định chất lượng, phục vụ phiên giải trình của Thường trực UBND tỉnh ngày 30-1 tới”.


Bà Ngụy Kim Phương, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh).

Ông Ngô Duy Bôn, Phó trưởng Phòng KT&HT huyện Hiệp Hòa khẳng định, đoạn đường ở thôn Giữa, xã Lương Phong có hiện tượng bê tông chậm đông kết là do chất lượng xi-măng không bảo đảm. Bởi lẽ, huyện đã hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện đúng quy trình phối trộn, thi công. Lãnh đạo thôn Giữa, cán bộ giao thông - xây dựng xã Lương Phong cũng khẳng định họ đã làm đúng hướng dẫn, chỉ có lô 18 tấn xi-măng số 05, sản xuất tháng 1-2018 của Công ty này chậm đông kết, các lô khác được thi công cùng ngày đều không xảy ra vấn đề gì.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng đã lấy mẫu kiểm định tại một số điểm và đang phân tích, đánh giá chất lượng để có kết luận chính thức. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu kiểm định ở nhiều nơi trên toàn tỉnh làm rõ chất lượng xi-măng Bắc Giang. Trước đó, Sở đã kiểm tra tại các công trình GTNT ở một số huyện, kết quả cho thấy, mẫu xi-măng Bắc Giang tại một tuyến đường ở thôn Giữa, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) không đạt yêu cầu. Cụ thể, theo tiêu chuẩn cường độ chịu nén của xi-măng PCB40 phải đạt từ 18 MPa trở lên nhưng ở đây chỉ là 2 MPa.

Trao đổi về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Bắc Giang cho rằng chất lượng xi-măng của đơn vị bảo đảm. Việc bê tông chậm đông kết xảy ra có thể nguyên nhân từ các yếu tố khác như: Cát, sỏi, nước không đạt chuẩn, nhiễm bẩn, tỷ lệ trộn không đúng, thi công đường chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra còn lý do khác như: Thời tiết quá lạnh, trời mưa; không loại trừ tình trạng rút bớt xi-măng... Ông Thanh cũng thừa nhận, về lý thuyết có thể xảy ra trường hợp cán bộ kỹ thuật của Công ty tăng tỷ lệ pha trộn thạch cao trong sản xuất hoặc nhầm lẫn khi đóng gói loại xi-măng dời chuyên phục vụ các trạm trộn vào bao cung cấp cho người dân dẫn đến thời gian đông kết kéo dài. Tuy nhiên ông Nguyễn Việt Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, bê tông chậm đông là do xi-măng chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Vì cùng tuyến đường, cùng loại cát, sỏi, nước và cách phối trộn, thi công như nhau nhưng khi sử dụng các mẻ xi-măng khác nhau dẫn tới hiện tượng trên. Lý giải vì sao chưa rõ trách nhiệm mà Công ty lại bồi hoàn xi-măng và 46 triệu đồng cho thôn Cẩm Nang, ông Thanh cho rằng “doanh nghiệp không muốn đôi co với người dân”?!.

Tình trạng đường bê tông chậm đông kết xảy ra tại nhiều huyện, ở các thời điểm khác nhau tạo dư luận không tốt khi phong trào chung tay cứng hóa đường GTNT đang nở rộ. Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ chất lượng xi-măng Bắc Giang và trách nhiệm đơn vị, địa phương có liên quan. Ông Nguyễn Việt Phong khuyến cáo, các đơn vị, đoàn thể xã hội tại địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện thi công xây dựng, bảo đảm chất lượng vật liệu đầu vào. Khi tiếp nhận xi-măng cần kiểm tra đầy đủ thông số kỹ thuật, nhãn mác, bao bì. Nếu phát hiện hoặc có nghi ngờ chất lượng xi-măng chưa bảo đảm thì dừng thi công, kịp thời trình báo để cơ quan chuyên môn và đơn vị cung ứng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm liên quan.

Nhóm PV Kinh Tế

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...