Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sắp hết hạn di dời: Nhiều chủ bến cát, sỏi vẫn “bình chân như vại”

Cập nhật: 12:47 ngày 27/12/2017
(BGĐT) - Sau nhiều lần được gia hạn di dời, ngày 30-11 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản đôn đốc chấp hành pháp luật trong việc tập kết cát, sỏi và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi. Theo đó, các bãi không nằm trong quy hoạch phải di dời, giải tỏa xong trước ngày 31-12. Tuy nhiên trước ngày này, nhiều trường hợp vẫn duy trì hoạt động bình thường.
{keywords}

Bãi tập kết cát, sỏi trái phép tại thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu (Việt Yên - ảnh chụp ngày 24-12).

Phớt lờ lệnh giải tỏa

Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến tháng 11 năm nay, toàn tỉnh còn 29 bãi tập kết cát, sỏi trái phép ven sông ở các huyện: Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn và TP Bắc Giang. Theo quy định, các địa phương phải di dời 26 bãi trước ngày 31-12, 3 bãi còn lại thuộc xã Đồng Sơn, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), xã Nham Sơn (Yên Dũng) liên quan đến việc thi công và cung cấp vật liệu xây dựng cho một số dự án trọng điểm được tạm thời gia hạn đến khi các công trình hoàn thành.

Thực hiện lộ trình này, Sở TN&MT công khai các điểm quy hoạch giúp chủ bến thuận tiện trong việc di chuyển đến vị trí mới; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn  di dời. UBND các huyện, TP cũng chỉ đạo các xã, phường yêu cầu các chủ bến giải tỏa theo quy định của tỉnh. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, thời hạn chót đã cận kề song đến ngày 26-12, toàn tỉnh mới giải tỏa 8/26 bãi. Các chủ bến còn lại vẫn “bình chân như vại", thậm chí hoạt động rầm rộ.

Tại thôn Lục Liễu Trên, xã Hợp Đức (Tân Yên), hiện còn 4 bãi vi phạm. Tại đây, cát vẫn được bơm lên thành những đống lớn. Ô tô nườm nượp ra, vào vận chuyển. Ông Trần Văn Hoạt, một trong những chủ bến cho biết: “Tôi chưa di dời vì đã đầu tư vào đây nhiều tiền. Mặt bằng của bến rất cao không làm ảnh hưởng dòng chảy vào mùa mưa lũ. Tôi sẽ đề nghị tỉnh cho phép chuyển thành điểm trung chuyển vật liệu”. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các bến bãi này đều nằm trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm các quy định của pháp lệnh bảo vệ đê điều. Các chủ bãi liền kề tại đây cũng đưa ra lý do tương tự.

Tình trạng trên còn xảy ra tại huyện Việt Yên. Ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, các chủ bến vẫn chưa có bất cứ động thái nào về việc thay đổi địa điểm hoạt động. Dọc hành lang ven đê sông Cầu qua địa bàn thôn dài chừng 200 m vẫn còn nhiều đống cát, sỏi cao, ước hàng nghìn m3. Máy cẩu, máy xúc, ô tô hoạt động tấp nập. Còn ở xã Tiên Sơn, 2 chủ bến cũng chưa chấp hành nghiêm quy định di dời.

Quy trách nhiệm cho chủ tịch UBND xã

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc chậm di dời bến bãi cát, sỏi trái phép ven sông làm tăng nguy cơ sạt lở, ngăn cản dòng chảy, có thể làm vỡ đê. Thời gian qua, nhiều đoạn đê bị xuống cấp do phương tiện vận chuyển cát, sỏi quá tải thường xuyên ra vào khu vực tập kết trái phép.

Nguyên nhân chậm di dời bến, bãi cát sỏi do các chủ cơ sở có tâm lý chưa đến hạn nên vẫn cứ hoạt động được ngày nào hay ngày đó. Ông Nguyễn Tiến Bang, chủ bến ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu cho rằng, gia đình ông đã nhận chuyển nhượng sử dụng bến, bãi của người khác trong 5 năm, nay chưa hết hạn, không thu hồi đủ vốn. Trong khi đó ông đã đầu tư 5 - 6 tỷ đồng kè bờ sông, lắp đặt máy móc, nếu di chuyển bây giờ có thể vỡ nợ. Hầu hết các chủ bến không muốn chuyển đến điểm quy hoạch vì vị trí thường cách xa bờ sông, làm tăng chi phí đầu tư, vận chuyển.

Trong khi các chủ bến thờ ơ với lệnh cấm thì có nơi chính quyền cấp xã chưa quyết tâm vào cuộc xử lý vi phạm. Ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu cho biết, xã đã thông báo thời gian, trực tiếp làm việc và yêu cầu các hộ dừng tập kết thêm vật liệu xây dựng, khẩn trương giải tỏa nhưng các hộ chưa chấp hành.

Theo chỉ đạo của tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP phải chịu trách nhiệm tổ chức giải tỏa các bãi tập kết trái phép trong năm 2017, không để phát sinh mới. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật chủ tịch UBND cấp xã không kịp giải tỏa, xử lý vi phạm. Được biết hiện nay, huyện Việt Yên đã yêu cầu xã Tiên Sơn, Quang Châu đôn đốc giải tỏa các bến đúng thời hạn, từ ngày 1 đến 5-1-2018 sẽ tổ chức "cắt" dốc lên đê ở bãi chưa di dời. UBND huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng cũng yêu cầu chủ bến đưa vật liệu xây dựng ra khỏi các bến, bãi vi phạm. Theo ông Đặng Trường Sinh, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức, địa phương sẽ tập trung cao để giải tỏa trước ngày 31-12, sau thời hạn này, xã đề nghị huyện phối hợp tổ chức cưỡng chế trường hợp vi phạm.

Trao đổi về các nội dung trên, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, ngoài việc cử cán bộ đôn đốc, hướng dẫn các chủ bến di dời đến điểm quy hoạch, ngày 20-12 vừa qua, Sở tiếp tục có văn bản đề nghị các huyện, TP khẩn trương yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng bến bãi ven sông chứa cát sỏi trái phép giải tỏa. Trường hợp quá hạn, các huyện, TP áp dụng chế tài mạnh để xử lý dứt điểm.

Bảo Khánh - Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...