Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhập nhèm hàng nhái kiểu dáng công nghiệp

Cập nhật: 07:00 ngày 04/11/2017
(BGĐT) - Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã làm giả, nhái nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm chính hãng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp (DN). Trước thực trạng này, lực lượng chức năng tỉnh đã vào cuộc xử lý, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, người tiêu dùng.
{keywords}

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm kiểu dáng công nghiệp.

Nhiều vi phạm

Gần đây, khi khảo sát một số cửa hàng lớn tại khu vực chợ Thương và các tuyến đường Lê Lợi, Xương Giang, Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), chúng tôi ngạc nhiên khi các nhân viên ở đây giới thiệu các sản phẩm có mẫu mã, chủng loại như nhau nhưng giá chênh lệch đến hơn một nửa. Cụ thể, máy bơm nhãn hiệu Panasonic được chào giá gần 2 triệu đồng nhưng sản phẩm liên doanh chỉ có giá chưa đến 1 triệu đồng. Hay như các sản phẩm dây cáp điện, thiết bị vệ sinh, vòi hoa sen, lõi máy lọc nước... cũng có hàng chính hãng và liên doanh với giá cả chênh nhau gấp hơn hai lần khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn.Chị Nguyễn Thị L, chủ một cửa hàng trên đường Xương Giang giải thích: “Sản phẩm liên doanh có giá thấp hơn nên nhiều người ưa chuộng, tin dùng. Khách muốn mua loại nào, số lượng bao nhiêu cũng có, chúng tôi sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu”. Điều đáng nói, các sản phẩm giống nhau về nhãn mác, kiểu dáng, khác nhau về chất lượng song lại được bày bán gần nhau dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Một số cửa hàng khác tại thị trấn Bích Động (Việt Yên), Neo (Yên Dũng), Chũ (Lục Ngạn) cũng có tình trạng tương tự. Phổ biến nhất là các sản phẩm vành, lốp, giảm xóc, phanh xe máy nhãn hiệu Honda chính hãng có giá dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng, trong khi các sản phẩm cùng loại được giới thiệu là liên doanh được bày bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngày 5-10 vừa qua, từ đề nghị của đại diện nhãn hiệu Honda Việt Nam, Đội Quản lý thị trường chống hàng giả (Chi cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện ông Khúc Xuân Bắc và Lê Thế Vương, ở phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) bày bán hơn 1,3 nghìn đề can, phụ tùng xe máy nhãn hiệu Honda có dấu hiệu vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Trước hành vi trên, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để trưng cầu giám định. Được biết, đến nay cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận đây là hàng hóa được làm nhái nhãn mác, vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Chi cục Quản lý thị trường đang hoàn thiện thủ tục, xử lý nghiêm theo quy định.

Cuối năm 2016, từ phản ánh của Công ty cổ phần Xe điện quốc tế HK Pike LTT, Đội Quản lý thị trường chống hàng giả đã kiểm tra, phát hiện cửa hàng xe đạp điện Đắc Tuyết của Công ty cổ phần Rượu, nước giải khát HADA, số 2, đường Xương Giang và cửa hàng kinh doanh xe đạp điện Tuấn Lan, chợ Quán Thành, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) bày bán 9 chiếc xe đạp điện vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt mỗi cơ sở 8 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động một tháng, buộc các cửa hàng tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 12 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp, tổng số tiền phạt gần 50 triệu đồng.

Kiên quyết xử lý

Tùy vào hành vi, mức độ vi phạm kiểu dáng công nghiệp, các cơ sở sản xuất có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất còn phải chịu hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc loại bỏ, tiêu hủy yếu tố, tang vật, phương tiện vi phạm...

Nguồn: Nghị định 99/2013/NĐ-CP, ngày 29 - 8 - 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, vi phạm kiểu dáng công nghiệp hiện nay do một số đối tượng hám lợi, mua lại sản phẩm trong nước có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng tin tưởng để gửi mẫu sang Trung Quốc sản xuất với số lượng lớn. Sau đó, các sản phẩm có kiểu dáng, kích thước như chính hãng được nhập lậu về Việt Nam để trà trộn tiêu thụ. Việc làm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, kết quả kinh doanh của các DN chân chính. Ngân sách nhà nước thất thu thuế, phí. Bên cạnh đó, người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua phải các sản phẩm được làm giả, nhái nhãn mác, không bảo đảm chất lượng. Nhất là các loại thực phẩm được dùng trực tiếp như bánh, kẹo, gia vị, nước chấm hoặc một số bộ phận của phương tiện như: Phanh, giảm xóc xe...

Gây ra hậu quả lớn nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến vi phạm kiểu dáng công nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn, hành vi của các đối tượng khá tinh vi, khó nhận biết dấu hiệu vi phạm. Trên thực tế, việc xử lý chủ yếu được thực hiện khi có đơn thư tố giác; các sản phẩm phải được đơn vị đăng ký bản quyền tại Việt Nam. Quá trình kiểm tra, lấy mẫu giám định diễn ra trong thời gian dài, việc xử lý vi phạm chỉ được thực hiện khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Hơn nữa, một số chủ thể có đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ngại va chạm, sợ công khai xử lý sẽ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của mình nên đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bỏ qua lỗi của những cơ sở làm giả. Quy trình xử lý phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, TP; thời gian giám định, xử lý kéo dài khiến nhiều DN chưa mặn mà tố giác. Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: "Quan điểm của Chi cục là sẽ thực hiện nghiêm khi phát hiện vi phạm để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Chúng tôi đề nghị người dân, các chủ thể quyền kịp thời thông báo cho các lực lượng chức năng. Chi cục Quản lý thị trường cam kết sẽ vào cuộc xử lý nghiêm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật".

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...