Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã hội hóa tu bổ đê điều: Giảm gánh nặng cho ngân sách

Cập nhật: 08:38 ngày 26/10/2017
(BGĐT) - Thực hiện đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm nay, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang thí điểm xã hội hóa tu bổ đê điều. Điều này mang lại nhiều lợi ích, không những giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn góp phần bảo đảm an toàn công trình, tăng khả năng chống lũ.
{keywords}

Cứng hóa mặt đê tả Cầu, đoạn qua thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu (Việt Yên) bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Hệ thống đê điều có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân; bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông khi có mưa lũ xảy ra. Tuy nhiên, các tuyến đê đã được hình thành từ rất lâu, được đắp với những phương pháp, vật liệu và trên những nền địa chất khác nhau. Vì vậy, nhiều đoạn đê xảy ra sự cố, gây mất ổn định và an toàn cho đê.

Tại Bắc Giang có hơn 400 km đê các cấp. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, tỉnh chỉ có thể bố trí cải tạo một số vị trí xung yếu, cấp bách nên vẫn còn không ít vùng nguy hiểm. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra khoảng chục vụ sạt lở đê, bãi sông. Ngoài ra, mặt đê bê-tông một số nơi bị bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng, tập trung tại xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang); Quang Châu (Việt Yên).

Trước tình hình trên, tháng 6-2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP có đê ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác tu bổ đê điều. Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập báo cáo, đề xuất với tỉnh, trước mắt xã hội hóa cứng hóa mặt đê tả Cầu, đoạn qua xã Quang Châu (Việt Yên) với tổng chiều dài hơn 2 km. Bởi lẽ ngoài chống lũ, tuyến đê này còn là đường giao thông quan trọng giao thương, trao đổi hàng hóa trong vùng. 

Sau khi được sự nhất trí về chủ trương, cơ quan chuyên môn đã lập bản vẽ thiết kế, yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ kỹ thuật. 7 doanh nghiệp (DN) tại thôn Đạo Ngạn 2 đóng góp hơn 3 tỷ đồng cứng hóa mặt đê bê tông với chiều dài 740 m (K52+340-K53+080) dày 25 cm. Hai DN là Công ty TNHH Việt Đức, Công ty TNHH Hoàng Trinh, thôn Nam Ngạn cũng góp hơn 5 tỷ đồng tu bổ đoạn K53+500-K55+00, thôn Nam Ngạn. Quá trình triển khai đều có sự giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ kỹ thuật của Chi cục Thủy lợi.

Tìm hiểu thực tế các công trình trên vào thời điểm này cho thấy, đoạn đê tại thôn Đạo Ngạn 2 đang được gấp rút đổ bê-tông, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10. Còn đê tả Cầu, thôn Nam Ngạn hoàn tất công đoạn lu lèn, san đất đúng cao trình, dự kiến cứng hóa xong trong tháng 11. Ông Mai Huy Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc (thôn Đạo Ngạn 2) chia sẻ: “Đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng nên thường xuyên phải vận chuyển nguyên liệu lưu thông trên mặt đê. Thế nhưng, có thời điểm khách hàng ngại đường gập ghềnh ổ trâu, ổ voi đã không mặn mà mua sản phẩm của DN. Với mong muốn chia sẻ lợi nhuận và tạo thuận lợi cho người dân qua lại cũng như hoạt động của DN, chúng tôi cùng bàn bạc tự nguyện đóng góp kinh phí để tu bổ đê. Hiện, một số DN tại thôn cũng đang thảo luận phương án nâng cấp đường gom dân sinh ven đê tả Cầu dài 400 m”.

Được biết, những tuyến đê tả Cầu qua thôn Đạo Ngạn 2, Nam Ngạn nhiều năm qua xuống cấp nghiêm trọng. Một số điểm võng xuống hình yên ngựa, có chỗ sâu hoắm nên đã xảy ra một số vụ tai nạn. Bà Nguyễn Thị Bảy, thôn Đạo Ngạn 2 nói: “Mỗi lần đi qua tuyến đê này thật khó khăn. Mưa nước đọng lõm bõm chẳng rõ lối đi. Nắng lại bụi bặm khiến người dân rất vất vả. Tới đây, mặt đê được làm mới hy vọng sẽ bền lâu, giúp việc lưu thông của bà con dễ dàng hơn”.

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hằng năm, tỉnh đều quan tâm đầu tư kinh phí để củng cố, nâng cấp hệ thống công trình đê điều nhằm kịp thời khắc phục những sự cố hư hỏng, tăng năng lực phòng chống lũ, bão. Tuy nhiên, để củng cố, nâng cấp toàn bộ hệ thống đê điều của tỉnh đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế. Bởi thế, việc khuyến khích ưu tiên các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư kinh phí để xây dựng, tu bổ, nâng cấp hệ thống công trình đê điều là rất cần thiết. Thời gian tới, Sở sẽ rà soát một số đoạn đê có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc, huy động sức dân đóng góp chung tay xây dựng công trình. Cùng đó, bố trí điểm đất đắp đê nằm trong vùng quy hoạch, giảm chi phí tu bổ công trình.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...