Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 13:34 ngày 18/10/2017
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực hơn 2 tháng nay (1-8-2017). Theo đó, có nội dung quan trọng đề cập tới việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Đặc biệt, DN ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những đối tượng được hưởng lợi nhờ chính sách này.
{keywords}
Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 (khu Công nghiệp Thụy Vân, Vĩnh Phú), chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác cung cấp cho các Công ty Honda, Nissan, Gochi. 

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội nhận định, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay quy tụ khá nhiều các DN vừa và nhỏ. Do nguồn lực còn hạn chế, nên ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và đa phần các DN trong lĩnh vực này nói riêng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, rất cần những giải pháp thiết yếu về nguồn vốn, tài chính ưu đãi, hạ tầng và mặt bằng nhà xưởng để giúp họ tăng cường đầu tư vào sản xuất và công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và định hướng tìm kiếm thị trường cũng như đầu ra cho sản phẩm. 

Qua khảo sát các DN cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại đã dành sự quan tâm và hỗ trợ nhất định đối với các ngành, lĩnh vực công nghệ hỗ trợ. Cụ thể như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Tiên Phong.... 

Ông Vân bày tỏ, điều đó, ít nhiều đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều DN ngành công nghiệp hỗ trợ có điều kiện ổn định sản xuất, phát triển thêm nhiều mặt hàng, mẫu mã với tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Quan trọng hơn, với bệ đỡ ấy, nhiều DN đã bắt tay hợp tác và dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia như Canon, Toyota, Yamaha, Samsung, Ford, Nidec... hay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của các DN ngành công nghiệp hỗ trợ không dễ dàng và thuận tiện như mong muốn. Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, những vướng mắc về thủ tục vay vốn phức tạp; tình trạng thiếu tài sản bảo đảm, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém và thêm nữa là thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch... đang là những rào cản khiến các DN vừa và nhỏ ngành công nghiệp hỗ trợ dù muốn cũng khó vay được tín dụng khi cần. 

Chính vì lẽ đó, dù cho Chính phủ và các ban ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại và phát triển nguồn nhân lực... song kết quả hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tác động của chính sách, của hành động trợ giúp vẫn chưa thực sự rõ, chưa tạo ra những chuyển biến và thay đổi cho nền kinh tế. 

Trước thực tế này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, cần có những cơ chế thông thoáng hơn nữa để giúp các DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Có được điều này sẽ giúp các DN nhỏ và vừa nói chung, đặc biệt là các DN ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng thêm nhiều cơ hội phát triển. Bởi muốn tồn tại và đứng vững, đòi hỏi các DN phải chiến thắng trong cạnh tranh, mà tín dụng ngân hàng chính là đòn bẩy nâng cao sức cạnh tranh của DN. 

Cụ thể với ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân đề xuất các cấp, ngành liên quan nên sớm nghiên cứu giải pháp hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với thời hạn vay linh hoạt và hạn mức vay phù hợp với điều kiện của DN. Đồng thời, nới lỏng quy định về tài sản thế chấp... để DN có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi cần, thay vì phải mượn tới các kênh phi chính thức trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các DN công nghiệp hỗ trợ và là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế. 

Ông Vân cũng cho rằng, nên cho phép các DN tư nhân thuộc ngành công nghệ hỗ trợ và công nghệ hỗ trợ cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước công nghệ tiên tiến. Từ đó, tăng năng lực sản xuất và liên kết tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thậm chí, cho phép và hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được đầu tư mua lại các DN tại Nhật Bản đang sản xuất linh kiện công nghệ hỗ trợ. Bởi các DN Nhật Bản này đang gặp khó khăn trong vấn đề già hóa dân số và thiếu thế hệ kế cận nên đang có nhu cầu chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.

Theo TTXVN


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...