Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ rừng

Cập nhật: 14:27 ngày 14/10/2017
(BGĐT) - Ngày 14-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”. 

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng 2 Bộ trưởng Nông nghiệp và  PTNT, Tài nguyên - Môi trường chủ trì hội nghị. 

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành tỉnh và các địa phương có rừng. 

Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện hơn 13 nghìn vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, làm thiệt hại 1.257 ha; giảm 21% số vụ, 71% về diện tích so với cùng kỳ 2016. Cùng thời gian, tại Bắc Giang, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 379 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với khối lượng gỗ vi phạm 125,775 m3; tăng 88 vụ (30%), tăng 9,9 m3 khối lượng gỗ vi phạm (8,5%)... 

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương nêu, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung; một số vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện, xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, nhất quán; nhiều nơi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng...

Về giải pháp ngăn chặn trong thời gian tới, một số ý kiến cho rằng, các địa phương cần tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện; kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Kịp thời giải quyết vướng mắc để hoàn thành trồng rừng thay thế. 

Đại biểu tỉnh Điện Biên kiến nghị, cùng với tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, Chính phủ có chủ trương, chính sách hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề di cư tự do, kịp thời bổ sung cán bộ cho lực lượng kiểm lâm... 

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần có nguồn vốn ổn định từ 3-5 năm liên tiếp để hỗ trợ các địa phương bảo vệ rừng; có chính sách về giống để nâng năng suất rừng trồng...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần xác định rõ tầm quan trọng của rừng vì rừng là “vàng”, coi bảo vệ, phát triển rừng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền. Cần tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng, có biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng. Cơ quan chuyên môn tiếp tục nâng cao hơn nữa tỷ lệ che phủ rừng từ nay đến năm 2020 đạt hơn 40%. 

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần xác định rõ mục tiêu để có biện pháp triển khai thực hiện, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, tạo sự nhất quán giữa các cấp, các ngành; kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển mục đích sử dụng rừng, không được lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt để phá rừng. Đối với các tỉnh ven biển, phát triển du lịch là việc làm cần thiết nhưng không được tự ý cho chuyển đổi rừng tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn, phải có quy hoạch cụ thể. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là trách nhiệm của các địa phương, cần thanh tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm xử lý nghiêm người đứng đầu và các chủ rừng nếu để xảy ra phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định; giải quyết tình trạng di dân tự do.

*Ngay sau hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nêu rõ: Bắc Giang có số vụ vi phạm không lớn song diện tích vi phạm lại chiếm 9,3% so với cả nước. 

Đồng chí chỉ đạo: Thời gian tới, các ngành, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đồng bộ, không chỉ là công việc của kiểm lâm. Các địa phương có rừng khẩn trương rà soát, thống kê thu hồi những diện tích rừng bị chặt phá trái phép; tạm dừng không chuyển đất rừng tự nhiên sang đất trồng rừng kinh tế. Khi xảy ra phá rừng, UBND huyện, TP yêu cầu công an xem xét, điều tra, xử lý nghiêm. Với một số khu vực rừng kinh tế nếu phục vụ cho du lịch thì chuyển sang rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ. 

                                             Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...