Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trường Trung thu: Vẫn còn đồ chơi bạo lực, phản cảm

Cập nhật: 08:37 ngày 03/10/2017
(BGĐT) - Trung thu đã cận kề, thị trường đồ chơi trở nên sôi động. Ở các điểm bán mặt hàng này dễ nhận thấy hàng Việt lép vế, xuất hiện nhiều loại đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
{keywords}

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiêu hủy đồ chơi bạo lực bị bắt giữ.

Những cửa hàng đồ chơi tại xã Hoàng Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) dịp này bày bán đa dạng sản phẩm. Những mặt hàng truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, trống cơm, mặt nạ ông địa... có địa chỉ sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ. Đa phần là đồ chơi không rõ nguồn gốc hoặc nhập từ Trung Quốc. Đáng quan tâm có nhiều loại đồ chơi bạo lực, không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tại cửa hàng T.H, thị trấn Nếnh, súng đồ chơi, kiếm nhựa, siêu nhân, mặt nạ kinh dị bày bán công khai. Chủ cửa hàng cho biết, hầu hết số đồ chơi này được mua từ chợ Thương (TP Bắc Giang), đều là hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc, giá mỗi khẩu súng nhựa từ 50 đến 150 nghìn đồng, mặt nạ từ 10 đến 30 nghìn đồng/chiếc. Khi đặt vấn đề muốn mua một số mặt hàng cấm này với số lượng lớn để kinh doanh, chủ cửa hàng mở tủ giới thiệu còn rất nhiều, thậm chí quả quyết “cứ thanh toán trước, lấy bao nhiêu chỉ cần “a lô” sẽ có người mang tới tận nhà”. Thực tế ở nhiều cửa hàng chỉ bày vài sản phẩm đồ chơi không lành mạnh nhưng nếu khách có nhu cầu sẽ được đáp ứng số lượng lớn.

{keywords}

Mặt nạ kinh dị bày bán tại một cửa hàng ở phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang.

Theo giới thiệu của chủ cửa hàng T.H, phóng viên mục sở thị tại một số quầy bán buôn, bán lẻ đồ chơi trẻ em tại chợ Thương. Ở đây có các loại đồ chơi Trung thu sản xuất trong nước và nhập từ Thái Lan nhưng không nhiều, đa phần trên sản phẩm hay bao bì đều ghi nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc không có địa chỉ, các chủ kinh doanh đều khẳng định là hàng nhập lậu từ nước ngoài. Để đối phó với lực lượng chức năng, các loại đồ chơi bạo lực, phản cảm được chủ hàng bày mẫu rất ít, còn lại giấu trong thùng hoặc gầm quầy. Nếu có khách mua hàng sẽ được giới thiệu nhiều chủng loại và sẵn sàng đáp ứng với số lượng lớn. Từ đây, những loại đồ chơi không hợp chuẩn tuồn về các cửa hàng, đại lý trong tỉnh, lan tới các vùng quê. Trung thu năm nay, thị trường đồ chơi còn bộc lộ “khoảng tối”. Sản phẩm không hợp chuẩn, mang tính kích động bạo lực, không phù hợp với trẻ em vẫn được bày bán.

Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Một ngày cuối tháng 9, phóng viên cùng Đoàn công tác liên ngành của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 và Công an TP Bắc Giang bất ngờ kiểm tra cửa hàng tạp hóa có bán đồ chơi Trung thu của bà Nguyễn Thị H tại đường Vương Văn Trà, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Tại đây bày bán công khai nhiều loại đồ chơi bạo lực (hàng cấm) gồm: Súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, kiếm nhựa... được sản xuất từ Trung Quốc. Đoàn đã lập biên bản, xử lý số hàng hóa và chủ cửa hàng theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Đội phó Đội QLTT số 1, ở những cửa hàng, đại lý bán đồ chơi lớn trên địa bàn TP Bắc Giang thường xuyên được kiểm tra, nhắc nhở, không có trường hợp vi phạm lớn. Tuy nhiên có trường hợp vẫn lén lút kinh doanh mặt hàng này theo cách tinh vi, giao dịch tại quầy nhưng trữ hàng và giao cho khách ở nơi khác. Việc vận chuyển hàng cũng được xé lẻ, lực lượng chức năng khó kiểm soát, xử lý. Từ đầu tháng 8 đến nay, đơn vị bắt giữ và tiêu hủy gần 600  kiếm và mác nhựa, 60 khẩu súng nhựa, 24 hộp đồ chơi hình ảnh kinh dị...

Dù là mặt hàng thuộc danh mục cấm nhưng súng, kiếm nhựa bạo lực và đồ chơi nhập lậu vẫn xuất hiện ở nhiều điểm, quầy bán, cửa hàng dịp Trung thu. Điều này không những ảnh hưởng tới thị trường mà còn nguy hiểm cho trẻ em, tác động xấu đến xã hội. Đồ chơi bạo lực, phản cảm có thể gây sát thương, không bảo đảm cho sự hình thành nhân cách, trí tuệ của trẻ, trở thành mối đe dọa cho gia đình và xã hội.

Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi Trung thu nhưng khó có thể phát hiện, xử lý triệt để. Theo ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, các đối tượng vận chuyển, buôn bán và kinh doanh đồ chơi nhập lậu, hàng cấm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Dịp này không phát hiện vụ vi phạm lớn nhưng vẫn còn vi phạm nhỏ lẻ. Thông thường, chủ cửa hàng chỉ trưng bày một số loại đồ chơi nhỏ lẻ, nếu phát hiện thì cũng chỉ tịch thu và xử phạt hành chính, còn điểm chứa hàng thường được ngụy trang ở nơi khác, không dễ bị bắt. Nguyên nhân khiến mặt hàng này vẫn được buôn bán là do lợi nhuận mang lại lớn, hơn nữa nhiều phụ huynh dễ dãi khi lựa chọn cho con hoặc để trẻ tự ý mua theo ý thích. Điều này vô hình tiếp tay cho đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn tồn tại. “Lực lượng QLTT sẽ phối hợp tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Nhân đây cũng đề nghị phụ huynh quan tâm, hướng dẫn con em không sử dụng đồ chơi bạo lực, không hợp chuẩn, góp phần làm lành mạnh thị trường”, ông Chu Thanh Hiến cho biết.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...