Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông

Cập nhật: 09:09 ngày 08/09/2017
(BGĐT) - Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22-7-2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong những năm tiếp theo.
{keywords}

Dự án cải tạo, nâng cấp đường nối tỉnh lộ 295 với tỉnh lộ 296 qua các xã: Bắc Lý, Xuân Cẩm, Hương Lâm, Mai Trung (Hiệp Hòa) dài 6,8km được triển khai từ nguồn vốn đầu tư phát triển các xã vùng ATK. Ảnh: Việt Hưng.

Thu hút nhiều nguồn lực

Những năm qua, Bắc Giang đã nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông, song ở nhiều địa bàn, việc đi lại của bà con vẫn gặp khó khăn. Tháng 7-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn từ 2016 - 2020, phấn đấu khoảng 200 km quốc lộ, 240 km đường tỉnh có bề rộng mặt đường 8 m trở lên; 100% đường huyện, 65% đường xã, 60% đường thôn, xóm được cứng hóa mặt đường; từng bước đầu tư xây dựng hệ thống cầu dân sinh trên các địa bàn khó khăn. Thu hút hơn 7 nghìn tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là nhiệm vụ nặng nề đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách như Bắc Giang. Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, TP tích cực triển khai những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Theo đó, Sở Giao thông - Vận tải đã tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tranh thủ sự quan tâm của T.Ư, các sở, ngành lập dự án đầu tư, nâng cấp và kết nối quốc lộ 31, 37, 17, đường tỉnh 293, 295, 290... Để khắc phục tình trạng thiếu vốn, tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng giao thông. Tiêu biểu gần đây là dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT với giá trị vốn đầu tư ngoài ngân sách gần 1,2 nghìn tỷ đồng, hiện đang được triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.

Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn (GTNT) gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mới đây, UBND tỉnh tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2021. Trong cả giai đoạn, tỉnh hỗ trợ tối đa 500 nghìn tấn xi măng cho các địa phương, cứng hóa hơn 1,9 nghìn km đường GTNT. Hiện nay, tại các huyện như Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn... nhân dân đã tiếp nhận nguồn xi măng được hỗ trợ, tích cực đóng góp kinh phí đối ứng và ngày công để cứng hóa các tuyến đường thôn, liên thôn.

Cần quyết tâm cao

Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu khoảng 200 km quốc lộ, 240 km đường tỉnh có bề rộng mặt đường 8 m trở lên; 100% đường huyện, 65% đường xã, 60% đường thôn, xóm được cứng hóa mặt đường.

Nguồn: Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22-7-2016 của Tỉnh ủy.

Mặc dù vậy, việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết tại hầu hết các địa phương chưa bảo đảm tiến độ. Đến nay mới có 3/10 huyện, TP hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển GTNT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, Yên Thế. Các huyện còn lại đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung.

Tại Sơn Động, huyện chưa cắm mốc lộ giới đối với hệ thống đường huyện, đường xã; tỷ lệ cứng hoá đường GTNT trên địa bàn huyện rất thấp. Trong đó, đường huyện chỉ đạt 48,2%, đường xã 55,23%, đường thôn xóm 29,24%. Trao đổi về những tồn tại trên, ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, do địa bàn rộng, nhiều đồi núi, địa hình bị chia cắt, trong khi đó kinh phí của địa phương hạn hẹp nên việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông gặp khó khăn.

Ngoài ra, ở một số địa phương, đơn vị, việc phổ biến, quán triệt các nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH còn chưa thường xuyên, thiếu cụ thể, sâu sát; trong triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt.

Qua quá trình khảo sát, kiểm tra thực tế, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết; các văn bản chỉ đạo của tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, hoàn thành mục tiêu chung của huyện, tỉnh với quyết tâm cao. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch (đề án) phát triển GTNT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí có lợi thế để tạo nguồn thu; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; có cơ chế hỗ trợ thêm cho các địa bàn khó khăn để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông. Đồng thời cần tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để làm đường GTNT… Qua đó, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; khơi thông mạnh mẽ nguồn lực to lớn trong nhân dân, góp phần tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông.

Nguyễn An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...